Mất con do bác sỹ Bệnh viện Bưu Điện tắc trách?

 Chưa kịp cảm nhận hơi ấm của đứa con đầu lòng, sản phụ Lê Thị Thanh Hoa (sinh năm 1989, Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) nhận tin dữ khi biết con mình trút hơi thở cuối cùng. Người chết đi sẽ không bao giờ sống lại, nhưng câu chuyện ứng xử từ phía bệnh viện đang gây nên sự phẫn nộ cho gia đình và xã hội.

Chưa kịp cảm nhận hơi ấm của đứa con đầu lòng, sản phụ Lê Thị Thanh Hoa (sinh năm 1989, Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) nhận tin dữ khi biết con mình trút hơi thở cuối cùng. Người chết đi sẽ không bao giờ sống lại, nhưng câu chuyện ứng xử từ phía bệnh viện đang gây nên sự phẫn nộ cho gia đình và xã hội.
Nỗi đau người mẹ trẻ. Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa.

Sản phụ Hoa đến Báo Pháp Luật Việt Nam với tâm trạng thất thần. Chị khóc cho đứa con bất hạnh, và trong giọt nước mắt hờn tủi còn hiện lên vẻ uất ức với những thông tin mà chị thu nạp được.

Ngày định mệnh

Sau chín tháng mười ngày hoài thai, cả gia đình sản phụ Hoa hồ hởi chuẩn bị đón thêm một thành viên mới của gia đình. Nhưng thay cho sự vui sướng ban đầu, chỉ vài hôm sau đó, gia đình chị lại nhận bi kịch.

Ngày 19/3/2011, chị nhập viện tại Bệnh viện Bưu Điện. Khám hàng ngày, bác sĩ nói sức khỏe của sản phụ tốt, có thể đẻ thường. Nhưng, đã có thêm trắc trở, khi ngày 22/3, bác sĩ nhận định xương chậu chị Hoa hẹp, nhỏ rất khó đẻ. “Khi tôi trở dạ, bác sĩ tên An khám và biết khó đẻ nhưng vẫn bấm nước ối cho đẻ thường”, trong đơn, chị Hoa cho biết.

Đơn của sản phụ Hoa gửi đến Báo Pháp Luật Việt Nam, nói rằng, “biết khó đẻ nên tôi bảo mổ ngay nhưng bác sĩ An không vào phòng trực đẻ mà ngồi xem vô tuyến, còn hai hộ sinh là Vũ Thị Diệu Vân và Trần Hoàng Linh ngồi ở góc phòng ăn bánh kẹo, làm việc riêng, để mặc tôi đau đớn”. Chỉ đến lúc tim sản phụ đập chậm dần thì kíp trực mới đưa vào phòng mổ và tiến hành làm thủ tục.

“Do mổ quá chậm nên con tôi bị sặc nước ối và có lẫn phân su tràn vào màng phổi. Bác sĩ sau đó gọi người bên hồi sức cấp cứu cho cháu nhưng mọi việc đã quá chậm”, chị Hoa hồi tưởng lại giây phút đau đớn của cuộc đời mình.

Trường hợp của mẹ con chị Hoa, ngay sau đó được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Và rồi, giây phút đau lòng nhất trong của đời chị, cũng đến. Mặc dù đã hết lòng cứu chữa, nhưng các bác sĩ tại bệnh viện này cũng không thể kéo dài sự sống cho sinh linh bé nhỏ, khi cháu không còn giãy dụa, mắt lịm dần. “Do Bệnh viện Bưu Điện để quá lâu nên cháu bị nước ối lẫn phân su tràn vào màng phổi, dẫn đến phổi của cháu bị nhiễm khuẩn nặng không thể cứu chữa được”, chị Hoa, cho biết.

Chưa kịp đặt tên cho con mình, 18h ngày 22/3, đứa con đầu lòng của chị Hoa vĩnh biệt cõi trần và được gia đình đưa đi mai táng.

Con mất, nhưng “mong có sự chia buồn từ phía bệnh viện”, chị Hoa cho hay “cũng không có ai đến”. Nuốt đau thương vào lòng, sản phụ Hoa quyết tâm tìm kiếm nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của con mình, mà chị cho rằng từ phía bệnh viện Bưu Điện gây nên.

Nhận phong bì, ăn hoa quả khi sản phụ kêu khóc

Trước yêu cầu của người nhà bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện Bưu Điện cũng cho tiến hành đối thoại. Nhưng, kết quả thu được chỉ là sự “đôi co” và gây nên sự bức xúc cho phía gia đình sản phụ. “Trong lần nói chuyện với chúng tôi ngày 2/4, chỉ có đại diện khoa sản và phòng kế hoạch tổng hợp, giám đốc thì tránh mặt”, chị Hoa, cho biết.

Cũng theo chị Hoa, trong cuộc đối thoại, phía bệnh viện cho biết không có gì sai. Chỉ “sau một hồi cãi vã nhau” thì đại diện bệnh viện này nói với gia đình sẽ giải quyết tiếp “trong phiên họp sau”. Lần họp thứ hai có sự tham gia của Phó giám đốc Bệnh viện Bưu Điện. Theo đơn của chị Hoa, thì vị phó giám đốc này chỉ “nói chung chung nếu có cứu được cháu thì gia đình nuôi cũng vất vả”, đồng thời hứa “sẽ đền bù cho gia đình vì người mất cũng không lấy lại được!”. Còn mức đền bù như thế nào, cũng không được phía bệnh viện thể hiện cụ thể…

Trở lại câu chuyện về cái chết thương tâm của con sản phụ Hoa. Ngày 24/4, bệnh viện Bưu Điện đã có công văn “Trả lời thư khiếu nại” của người nhà bệnh nhân. Công văn do Giám đốc Nguyễn Văn Oai, ký, khẳng định: “Sản phụ Lê Thị Hoa vào bệnh viện với các dấu hiệu chuyển dạ bình thường và các thông số của mẹ và thai nhi cho phép tiên lượng đẻ thường đường dưới. Trong quá trình chuyển dạ, tua trực gồm bác sĩ Nguyễn Bình An và hai nữ hộ sinh Vũ Thị Diệu Vân và Trần Hoàng Linh đã theo dõi sản phụ và thai nhi theo đúng quy trình chuyên môn”.

Công văn này nói rằng, sau khi thực hiện bấm ối và theo dõi, sản phụ đã có các dấu hiệu đẻ khó nên bác sĩ An đã chỉ định mổ đẻ. Sau khi ra đời, cháu bé bị tím tái, thở yếu, đã được cấp cứu tại chỗ và chuyển sang Viện nhi Trung Ương.

Nói về nguyên nhân tử vong, Giám đốc Nguyễn Văn Oai khẳng định: “Sau khi xem xét một cách khách quan, khoa học”, bệnh viện này đưa ra nhận định cháu bé sau khi chào đời đã có dấu hiệu tím tái, thở yếu, có bất thường về hình dạng.

Bác sĩ Oai cũng bác bỏ cáo buộc của sản phụ Hoa là cháu mất do “bị sặc ối” là không có cơ sở, bởi theo hồ sơ tóm tắt của Viện nhi Trung Ương thì “phổi hai bên thông khí tốt”.

Mặc dù khẳng định cán bộ của mình vô can, nhưng Giám đốc Nguyễn Văn Oai vẫn ra quyết định xử lý kỷ luật kíp trực trong sự việc của sản phụ Hoa. Quyết định của giám đốc Oai gửi Bộ Y tế, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, nói “bác sĩ Nguyễn Bình An có nhận tiền của gia đình sản phụ”, và hai nữ hộ sinh Vũ Thị Diệu Vân và Trần Hoàng Linh “có ăn uống trong lúc theo dõi bệnh nhân tại phòng đẻ”.

Đây là những hành vi, theo quyết định do ông Oai, ký, là “ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của bệnh viện, gây bức xúc với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân”. Theo đó, đối với bác sĩ Nguyễn Bình An và nữ hộ sinh Trần Hoàng Linh, lãnh đạo Bệnh viện Bưu Điện quyết định “Kỷ luật cảnh cáo toàn bệnh viện”. Riêng nữ hộ sinh Vũ Thị Diệu Vân nhận hình thức kỷ luật “Chuyển công tác khác với mức lương thấp hơn”.

“Nghi án” bệnh án giả

Một trong những cơ sở để lãnh đạo Bệnh viện Bưu Điện thoái thác trách nhiệm về cái chết của con sản phụ Hoa là căn cứ vào bệnh án của Viện nhi Trung Ương. Theo chị Hoa, sau khi gia đình yêu cầu làm rõ, thì phía chị đã nhận được một bệnh án có đóng dấu của Viện nhi Trung Ương. Bệnh án này, do phía … Bệnh viện Bưu Điện chuyển đến.

Nói với phóng viên, sản phụ Hoa cho biết, đã có những dấu hiệu đáng ngờ từ bản tóm tắt bệnh án của Viện nhi Trung Ương được bệnh viện Bưu Điện chuyển đến. Chị Hoa nghi ngờ chữ ký của bác sĩ điều trị tên Nguyễn Thị Ngọc Tú của Viện nhi Trung Ương có dấu hiệu bị giả mạo.

Theo đó, sản phụ Hoa đã đối chiếu hai chữ ký của bác sĩ Tú (một chữ ký trong bệnh án sơ sinh và một chữ ký tại biên bản tóm tắt bệnh án) và nói “nhìn không giống nhau lắm”. Nghi ngờ bệnh án bị làm giả, sản phụ Hoa đã liên hệ với Viện nhi Trung Ương, nhưng nhận được câu trả lời rằng bác sĩ Tú hiện đi nước ngoài, không liên lạc được.

Cộng đồng mạng chia sẻ

Sự việc của sản phụ Hoa cũng nhận được sự chia sẻ của hàng nghìn bà mẹ trên cộng đồng mạng. Tại địa chỉ web “làm cha mẹ”, webtretho, nhiều bà mẹ đã có lời động viên và an ủi sản phụ Hoa. Đồng thời, nhiều bà mẹ đã tỏ thái độ bất bình trước cách hành xử của bệnh viện Bưu Điện, nhiều người cam kết ủng hộ và cùng chị Hoa đi đến cùng để tìm sự thật, để vong linh đứa con đầu lòng của chị được "ngậm cười nơi chín suối"…

Hưng Dũng

Đọc thêm