Phát triển quá nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy
Theo báo cáo Kinh tế số khu vực Đông Nam Á năm 2021 của Google, Temasek, Bain & Company cho thấy, đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam có thể đạt giá trị 220 tỷ USD. Dựa trên tiềm năng thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021- 2025 của Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm và chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và cung cấp dịch vụ.
Trên thực tế, tiềm năng thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục được mở rộng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Thống kê cho thấy, trong năm 2021, số lượng sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam mua trực tuyến tăng 50% so với năm 2020, trong khi số lượng nhà bán lẻ trực tuyến tăng 40% so với năm trước, dẫn đến tổng doanh số bán lẻ trực tuyến tăng gấp 1,5 lần. Đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa bán lẻ trực tuyến đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021.
Những con số phát triển “thần tốc” này cũng là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy tiềm năng khổng lồ của thị trường kinh doanh trực tuyến trong nước. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ này cũng đi kèm những hệ lụy, đó là khi các nền tảng văn hóa kinh doanh, nền tảng pháp lý chưa kịp củng cố vững chắc, theo kịp với tốc độ phát triển, sẽ nảy sinh ra rất nhiều vấn đề. Hiện nay, thị trường TMĐT Việt Nam khó có thể gọi là một thị trường ổn định là lành - sạch, bởi sâu bên trong còn rất nhiều “lỗi”, nhiều vấn đề nổi cộm.
Hiện, kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam có thể thông qua nhiều hình thức, nhiều nền tảng mạng, nhưng có thể gom lại vào một số hình thức cơ bản: Kinh doanh trên sàn TMĐT, kinh doanh thông qua website và kinh doanh tự do trên mạng xã hội.
Nếu như hình thức kinh doanh trên website có “truyền thống” lâu đời, có độ tin cậy nhất định, thì kinh doanh qua sàn thương mại điện tử và mạng xã hội là hình thức phát triển mạnh trong những năm gần đây. Trong đó, sàn TMĐT đang từng bước ổn định về cách thức vận hành, chất lượng dịch vụ. Chỉ có lực lượng kinh doanh tự do trên các ứng dụng mạng xã hội là vẫn còn khó kiểm soát nhất.
Theo thống kê, hiện có trên 1.100 doanh nghiệp đăng ký website bán hàng qua mạng tại Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) và khoảng 150 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch. Còn tính cộng dồn đến hết năm 2019, cả nước có 999 sàn giao dịch TMĐT. Trên thực tế, con số chưa đăng kí còn nhiều hơn.
Và tất nhiên, số lượng người kinh doanh online tự do đang hoạt động mạnh mẽ trên mạng xã hội còn nhiều bội phần. Có thể dễ dàng bắt gặp lực lượng bán hàng online tự do này ở khắp nơi: Từ các tài khoản cá nhân trên trang Facebook, Instagram, Zalo, Tiktok, Youtube... Họ có thể bán hàng thông qua hình thức đăng bài viết kêu gọi, đăng hình ảnh, video, và đang phổ biến những năm gần đây là hình thức livestream.
Có rất nhiều chủng loại sản phẩm mà người bán hàng online tự do có thể kinh doanh, từ các sản phẩm gia dụng, dân dụng, các mặt hàng thực phẩm công nghiệp hoặc tự làm, từ hàng nhái, hàng giả cho đến hàng hiệu cao cấp... Hiện nay, vì cơ quan quản lý chưa thực sự có phương án quản lý hiệu quả, sâu sát, thế nên thị trường TMĐT, đặc biệt là kinh doanh tự do qua mạng xã hội vẫn còn rất phức tạp, rối rắm, thậm chí được xem là “thả nổi”.
Nhiều người kinh doanh online bán những mặt hàng phi pháp, tuyên truyền mê tín dị đoan... |
Thị trường “náo loạn”
Vì quá nhiều người bán, và gần như bán “tự do”, nên tình trạng phổ biến trên thị trường bán hàng online qua mạng xã hội là các cá nhân bán hàng thoải mái, người mua hàng bằng “niềm tin”, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm cũng chỉ dựa vào sự cam đoan của người bán. Trong đó có nhiều mặt hàng bị cấm, hành vi bán hàng vi phạm pháp luật vẫn diễn ra nhan nhản như bán hàng nhái, hàng giả, bán những sản phẩm phản cảm, liên quan đến mê tín dị đoan như bùa ngải...
Cạnh đó, trong thị trường bán hàng online qua mạng xã hội, một hình thức bán hàng tuy hiệu quả nhưng gây ra rất nhiều khó chịu cho khách hàng, cũng như góp phần khiến thị trường trở nên bát nháo, nhiễu loạn đó là hình thức bán hàng qua livestream. Cách đây vài năm, bán hàng livestream đã ra đời khi mà Facebook đồng thời cho ra mắt tính năng mới mẻ này.
Đặc biệt, từ sau giãn cách do COVID-19, hình thức này càng được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Có một thời điểm, người ta thấy “người người livestream, nhà nhà livestream”. Sự thành công của các “ngôi sao bán hàng livestream” càng khiến cơn sốt bán hàng livestream rầm rộ hơn.
Nếu như người bán chỉ tận dụng sự trực quan sinh động của tính năng livestream để bán hàng, tăng tương tác với khách hàng thì không nói, nhưng từ đây còn đủ thứ bát nháo diễn ra. Đó đây, nhiều tài khoản livestream còn là cơ sở tiêu thụ hàng lậu với số lượng khủng. Như sự việc cơ quan quản lý đột nhập vào kho hàng lậu khủng tại Lào Cai, phát hiện hàng chục ngàn sản phẩm nghi giả các nhãn hiệu nổi tiếng cùng dàn máy móc tối tân để livestream bán hàng. Qua khai thác cho biết, mỗi tháng kho hàng này thu hàng chục tỉ đồng qua việc livestream bán hàng, với hàng chục nhân viên túc trực.
Những trò bán hàng chợ búa, phản cảm, lột quần áo ngay trên sóng livestream để “câu” tương tác bán hàng diễn ra nhan nhản. Cạnh đó, một lực lượng nghệ sĩ làng giải trí cũng gia nhập giới bán hàng livestream để dùng hình ảnh mình bán hàng, trong đó có cả những nghệ sĩ đi bán hàng giả, kém chất lượng, tiếp tay cho các thương hiệu thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng, lừa dối khách hàng...
Nhiều người, từ bán hàng online qua livestream bỗng dưng một ngày trở thành “ngôi sao mạng xã hội”, có cả triệu lượt theo dõi, hàng ngàn fan hâm mộ. Và rồi từ đó, họ nảy sinh những hành vi ngông cuồng, bất chấp, như một số “hot girl” bán hàng livestream chuyên chửi tục, chửi thề, hay có trường hợp một “hot girl” chuyên livestream bán hàng dẫn người đi đánh nhau với hotgirl livestream khác vì mâu thuẫn chuyện làm ăn.
Có thể thấy, thị trường bán hàng online thông qua mạng xã hội không chỉ tồn tại những lỗ hổng, phức tạp trong hành vi kinh doanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến văn hóa số, gây nhiều hệ quả cho đời sống tinh thần của người dân.
Cạnh đó, hình thức kinh doanh online qua website, qua sàn TMĐT tuy có ổn định hơn, nhưng đến nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Không ít website dù có đăng kí đàng hoàng nhưng vẫn có những hành vi buôn gian bán lận, lừa đảo khách hàng. Cạnh đó, nhiều sàn TMĐT tuy có kiểm soát nguồn gốc đầu vào, nhưng vẫn để “lọt lưới” cho hàng gian, hàng giả, kém chất lượng tuồn ra thị trường.
Như sự việc Công ty sách Trí Việt từng khởi kiện Lazada sau khi phát hiện sách kém chất lượng, in sai sót, sách giả, không được in ấn, phát hành hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng bản quyền, quyền tác giả mà First News - Trí Việt đang sở hữu được đăng bán trên Lazada với mức giá giảm từ 42-55% (cá biệt có trường hợp lên đến 72%) so với giá bìa. Sau một thời gian thông báo cho Lazada yêu cầu hợp tác mà không có kết quả, đơn vị làm sách Trí Việt đã lập vi bằng, khởi kiện sàn TMĐT Lazada.
Có thể thấy, nguyên nhân của sự bát nháo trong thị trường TMĐT Việt Nam đến từ sự phát triển quá nhanh, khiến cho nền tảng kinh doanh lẫn chính sách quản lý dường như chưa theo kịp. Ví dụ, tại TP.HCM có trên 85.996 tên miền website thương mại điện tử đang hoạt động, thì mới có 2% website đã đăng ký. Để quản lý được các website này cần phải có cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Thông tin - Truyền thông.
Hiện nay việc quản lý các website thương mại điện tử tại các địa phương đang còn lỏng lẻo, thiếu nhân lực và sự phối hợp của các cơ quan chuyên ngành... Đó chỉ là một mảng trong các hình thức kinh doanh online tại một tỉnh thành. Mở rộng ra, còn các sàn TMĐT, các cá nhân kinh doanh tự do đang trở thành một con số khổng lồ và ngoài tầm kiểm soát.
Để chấn chỉnh được hoạt động TMĐT trong nước, không chỉ cần đến sự điều chỉnh hợp lý về mặt pháp luật, sự tăng cường hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng mà thậm chí còn cần những đề án riêng, những phương án quản lý đặc thù, đưa TMĐT trong nước đi vào quỹ đạo.