Tuy nhiên, hầu hết các vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt quá thấp nên không đủ sức răn đe.
Phạt nhẹ, người vi phạm không “chùn tay”
Cuối năm 2011 và đầu năm 2012, tình trạng làm giả, mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH có chiều hướng gia tăng trên cả nước như tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã phát hiện gần 1.000 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH làm giả, photo màu, tẩy xóa.
Cty TNHH Truyền thông Online có trụ sở chính ở TP.Cần Thơ do Đoàn Văn Cuống làm Giám đốc thì chuyên đi tìm kiếm và thỏa thuận với các phụ nữ đang có thai từ 1 – 3 tháng ký hợp đồng lao động với Cty (thực tế, các phụ nữ này không hề làm việc) để thu lợi bất chính hơn 110 triệu đồng tiền chế độ thai sản. Vụ Kim Văn Đoan (SN 1974, Nam Định) bị bắt giam về hành vi làm giả thẻ BHYT hộ nghèo cho 6 người, đã có 5 thẻ được sử dụng để thanh toán viện phí, gây thiệt hại cho ngành BHXH gần 380 triệu đồng.
Một trong những vụ điển hình mới nhất là vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm đối với bệnh nhân cận lâm sàng để trục lợi tiền BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội. Cơ quan Công an đã khởi tố nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 đối tượng nhân viên về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Một số vụ án khác vừa qua đã bị đưa ra xét xử là vụ án bị cáo Lưu Tố Lan - nguyên bác sĩ chuyên khoa 1 Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cầm đầu đường dây kê toa thuốc khống, chiếm đoạt hơn 3,9 tỷ đồng từ nguồn tiền khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, hay vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước; tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại BHXH huyện Nhà Bè, TP.HCM…
Nguyên nhân góp phần làm cho tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng phổ biến được cho là các hành vi vi phạm mới chủ yếu bị xử lý hành chính với mức phạt tối đa là 75 triệu đồng trong lĩnh vực BHXH và trong lĩnh vực BHYT chỉ đến 40 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe.
Sâu xa hơn, đối với những vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, kéo dài, có tổ chức thì pháp luật hình sự hiện hành lại không quy định các tội danh riêng trong lĩnh vực BHXH, BHYT, do vậy không phải bất cứ hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT nào cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hình sự hóa để tránh lọt tội phạm?
Tại Hội thảo “Các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp” do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 13/12, ông Trịnh Toàn Thắng (BHXH Việt Nam) mong muốn giao quyền cho tổ chức BHXH được xử phạt vi phạm pháp luật về BHXH và hoàn thiện các quy định có liên quan nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan BHXH trong quá trình tham gia khởi kiện các cơ quan, tổ chức vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT; đồng thời nghiên cứu bổ sung một số tội danh về BHXH, BHYT trong BLHS để tránh bỏ lọt tội phạm như tội trốn đóng BHXH, BHYT, tội không đóng BHXH, BHYT đúng mức quy định, tội không đóng BHXH, BHYT cho đủ số người lao động, tội gian lận BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, tội tổ chức gian lận BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, một số ý kiến rất băn khoăn trước đề xuất nghiên cứu bổ sung một số tội danh về BHXH, BHYT trong BLHS sẽ khiến cho BLHS “thêm cồng kềnh”. Còn ông Trần Hải Nam (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) kiến nghị một giải pháp “mềm dẻo” hơn là chỉ bổ sung trong BLHS hành vi của cá nhân người sử dụng lao động khi vi phạm pháp luật BHXH đã bị xử lý hành chính song vẫn tiếp tục vi phạm thì phải được coi là vi phạm hình sự.
Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định hiện nay về các hành vi vi phạm pháp luật để tiến hành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp cũng như tăng mức xử phạt và cần quy định lãi chậm nộp bằng hoặc cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm đóng không đúng mức hoặc không đúng thời hạn từ 30 ngày trở lên…