“Mánh khoé” gian lận thi cử thời 4.0

(PLO) - Thi cử vốn vẫn được xem là một cơn ác mộng đối với không ít học sinh, sinh viên. Đặc biệt là ở các quốc gia đông dân và có sự cạnh tranh cao như Trung Quốc, áp lực thi cử luôn đặt nặng lên vai của học sinh, sinh viên. Đây cũng lúc những “mánh khoé” gian lận thi cử công nghệ cao được sử dụng khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu.
Kiểm tra an ninh trước khi vào thi ở Trung Quốc.

Gian lận thi cử ngày càng trở thành căn bệnh nhức nhối ở Trung Quốc. Thậm chí, quan niệm “gian lận mới là công bằng” trong hệ thống thi cử đang đẩy nền giáo dục nước này vào chỗ vô phương cứu chữa.

Hàng loạt gian lận tinh vi

Ngày 29/10/2014, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho hay, gần 2.500 sinh viên nước này đã bị bắt quả tang gian lận thi cử bằng công nghệ cao khi tham gia vào cuộc thi cấp chứng chỉ dược sĩ ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. 

Các giám thị giám sát cuộc thi quan trọng này đã phát hiện nhiều tín hiệu vô tuyến bất thường tại 7 địa điểm thi, nơi 2.500 dược sĩ tương lai đang vật lộn với bài thi quốc gia để được cấp chứng chỉ dược sĩ. Sau khi điều tra, họ phát hiện ra rằng có tới 2,440 thí sinh (chiếm gần 98% thí sinh dự thi) đang sử dụng tai nghe không dây và những “cục tẩy điện tử” để nhận đáp án từ bên ngoài truyền vào dưới dạng mật mã.

Những kẻ đứng đằng sau thực hiện trò gian lận thi cử tinh vi này đã cài cắm các thí sinh giả tham dự kỳ thi với nhiệm vụ ghi nhớ thật nhanh câu hỏi trong đề thi để truyền ra ngoài. Sau đó, những câu hỏi này sẽ được giải và được truyền lại cho thí sinh thông qua tín hiệu vô tuyến.

Mỗi thi sinh thực hiện trò gian lận này sẽ phải nộp cho chúng 330 USD phí dịch vụ. Sau khi phát giác trò gian lận trên, hội đồng coi thi đã lập biên bản hủy kết quả thi của các thí sinh bị bắt quả tang, và những thí sinh này cũng bị cấm tham gì kỳ thi trong 2 năm tiếp theo.

Một trong những vụ việc gian lận gây chấn động nhất Trung Quốc vào năm 2014 là vụ hơn 120 sinh viên đại học ở tỉnh Hà Nam dùng “dấu vân tay giả” để vào phòng thi thi hộ. Các sinh viên này đã được trả công hàng ngàn nhân dân tệ để thực hiện hành vi này. 

Những người tổ chức hành vi gian lận cũng hối lộ các vị giám khảo trông thi. Họ sẽ tạo điều kiện để các sinh viên đeo những chiếc màng vân tay giả qua cửa kiểm tra vào phòng thi và làm bài thi hộ. Những sinh viên thi hộ sẽ được trả khoảng 5.000 nhân dân tệ (khoảng 782 USD) và được hứa hẹn thù lao gấp đôi thế nếu làm tốt.

Hơn 127 sinh viên Trung Quốc đã tham gia vào vụ việc này. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã xử lý vụ việc. 58 giáo viên, 21 sinh viên và 3 cơ quan đã bị phạt. Những sinh viên thi hộ sẽ bị đuổi học còn các thí sinh thuê thi hộ sẽ bị cấm thi trong vòng ba năm.

Sự vụ tiếp theo vào tháng 11/2014, một chiếc tẩy chứa thiết bị phát tín hiệu đã giúp 27 thí sinh có câu trả lời đúng trong kì thi lấy chứng chỉ dược sĩ ở tỉnh Giang Tô. Chiếc tẩy này nhìn không khác gì những chiếc tẩy bình thường. Tuy nhiên nó chứa các mạch điện để các thí sinh trong phòng thi gửi câu hỏi ra ngoài và nhận lại câu trả lời sau đó.

Một giám thị là công an đã phát hiện ra thiết bị này khi để ý thấy một thí sinh nhìn chằm chằm vào cái tẩy. Sau đó công an cũng bắt giữ 10 người vì buôn bán các thiết bị gian lận trong thi cử và thu giữ hơn 100 thiết bị điện tử để thực hiện hành vi gian lận…

Những mánh khóe gian lận công nghệ cao trong thi cử ở Trung Quốc

Ngoài ra, hàng loạt những mánh khóe gian lận tinh vi khác như: chiếc áo may ô có dây nối đến chiếc điện thoại di động giấu ở thắt lưng. Cặp kính có gắn camera cùng một thiết bị nhận tín hiệu siêu nhỏ được gắn vào một đồng xu. Chiếc thắt lưng được chế tạo thành một thiết bị không dây cho phép học sinh đeo nhận được đáp án chuyển từ bên ngoài vào.

Một chiếc camera nhỏ đã được giấu trong tay áo để phát câu hỏi ra ngoài, các tai nghe bé xíu đã được giấu trong ống tai hay chiếc bút bình thường nhưng thiết kế một khe kim loại chứa một tờ giấy có thể kéo dài tới 6 cm ghi những công thức quan trọng…Thậm chí trong giày của thí sinh cũng có thể được gắn các thiết bị điện tử, thu nhận sóng…

“Rắn mặt” ngăn chặn 

Những hình thức gian lận trong thi cử của Trung Quốc ngày càng tinh vi hơn, tuy nhiên chính quyền Trung Quốc cũng luôn cập nhật các chiến thuật và công nghệ mới để bắt kịp và ngăn chặn các hành vi gian lận.

Cơ quan quản lý giáo dục ở khu tự trị Nội Mông đã sử dụng hệ thống sinh trắc mạch máu ngón tay để nhận dạng các thí sinh tham gia kỳ thi đại học Gaokao. Hệ thống sinh trắc mạch máu ngón tay được cho là có kết quả chính xác và đáng tin cậy hơn nhiều so với hệ thống kiểm tra dấu vân tay truyền thống. Biện pháp này nhằm phát hiện và ngăn chặn các trường hợp thi hộ, kể cả trường hợp anh chị em sinh đôi đi thi hộ nhau.

Trong khi đó, ở tỉnh Hồ Bắc, cảnh sát sẽ kiểm tra tất cả những ngôi nhà ở gần các trường thi, đặc biệt là những nơi có thể để cho thuê trong ngắn hạn, nơi các thông tin về đề thi và đáp án có thể được trao đổi ra ngoài bằng các thiết bị truyền sóng không dây.

Bên cạnh đó, các máy dò tìm kim loại cũng được đưa vào sử dụng để phát hiện và không cho mang các vật dụng như điện thoại di động và các thiết bị điện tử vào trong phòng thi. Ví dụ như các tai nghe earphone sẽ  bị cấm sử dụng. Các thiết bị đặc biệt có thể được dùng để ngăn chặn âm thanh xung quanh trường thi.

Trong thời gian diễn ra các kỳ thi, các trường đại học ở khu vực Khu Tự trị Ninh Hạ cũng cấm các sinh viên rời trường mà không xin phép giảng viên để ngăn chặn họ đi thi hộ. Các sinh viên được phép ra ngoài phải báo cáo địa điểm mà họ sẽ đến ở ngoài khuôn viên trường đại học.

Từ năm 2013, ngành giáo dục tỉnh Cát Lâm và thành phố Hạ Môn của tỉnh Phúc Kiến thực hiện chính sách “kỳ thi im lặng”. Theo đó, thí sinh bị cấm mang vào phòng thi bất kỳ thứ gì liên quan đến kim loại. Thí sinh nữ không được mặc cả áo ngực có móc cài kim loại, vì có thể khiến máy phát hiện kim loại phát ra tiếng bíp.

Khi kiểm tra, thí sinh nào bị máy dò kim loại phát ra tiếng bíp thì sẽ không được vào phòng thi. Do đó, theo Hoàn Cầu thời báo, giáo viên khuyến cáo nữ sinh nên mặc áo ngực thể thao không có móc cài kim loại và quần có lưng co giãn thay vì dùng khóa kéo. 

Ngành giáo dục có nguy cơ sụp đổ 

Ở Trung Quốc, kỳ thi tuyển sinh đại học Gaokao được đánh giá là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Trong khi hàng nghìn học sinh vượt qua kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời bằng cách ôn luyện chăm chỉ thì vẫn có những bạn cố gắng giành được điểm số bằng cách gian lận, bất chấp việc sẽ phải đi tù bảy năm nếu bị bắt quả tang. 

Trong kỳ thi đại học năm 2013, thành phố Chung Tường thuộc tỉnh Hồ Bắc là một trong những nơi giám thị thực hiện nghiêm túc quy chế thi, theo báo Southern Weekend. Giám thị dùng thiết bị phát hiện kim loại xem thí sinh có cất giấu điện thoại và máy phát tín hiệu được thiết kế giống cục tẩy đầu viết chì.

Bên ngoài trường có một nhóm giám thị kiểm tra xung quanh để bắt những người tìm cách truyền câu trả lời cho thí sinh. Ít nhất 2 nhóm bị phát hiện khi cố tìm cách liên lạc với thí sinh từ một khách sạn đối diện cổng trường.

Ngay sau khi đợt thi kết thúc vào ngày 8/6/2013, một nhóm phụ huynh xông vào trường để phản đối. “Tôi đón con trai vào lúc trưa và nó bắt đầu kêu ca. Tôi hỏi nó chuyện gì xảy ra, nó nói một giáo viên kiểm tra người nó và tịch thu điện thoại trong quần lót của nó”, một phụ huynh phản đối với cảnh sát. Nhiều giám thị mắc kẹt trong trường do học sinh ném đá vào cửa sổ. Những giáo viên mắc kẹt bên trong chỉ còn cách kêu cứu. Một giám thị nhắn qua điện thoại: “Chúng tôi bị mắc kẹt trong phòng. Học sinh đang đập phá và cố xông vào”. 

Một giám thị khác họ Lý bị phụ huynh họ Triệu nổi giận đánh vào mũi vì ông Lý đã tịch thu điện thoại di động của con ông và từ chối nhận hối lộ để đưa lại điện thoại. Ông Triệu sau đó biện hộ với cảnh sát: “Tôi mong con trai tôi sẽ làm bài tốt trong kỳ thi này. Giám thị đó làm ảnh hưởng tới việc làm bài của nó, nên tôi nổi giận”.

Bên ngoài, khoảng 2.000 người đập xe và kêu la: “Chúng tôi muốn công bằng. Không có công bằng nếu mấy người không để chúng tôi gian lận”. Sau đó, hàng trăm cảnh sát phong tỏa trường học và chính quyền địa thương cũng cho rằng “do giám thị quá nghiêm khắc nên nhiều thí sinh đã không làm bài tốt”.

Các bậc phụ huynh lý luận rằng gian lận thi cử là một “đặc sản” trên toàn Trung Quốc và việc bắt con em họ ngồi thi mà không có “công cụ hỗ trợ” là một thiệt thòi lớn đối với chúng. Tình thế khẩn cấp buộc hàng trăm cảnh sát phải lập thành hàng rào bên ngoài trường học và chính quyền địa phương đã thừa nhận rằng “các giám thị đã quá nghiêm khắc và nhiều học sinh không chấp nhận được điều đó.”

Đọc thêm