Cuối tháng 11/2011, Báo PLVN đăng bài “Rừng đặc dụng khu bảo tồn thiên nhiên núi ông... SOS” phản ánh thực trạng phá rừng nghiêm trọng ở Khu rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận). Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ngành chức năng của tỉnh và huyện Tánh Linh vào cuộc để cứu nguy cho Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Núi Ông.
Rừng bị tàn phá tại tiểu khu 360-361 khu vực Quảng Hà (xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh |
Rừng bị tàn phá tại tiểu khu 360-361 khu vực Quảng Hà
Theo đó, ngày 1/12/2011, tại huyện Tánh Linh đã diễn ra cuộc họp giữa lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh với UBND huyện và các ngành chức năng của huyện. Trên cơ sở cuộc họp đã kết luận: Kiến nghị UBND huyện Tánh Linh tiếp tục chỉ đạo các ngành, khối nội chính xem xét mức độ thiệt hại để khởi tố vụ án hình sự, điều tra đối tượng phá rừng nhằm xử lý nghiêm minh và tiến hành kiểm tra các cơ sở cưa xẻ gỗ trên địa bàn huyện Tánh Linh, nhất là các cơ sở thu mua, cưa xẻ gỗ gần khu vực Núi Ông.
Trong Văn bản số 1513 ngày 13/12/2012 gửi UBND tỉnh, UBND huyện Tánh Linh đã báo cáo kết quả kiểm tra tình hình phá rừng, đồng thời nêu các giải pháp tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý (BQL) Khu BTTN Núi Ông và Hạt Kiểm lâm Tánh Linh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để tuần tra, phục bắt các đối tượng khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm rẫy; kiểm tra phát hiện các đối tượng vận chuyển lâm sản trên các tuyến đường; kiểm tra việc cất dấu lâm sản và hoạt động của các cơ sở chế biến mộc trong khu vực dân cư ở các xã lân cận Núi Ông. Tuy nhiên...
Rừng vẫn bị phá
Những ngày gần đây, khi theo chân “cơ sở” vào sâu trong Khu BTTN Núi Ông, chúng tôi vừa bất ngờ vừa đau xót khi phải chứng kiến việc rừng xanh vẫn đang bị tàn phá. Quan sát sơ bộ cho thấy, nếu cộng cả phần rừng bị phá trước đây với phần rừng mới bị phá trong thời gian gần đây có khi lên đến cả trăm hécta rừng bị “kết tử”.
Đứng ở một vùng rừng bị tàn phá, tôi hỏi người cùng đi: “Đây là vùng rừng có chủ hay không có chủ?”. Câu trả lời: Đây thuộc lâm phận quản lý của Khu BTTN Núi Ông!
Tìm hiểu nhiều người dân, chúng tôi được biết: Không chỉ một số người dân địa phương phá rừng mà đơn vị thi công QL 55, Công ty 123, thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông (CIENCO 5) cũng... phá rừng (?). Chuyện là, đơn vị này đã san ủi mặt bằng nền đường sai thiết kế tại Tiểu khu 353, 360 và 361 (thuộc địa bàn xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh) ăn sâu vào lâm phận Khu BTTN Núi Ông và bị xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng. Sai phạm rõ như vậy nhưng khi anh Nguyễn Tâm Tấn - nhân viên BQL Khu BTTN Núi Ông lập biên bản vi phạm và báo cho Giám đốc Trần Minh Tuấn thì ông lại không chấp nhận...?
Nguồn tài nguyên gỗ rừng ngày càng khan hiếm, trong lúc nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, giá lâm sản tăng cao và trước tình hình các mặt hàng nông sản cao su, mỳ đang có sức hấp dẫn trên thị trường, vì vậy giá đất trồng cao su, trồng mỳ tăng “đột biến”, từ đó tác động đến lòng tham của những người thích biến của rừng thành của nhà mình nên bất chấp pháp luật và hậu quả thiệt hại đối với xã hội, họ vẫn cứ thản nhiên... phá rừng!
Trong vai người đi mua rẫy, thị sát một vòng tại tiểu khu 360, 361 (khu vực Quảng Hà, thuộc địa bàn xã Đức Thuận), nhìn bên ngoài các tiểu khu này vẫn thấy màu xanh, vẫn có vẻ tĩnh lặng của rừng, nhưng đó chỉ là cái vỏ bọc...
Cán bộ quản lý rừng vẫn... đạt thành tích
Vấn đề đáng quan tâm là tại Văn bản số 1513, ngày 13/12/2011 của UBND huyện Tánh Linh và Văn bản 2797, ngày 29/12/2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều chỉ đạo BQL Khu BTTN Núi Ông nghiêm túc kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra phá rừng trong thời gian qua, đồng thời cũng cố lại bộ máy, tổ chức của đơn vị; phân công, bố trí nhân sự hợp lý đối với các Trạm bảo vệ rừng tại những khu vực trọng yếu.
Chỉ đạo là vậy, nhưng thực tế lại khác. Việc xử lý kỷ luật và thay đổi nhân sự chỉ được thực hiện duy nhất đối với ông Dương Xuân Hải (Trạm Trưởng Đức Bình) khi ông này bị khiển trách và điều chuyển sang làm Trạm Trưởng thuộc địa bàn xã Đức Thuận.
Còn ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc BQL Khu BTTN Núi Ông là người đứng đầu cơ quan nhưng chẳng những không chịu hình thức kỷ luật nào mà còn đạt các thành tích cao của năm 2011: Về mặt Đảng, là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; về chính quyền, đạt thành tích Lao động tiên tiến loại A (bậc thành tích cao nhất trong cơ quan này) và được thưởng 8 triệu đồng. Đó là một sự thật nghịch lý, trái với tinh thần Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 157/2007/NĐ-CP, ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Nếu so sánh vụ phá rừng hiện nay với vụ phá rừng Nha Hai Núi Lùn (thuộc Khu BTTN Núi Ông) năm 2003 thì hậu quả thiệt hại ở Nha Hai Núi Lùn nhỏ hơn nhiều, nhưng ông Trương Dung Hòa vẫn bị hình thức kỷ luật cách chức Trưởng Ban và ông Trần Minh Tuấn (nay là Giám đốc Khu BTTN Núi Ông) cũng bị xử lý kỷ luật lúc đó. Thế nhưng chẳng hiểu dựa vào đâu mà đến nay Giám đốc Trần Minh Tuấn lại rất an toàn, bình chân... như vại.
Nạn phá rừng có kịch bản?
Một điều nữa mà dư luận yêu cầu làm rõ là trong Văn bản 1513, ngày 13/12/2012, UBND huyện Tánh Linh đề nghị các cơ quan tố tụng khẩn trương phối hợp với đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm để điều tra, xác minh, xử lý các vụ chống người thi hành công vụ và xử lý dứt điểm các vụ tồn đọng.
Nhưng cho đến nay chỉ mới khởi tố một vụ phá 17ha rừng tại Tiểu khu 346, còn vụ khai thác trái phép 32 cây gỗ từ nhóm 3-8, sản lượng thiệt hại 105,161m3 gỗ tại tiểu khu 344 (thuộc xã Đức Bình), Hạt Kiểm lâm Tánh Linh đã hoàn tất hồ sơ chuyển sang các Cơ quan tố tụng của huyện Tánh Linh, nhưng quan điểm của các cơ quan này cho rằng không đủ căn cứ để xác định do một hay nhiều đối tượng thực hiện và việc khai thác xảy ra trong nhiều thời điểm, khối lượng của từng cây gỗ không vượt quá khung xử phạt vi phạm hành chính nên không khởi tố vụ án hình sự.
Lập luận như vậy là không thuyết phục và ngược với quy trình hoạt động tố tụng hình sự, bởi chưa khởi tố vụ án, chưa tiến hành điều tra thì làm sao biết ngay được những điều đó? Như vậy có thể đặt câu hỏi phải chăng sự phá rừng ở đây là có... kịch bản?
Cũng tại Văn bản số 1513 của UBND huyện Tánh Linh đã cho rằng: “Lực lượng bảo vệ rừng của BQL Khu BTTN Núi Ông thực hiện quản lý tại gốc chưa kiên quyết, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay cho đối tượng phá rừng...”. Nếu vậy thì tình trạng phá rừng tại Khu BTTN Núi Ông biết đến bao giờ mới được chấm dứt? Dư luận đang mong đợi sự trả lời từ các cơ quan, ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận và huyện Tánh Linh.
Hà Thu