Mất khí Nam Côn Sơn, “nhà đèn” cấp điện ra sao?

(PLO) - Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 9 - 14/9, nguồn khí Nam Côn Sơn cung cấp cho các nhà máy điện tuabin khí khu vực Đông Nam bộ sẽ bị mất hoàn toàn. Vì thế, ngành Điện đã lên kế hoạch hỗ trợ công suất từ miền Bắc vào, đồng thời huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than. Thậm chí, chạy nhiên liệu phụ - dầu DO và cả dầu FO để đáp ứng nhu cầu các phụ tải.
Đường ống khí Nam Côn Sơn dừng cung cấp để bảo dưỡng

Hai tuần căng thẳng 

Nguồn khí thiên nhiên cung cấp cho các nhà máy điện tuabin khí ở khu vực Đông Nam bộ được lấy từ bể khí Nam Côn Sơn gồm các mỏ khí: Lan Tây, Lan Đỏ, Hải Thạch, Mộc Tinh, Rồng Đôi… Nguồn khí này đã cung cấp một lượng nhiên liệu rất lớn cho các nhà máy điện tại khu vực nói trên, với tổng công suất lắp đặt xấp xỉ 5.300MW - chiếm 13,5% tổng công suất đặt toàn hệ thống điện quốc gia và chiếm 40% tổng công suất đặt hệ thống điện miền Nam. 

Sản lượng điện huy động tối đa khoảng 118 triệu kWh, chiếm khoảng 22,4% sản lượng điện toàn hệ thống trong giai đoạn hiện nay. Điều này cho thấy nguồn cung khí nói trên là hết sức quan trọng, đảm bảo hoạt động cho các nguồn điện ở khu vực phía Nam.  

Tuy nhiên, theo kế hoạch, hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn sẽ giảm và ngừng cấp theo 3  giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 đã bắt đầu từ ngày 5/9 đến ngày mai (8/9), tiếp đó - là từ ngày 15 - 19/9; trong 2 đợt này, khả năng cấp khí Nam Côn Sơn sẽ giảm từ 21,5 triệu m3/ngày xuống khoảng 11.5 triệu m3/ngày. Đáng nói, cũng trong đợt này, sẽ có 5 ngày  (từ 9-14/9), nguồn khí Nam Côn Sơn sẽ mất toàn bộ.

Theo EVN, trong thời gian giảm và ngừng cấp khí Nam Côn Sơn, dự kiến phụ tải hệ thống  điện miền Nam có công suất tối thiểu 8.349MW, tối đa là 12.868MW tương trợ các chỉ số này ở hệ thống điện quốc gia là 17.733 MW và 25.309 MW (ngày thường)…

Với phụ tải dự kiến, công suất tối thiểu cần thiết huy động từ các nguồn chạy bằng nhiên liệu dầu là 2.721 MW. Tổng sản lượng điện chạy dầu dự kiến huy động trong thời gian bị giảm, ngừng cấp khí Nam Côn Sơn dự kiến khoảng 309 triệu kWh. Trong khi việc huy động các nguồn điện chạy bằng dầu nhiều như vậy sẽ tiểm ẩn nhiều rủi ro do các tổ máy chạy dầu thường không ổn định.

Cấp điện ra sao?

Để đảm bảo công tác vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và liên tục, EVN cho biết đã chuẩn bị các phương án vận hành để đảm bảo nhu cầu của các phụ tải. Trước tiên, là điều chỉnh huy động nguồn, tận dụng tối đa khả năng tải của các đường dây/máy biến áp truyền tải 500/220kV để hỗ trợ công suất từ miền Bắc vào miền Trung và vào miền Nam cũng như từ miền Trung vào miền Nam.

Vì thế, trong thời gian này phải tăng cường kiểm tra, khắc phục những tồn tại, bất thường trên hệ thống truyền tải, đặc biệt trên các giao diện Bắc - Trung, Trung - Nam và các đường dây, máy biến áp truyền tải trên hệ thống điện miền Nam.

Với phương án này, EVN lưu ý phải tăng cường lực lượng trực vận hành và lập các phương án và tiến hành diễn tập xử lý sự cố nhất là các đường dây 500 kV/220kV cấp điện cho miền Nam cũng như các đường dây 220kV truyền tải nội miền.Và không bố trí công tác trên lưới điện ở các khu vực có ảnh hưởng trong thời gian giảm, ngừng cung cấp khí.

Ngoài ra, EVN sẽ phải phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để cấp khí PM3 tối đa cho các Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 trong thời gian giảm, ngừng cấp khí Nam Côn Sơn; đồng thời cấp khí Cửu Long cao nhất có thể trong thời gian công tác để có thể huy động công suất cao các Nhà máy Điện Bà Rịa, Phú Mỹ 2.1 và đảm bảo đầy đủ nhiên liệu dầu, cũng như độ sẵn sàng cao nhất của các tổ máy để vận hành đáp ứng theo phương thức huy động. 

Riêng đối với các nguồn điện khu vực miền Nam, ngành Điện chỉ đạo huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than, đặc biệt các tổ máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các phương án huy động các tổ máy chạy khí khu vực Phú Mỹ - Bà Rịa sang vận hành bằng nhiên liệu dầu DO (nhiên liệu phụ) và huy động thêm các tổ máy nhiệt điện chạy dầu (FO) và tuabin khí chạy dầu tại Thủ Đức, Cần Thơ.

Đặc biệt, trong thời điểm này cần tận dụng tối đa lượng khí Nam Côn Sơn (cấp trong các giai đoạn giảm khí), khí Cửu Long và khí PM3-CAA cho phát điện để điều chỉnh theo nguyên tắc phát cao vào các giờ cao điểm của miền Nam. Giải pháp cuối là tích nước các hồ thủy điện miền Nam, miền Trung để có thể huy động tối đa trong thời gian công tác khí, đảm bảo công suất khả dụng cao nhất cho hệ thống điện miền Nam. 

Theo tính toán của EVN, với các những giải pháp nêu trên, việc cung cấp điện cho khách hàng khu vực phía Nam sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, hệ thống điện miền Nam sẽ vận hành trong tình trạng căng thẳng. Do vậy, EVN đề nghị khách hàng thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý, tránh lãng phí, góp phần giảm sức ép trong vận hành hệ thống điện, đặc biệt trong thời gian công tác hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn.

Đọc thêm