“Mê hồn trận tố tụng” vụ án kinh tế tại Bình Dương kéo dài đến bao giờ?

Ngày 31/7/2006, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam bà Trần Thị Lạc (Giám đốc Công ty Ninh Sơn và Công ty Tân Thành) ông  Hà Văn Thành (Kế toán trưởng 2 công ty này) về tội “Lưu hành giấy tờ giả”, đến ngày 28/12/2007 đổi tội danh thành “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cho đến nay, vụ án đã kéo dài 5 năm, các cơ quan tố tụng tại Bình Dương nhiều lần đưa vụ án ra xét xử, trả lại hồ sơ, năm lần, bảy lượt điều tra đi, điều tra lại, khi đưa ra xét xử thì hoãn lên hoãn xuống. 

Ngày 31/7/2006, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam bà Trần Thị Lạc (Giám đốc Công ty Ninh Sơn và Công ty Tân Thành) ông  Hà Văn Thành (Kế toán trưởng 2 công ty này) về tội “Lưu hành giấy tờ giả”, đến ngày 28/12/2007 đổi tội danh thành “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cho đến nay, vụ án đã kéo dài 5 năm, các cơ quan tố tụng tại Bình Dương nhiều lần đưa vụ án ra xét xử, trả lại hồ sơ, năm lần, bảy lượt điều tra đi, điều tra lại, khi đưa ra xét xử thì hoãn lên hoãn xuống.  
hình minh họa
hình minh họa
Vụ án “đắp chiếu”, cơ sở sản xuất cũng “đắp chiếu”
Mặc dù thông qua các phiên tòa, HĐXX đều không đưa ra được chứng cứ xác thực, cơ quan thuế được coi là bên “bị hại” khẳng định họ không bị Công ty Ninh Sơn, Công ty Tân Thành chiếm đoạt số tiền 1.837.047.000 đồng tiền hoàn thuế GTGT. Mặc dù vậy, các cơ quan tố tụng tại tỉnh Bình Dương vẫn chưa đình chỉ điều tra, xét xử vụ án, trả tự do cho các bị can, khiến cho 2 công ty đình đốn, ngưng hoạt động, hàng ngàn công nhân lao động mất việc làm, cơ sở sản xuất phải “đắp chiếu”, tốn tiền thuê người trông coi. 
Vụ án vẫn tiếp tục được duy trì, mỗi lần xử, rồi hoãn, hàng chục nhân chứng từ các tỉnh phía Bắc vượt hành trình hàng ngàn cây số, hao tài, tốn sức hội tụ đến tòa, vật vã, ăn chực, nằm chờ, cuối cùng để được nghe tòa tuyên... hoãn bằng những lý do lãng xẹt (Báo PLVN số 362 ngày 28/12/2011 đã có bài “Vật vã chờ ngày khai đình” nói về vấn đề này)
Quá bức xúc, các bị can của vụ án (đang tại ngoại) tiếp tục phản ánh đến Báo PLVN những nội dung như sau:
Việc xuất khẩu nhân điều thành phẩm và thu mua nguyên liệu hạt điều thô của Công ty Ninh Sơn là hoàn toàn có thật, và đã được VKSND tỉnh Bình Dương khẳng định như vậy tại phiên tòa tháng 5/2011, thể hiện tại hồ sơ xuất khẩu của Cục Hải quan Bình Dương và bộ hồ sơ cho vay vốn tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Theo Luật Thuế GTGT, ngày 9/4/2005 Công ty Ninh Sơn lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT với số tiền là: 8.012.156.797 đồng. Căn cứ biên bản làm việc giữa Đoàn kiểm tra doanh nghiệp đã xác nhận Công ty Ninh Sơn mở số sách kế toán, hóa đơn đầu vào, đầu hồ sơ xuất khẩu, Tờ khai Hải quan, Hợp đồng kinh tế xuất khẩu, mở LC, Chứng từ thanh toán Ngân hàng đầy đủ, hợp lệ và hợp pháp, tuân thủ đúng các quy định khác.
Sau khi hoàn thuế, Cục thuế Bình Dương lập phiếu xác minh Công ty Ninh Sơn gửi đến các cục thuế liên quan, mấy tháng sau mới biết được các Công ty Trung Đạo, Phượng Bích, Vũ Đông và Hiền Phước có dấu hiệu mua bán hóa đơn GTGT nhưng đã bỏ trốn, lúc này Cục Thuế Bình Dương mới có công văn đề nghị cơ quan điều tra phối hợp xác minh làm rõ hóa đơn đầu vào của Công ty Ninh Sơn trong kỳ hoàn thuế. Ngày 31/7/2006, Công ty Ninh Sơn nộp báo cáo tài chính năm 2005 cho cơ quan thuế thì ngày 4/4/2006, UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên nghành tiến hành thanh tra thuế đối với Công ty Ninh Sơn.
Nhưng ngày 31/7/2006, đoàn thanh tra vẫn chưa có báo cáo kết quả thanh tra, vậy mà Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương vẫn ra quyết định khởi tố vụ án và VKSND Bình Dương ra quyết định bắt giam bà Trần Thị Lạc (Giám đốc) và ông Hà Văn Thành (Kế toán trưởng) về hanh vi “Mua hóa đơn GTGT, lập chứng từ giả đưa vào hoàn thuế để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước” và tội “Lưu hành giấy tờ có giá trị giả”!?
Vòng luẩn quẩn tố tụng
Qua 17 tháng bà Lạc, ông Thành bị giam giữ nhưng Công an Bình Dương vẫn không tìm ra thủ phạm đích thực mua bán hóa đơn GTGT với ai, số lượng bao nhiêu, vì thế đã thay đổi quyết định khởi tố hình sự tội “Lưu hành giấy tờ có giá trị giả” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang còn một tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 3 bị can Trần Thị Lạc, Hoàng Trọng Thành (chồng bà Lạc) và Hà Văn Thành. Sau đó hồ sơ được chuyển sang VKSND Bình Dương ra Cáo trạng và đến ngày 16/01/2009, TAND tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử và tuyên 3 bị cáo Trần Thị Lạc, Hoàng Trọng Thành và Hà Văn Thành cùng chịu mức án 12 năm tù giam. Sau phiên tòa, cả 3 người cùng kêu oan, kháng cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 09/7/2009 , HĐXX TAND TC tại TP.Hồ Chí Minh đã tuyên “Hủy một phần bản án sơ thẩm và trả hồ sơ cho TAND Bình Dương điều tra xét xử lại” với lý do: Thứ nhất, “nhân chứng đại diện Cục thuế Bình Dương khẳng định chưa có kết luận thanh tra thuế năm 2005”; thứ hai, “Bản án sơ thẩm không thể hiện được ai là người mua hóa đơn, mua với giá bao nhiêu và hưởng lợi bao nhiêu từ việc mua bán hóa đơn, và việc này chỉ có nhân vật tên là Hiền là biết rõ nhưng cơ quan điều tra không bắt giam, khi nhân vật Hiền bỏ trốn thì cơ quan điều tra cũng không phát lệnh truy nã mà để Hiền nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”; thứ ba, “các bị cáo chứng minh được hàng hóa của 4 công ty trên bán cho Công ty Ninh Sơn và Công ty Tân Thành (cùng của gia đình bà Lạc) là có thật, ngược lại bản án sơ thẩm của TAND Bình Dương thì không chứng minh được”.
Sau một thời gian điều tra lại, cơ quan điều tra không bổ sung được đúng và đủ những vấn đề Tòa phúc thẩm yêu cầu nên vẫn gửi bản kết luận điều tra gần như cũ qua VKSND tỉnh và ngày 9/7/2010, VKS lại ra Cáo trạng số 38 rồi chuyển hồ sơ cho TAND Bình Dương. Tiếp đến, ngày 1/6/2011 TAND Bình Dương đưa vụ án ra xét xử, bất ngờ vị đại diện VKS đề nghị cho hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung vì “nhân chứng đại diện Cục thuế Bình Dương khẳng định cơ quan này chưa bị thiệt hại do chưa có báo cáo kết luận thanh tra của cơ quan có thẩm quyền”.
Sau 1 năm điều tra lại, Cơ quan điều tra và VKSND Bình Dương có văn bản trả lời cơ quan tố tụng rằng: “Nội dung không có gì thay đổi, giữ nguyên bản cáo trạng cũ” rồi chuyển hồ sơ sang TAND Bình Dương. Theo lịch thông báo thì ngày 27/12/2011 TAND Bình Dương đưa vụ án ra xét xử. Thế nhưng, trước đó 01 ngày, Tòa lại thông báo hoãn vì lý do đại diện VKS đi... công tác!? Và đến ngày 27/3/2012, Tòa lại thông báo hoãn vì Thẩm phán đi... công tác!?
Và mới đây, ngày 10/5, TAND Bình Dương lại thông báo sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 30/5/2012. Không hiểu lần này TAND Bình Dương có hoãn nữa không? Giá như các cơ quan tố tụng tại Bình Dương đặt mình vào số phận của những người “vô phước đáo tụng đình” thì sẽ thấy được nỗi khổ của họ khi mà không có chứng cứ phạm tội mà bản án cứ treo lơ lửng trên đầu. Tài sản khánh kiệt, tinh thần hoang mang, trong khi họ lại là những đại diện pháp nhân của các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đem nguồn lợi về cho đất nước, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động!
 Thiện Ngôn

Đọc thêm