Mất trăm cây vàng vì mua nhà vô chủ

Người phụ nữ xấp xỉ tuổi lục tuần nghẹn lòng không thốt nên lời, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt hốc hác đau khổ. Bà không chỉ mất 86 lượng vàng mà còn “mất” cả đấng sinh thành đang tâm đẩy con ra khỏi căn nhà được mua bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt…
Người phụ nữ xấp xỉ tuổi lục tuần nghẹn lòng không thốt nên lời, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt hốc hác đau khổ. Bà không chỉ mất 86 lượng vàng mà còn “mất” cả đấng sinh thành đang tâm đẩy con ra khỏi căn nhà được mua bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt…

Căn nhà 25 Cô Bắc (quận 1, TP.HCM) thuộc sở hữu của ông Nguyễn Phước Thịnh. Trong biên bản kê khai năm 1977 và 1999, bà Nguyễn Thị Tư khai đã thuê lại căn nhà số 25 Cô Bắc Q1 của ông Nguyễn Phước Thịnh (chủ phố) trước năm 1975.

Vào thời điểm đó, hàng tháng ông Thịnh đều đến lấy tiền thuê nhà. Nhưng sau 1975 đến nay, ông Thịnh đi đâu không rõ và cũng từ đó không còn ai đến thu tiền nhà như trước nữa.

 Năm 1980, vợ chồng bà Lê Thị Sáu được ông nội của chồng là cụ Lê Văn Nhẫn cho ở trong một phần căn nhà số 25 Cô Bắc để tiện việc chăm sóc cho ông.  

Ba năm sau, ông Nhẫn làm di chúc để lại cho vợ chồng bà Sáu căn nhà diện tích 3,34m x 3,37m. Đến năm 1999, chồng bà Sáu qua đời, để lại cho cho bà 3 người con căn nhà cùng số tiền chắt chiu dành dụm được. Năm 2000, bà Sáu đã dùng tiền của mình để mua thêm một phần căn hộ 25 Cô Bắc (diện tích 3,37m x 5,23m) của bà Trần Nguyệt Hoa với giá 22 lượng vàng SJC.

Đến năm 2001, bà mua tiếp căn hộ (diện tích 8,8m x 9,6m) của bà Đặng Thị Ba với giá 28 lượng vàng. Rồi năm 2003, bà tiếp tục chi 36 lượng vàng để mua thêm phần nhà của ông Trương Thành Nhân (4m x 4,22m) để nới rộng thêm diện tích sử dụng.
Tờ di chúc của ông nội chồng bà Sáu cho vợ chồng bà ở trong một phần căn nhà số 25 Cô Bắc để tiện việc chăm sóc cho ông. 
Số vàng bà Sáu bỏ ra mua lại các căn hộ trên đều được bà Nguyễn Thị Tư (mẹ ruột) và các em công nhận (căn cứ trên mua bán giấy viết tay).

Thế nhưng, năm 2006, bà Nguyễn Thị Tư làm giấy ủy quyền cho người con trai là ông Nguyễn Thành Út, làm đại diện yêu cầu công nhận quyền sử dụng (QSD) nhà số 25 Cô Bắc là của ông Lê Văn Ngà và bà Nguyễn Thị Tư, với viện dẫn, căn nhà được mua bằng giấy tay từ năm 1965, nhưng đã bị cháy toàn bộ do hỏa hoạn.

Bà Sáu ngăn cản dẫn tới tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình bà Tư và bà Sáu.

Theo ý bà Tư thì nếu bà Sáu và các anh em khác chấp nhận hòa giải thì bà Tư sẽ chia mỗi người con số tiền 2,5 tỷ đồng. Riêng bà Sáu sẽ được cộng thêm 3 tỷ do bà Sáu đã chi tiền để mua lại 3 căn hộ kia. Nhưng bà Sáu đã không đồng thuận với cách chia này.

Bà Tư đã khởi kiện con gái ra tòa. Ngày 27/10/2011, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện  này. Tại tòa, HĐXX sơ thẩm đã không thừa nhận việc chuyển nhượng các căn hộ trên, đồng thời cũng không đề cập tới số vàng mà bà Sáu đã bỏ ra. Thay vào đó, Tòa tuyên xử bà Sáu phải trả lại toàn bộ căn nhà  đang sử dụng trong thời hạn 6 tháng, đồng thời trả lại cho bà Sáu số tiền là 170.463.475 đồng.

Phiên tòa kết thúc, bà Sáu nghẹn lòng không thốt nên lời, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt hốc hác đau khổ. Bà đã không chỉ mất 86 lượng vàng mà còn “mất” cả đấng sinh thành đang tâm đẩy con ra khỏi căn nhà được mua bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt…
Hợp đồng và giấy tờ mua nhà của bà Sáu.

Trên thực tế, bà Sáu cho biết không phải căn nhà đã được mua lại bằng giấy tay bởi thực tế thì trong Biên bản kê khai năm 1977, 1999 và tại Biên bản giải quyết tranh chấp diện tích sử dụng nhà giữa bà Tư và bà Lê Thị Sáu tại UBND Phường Cầu Ông Lãnh ngày 12/10/2006, bà Tư xác nhận căn nhà này do vợ chồng bà thuê lại của chủ phố tên Thịnh.

Theo một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, sự thiệt thòi của bà Sáu bắt nguồn từ việc  bà bỏ tiền ra mua nhà mà nguồn gốc quyền sở hữu (QSH) nhà chưa được xác định. Song bản án của TAND TP.HCM cũng cần phải được xem xét lại bởi  không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh căn nhà này thuộc quyền sở hữu của bà Tư như theo tuyên xử của TAND TP.HCM ngày 27/10/2011 vừa qua.

Hơn nữa, về nguyên tắc khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Khi khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu nhà còn phải có đăng bộ.

Trong trường hợp bà Tư khởi kiện như trên, nếu áp dụng Điều 168 của Bộ luật tố tụng dân sự, người khởi kiện không có quyền khởi kiện. Sự thiếu sót trong quá trình tham gia tố tụng còn được thể hiện qua tình tiết phiên tòa thiếu vắng sự có mặt của ông Nguyễn Phước Thịnh (chủ nhà), là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp này. Những giấy viết có lưu giữ chứng tích về việc bà Lê Thị Sáu bỏ tiền ra mua lại các căn hộ thì lại dễ dàng bị bỏ qua.

Hiện bà Sáu đã làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm để chờ đợi một phiên tòa công tâm hơn.

Trường Sa

Đọc thêm