Mặc dù khẳng định việc thực hiện mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi song đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải thừa nhận áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn…
Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất
Nếu như với kỳ hạn ngắn, các ngân hàng “nhìn nhau” với mức lãi suất huy động 5,3- 5,4%/năm kèm theo các chương trình tặng quà, bốc thăm, quay số thì nhiều ngân hàng đã mạnh tay nâng mức lãi suất huy động lên trên 8%/năm áp dụng cho những khoản tiền gửi lớn, kỳ hạn dài.
Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Phương Đông (OCB), mức lãi suất huy động VND cao nhất trên biểu niêm yết đã lên tới 8%/năm (8,1%/năm với tiết kiệm trực tuyến). Tuy nhiên, “qua mặt” Eximbank và SeABank, ở kỳ hạn ngắn hơn, khách hàng gửi 13 tháng với số tiền lớn tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) có thể được lãi suất lên tới 8,38%.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, sở dĩ các ngân hàng tăng lãi suất huy động dài hạn là nhằm “đón đầu” khả năng NHNN sẽ ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36, trong đó dự kiến giảm giới hạn các ngân hàng được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 40%.
Giảm nhẹ lãi suất: Khả thi?
Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối tháng 2/2016, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện phổ biến ở mức khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với đầu năm 2015, trong đó lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm 0,3- 0,5%/năm, bằng 50% mặt bằng cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005- 2006 là giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định, qua đó tiếp tục hỗ trợ tích cực cho sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với báo giới mới đây, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, ông Bùi Quốc Dũng nhận định, sang năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung, dài hạn gia tăng thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn
Cụ thể: Thứ nhất, với lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với năm trước, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động;
Thứ hai, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011 – 2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng;
Thứ ba, việc lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn…
Trong điều kiện thách thức như vậy, ông Dũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế, đồng thời điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan với lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục có các giải pháp, công cụ điều hành mới, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện của thị trường tiền tệ nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
“Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, việc thực hiện mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi…”- ông Dũng khẳng định.
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23/2/2016 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016, Thống đốc yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động của TCTD. Không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định của NHNN về thu phí cho vay của TCTD đối với khách hàng.
Thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của NHNN về lãi suất huy động và cho vay, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. TCTD vi phạm quy định về lãi suất bị xử lý theo quy định của pháp luật.