“May áo” pháp lý cho lao động khu vực phi chính thức

Khoảng 30 triệu lao động (LĐ) ở khu vực phi chính thức, nhất là LĐ nông thôn đang gặp nhiều khó khăn trong đào tạo nghề và tiếp cận việc làm nên Dự thảo Luật Việc làm phải quan tâm nhiều đến tạo việc làm cho lực lượng LĐ này.

Khoảng 30 triệu lao động (LĐ) ở khu vực phi chính thức, nhất là LĐ nông thôn đang gặp nhiều khó khăn trong đào tạo nghề và tiếp cận việc làm nên Dự thảo Luật Việc làm phải quan tâm nhiều đến tạo việc làm cho lực lượng LĐ này.

Ảnh minh họa

Phát huy tổ chức dịch vụ việc làm công

Trong các chính sách của Nhà nước về việc làm đối với lao động khu vực phi chính thức thì quan trọng nhất là vấn đề dịch vụ việc làm (DVVL) công. Hiện cả nước có 130 trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm đang được xem là DVVL công. Bên cạnh đó còn có khoảng 80 DN được cấp phép hoạt động DVVL, chủ yếu tại TP.HCM và thực tế có khoảng 4.000 DN có chức năng hoạt động DVVL.

Các trung tâm hiện được địa phương bố trí trên dưới 10 biên chế, với số tiền đầu tư khoảng 400-500 triệu đồng/biên chế/năm. Chậm phát triển hệ thống DVVL sẽ khiến kết nối giữa cung cầu lao động bị chậm lại. Do vậy, Dự thảo Luật Việc làm qui định thành lập tổ chức DVVL công từ TƯ đến địa phương trên cơ sở chuyển đổi từ 63 trung tâm này.

Thực tế hiện nay, mỗi địa phương chỉ có 1 trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm sẽ hạn chế khả năng được tiếp cận việc làm của NLĐ vì có nhiều địa bàn cách trung tâm tỉnh lỵ vài trăm km. Như TP.HCM phải thành lập thêm các chi nhánh ở các huyện để đáp ứng nhu cầu đăng ký và nhận trợ cấp thất nghiệp của người lao động (NLĐ). Nên nhiều thành viên trong Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp cho rằng, chỉ nên thành lập các trung tâm DVVL công ở cấp huyện là hợp lý

Trong khi đó, theo quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH, cần phải thành lập tổ chức DVVL công ngành dọc TƯ đến địa phương vì phù hợp tình hình phát triển thị trường lao động hiện tại, thực hiện các chính sách về việc làm, thị trường lao động và phát triển chức năng nghề, hạn chế thất nghiệp. Được hình thành trên cơ sở các trung tâm giới thiệu việc làm, chỉ thay đổi cơ chế hoạt động và điều hành nên không ảnh hưởng đến bộ máy.

Trợ cấp xong vẫn thấp nghiệp thì vô giá trị

Đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chính sách bảo hiểm việc làm (BHVL) phát triển trên cơ sở bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), được mở rộng hơn để duy trì thị trường LĐ, thúc đẩy và bảo đảm việc làm bền vững cho NLĐ. Được thực hiện từ năm 2009, chính thức chi trả từ 1/1/2010, chế độ BHTN mới chỉ chi chính sách cho NLĐ thất nghiệp, còn đào tạo nghề chỉ chiếm một phần đầu tư rất nhỏ, khoảng 80 triệu đồng (2011) so với 600 tỷ đồng (năm 2012) để chi chính sách cho NLĐ thất nghiệp.

Đã xuất hiện tình trạng Quỹ BHTN bị người sử dụng LĐ và người NLĐ lợi dụng, nhất là ở các tỉnh phía Nam, nơi có cung cầu LĐ căng thẳng. Rút kinh nghiệm từ BHTN, các chuyên gia nhận thấy, chính sách BHVL phải đặt trọng tâm vào chức năng đào tạo và giới thiệu việc làm cho NLĐ. “Nếu trả trợ cấp xong mà NLĐ vẫn thất nghiệp thì BHVL không có giá trị” – ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn LĐ Việt Nam nhận xét.

Dự kiến dự án Luật Việc làm sẽ được Chính phủ cho ý kiến trong phiên họp chuyên đề (ngày 20-21/7) trước khi trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Huy Anh

Đọc thêm