“Méo mặt” vì bảo hiểm

(PLO) - Mua bảo hiểm là để mua sự yên tâm, nhưng không ít khách hàng khi có sự cố xảy ra thì bị công ty bảo hiểm nại ra đủ điều khiến việc thanh toán không phải lúc nào cũng được thực hiện dễ dàng, thậm chí là mất trắng…
Phản ứng của anh Nghĩa với Cty Bảo hiểm L và Phản ứng của anh Minh với Bảo Minh Chợ Lớn

“Hành” cho ra bã

Anh Nghĩa, ngụ Bình Định, một khách hàng mua bảo hiểm ô tô của Cty L (trụ sở tại TP HCM) cho chiếc ô tô của mình có Hợp đồng bảo hiểm số S-MPB-00087953-01-16.

Ngày 02/08/2016, xe anh đang đậu sát lề bên phải thì bị xe khác tông bị nứt, bể cản và đèn. Anh thông báo đến Cty Bảo hiểm và được Phòng Bồi thường của Cty này đề nghị: “Cung cấp một bộ hồ sơ có dấu mộc của cơ quan Công an thụ lý vụ tai nạn bao gồm: (1) Sơ đồ hiện trường. (2) Biên bản giám định hiện trường. (3) Biên bản khám nghiệm phương tiện và các thiệt hại của các bên trong vụ tai nạn. (4) Biên bản giải quyết tai nạn. (5) Kết luận điều tra vụ tai nạn; Cung cấp hình ảnh hiện trường tai nạn: tổng quan khu vực xảy ra tai nạn, chi tiết vị trí xảy ra tai nạn, vị trí bị va chạm”.

Anh Nghĩa cho rằng, khi xảy ra tai nạn chủ xe không có mặt; chủ xe không trực tiếp gây ra tổn thất và chứng kiến sự việc. Chỉ sau khi tai nạn xảy ra chủ xe mới biết và báo ngay cho Cty Bảo hiểm theo đường dây nóng và được công ty hướng dẫn chụp lại hiện trường và cũng không có hướng dẫn nào khác như chủ xe phải báo cơ quan công an điều tra, nên những yêu cầu về mục: 1, 2, 3, 4, 5 là không thực hiện được.

Anh Nghĩa viết tường trình và được cảnh sát giao thông xác nhận ngày đó, giờ đó xe của anh bị va chạm, bị hỏng. Anh Nghĩa gửi tờ tường trình trên đến Cty bảo hiểm L thì nhân viên nơi đây yêu cầu tường trình phải có xác nhận và được đóng quốc huy chứ không chấp nhận đóng dấu vuông. Phía công an xử lý việc này là cấp đội chứ không phải Sở nên không có dấu quốc huy nên anh Nghĩa phải đến công an phường sở tại xin xác nhận để có dấu quốc huy như yêu cầu của Cty Bảo hiểm L. Vậy nhưng, đaị diện Cty Bảo hiểm lại thông báo “Với Biên bản Công an phường thì chưa có cơ sở để giải quyết”.

“Ngay từ khi xảy ra vụ việc tôi đã báo cho Cty L là đơn vị chuyên nhiệp trong bảo hiểm và có nhiều tình huống xảy ra phía Cty L đã giải quyết thì ngay tại thời điểm đó phải hướng dẫn tôi trình báo công an để lập hiện trường và xử lý theo qui định. Đằng này, sau khi xảy ra tai nạn 04 ngày, Cty lại yêu cầu tôi phải cung cấp những giấy tờ như trên,  có phải là đánh đố khách hàng?”, anh Nghĩa bức xúc.

Tiền mất, tật mang

Đầu năm 2015, anh Minh (ngụ tại TP HCM) mua tour du lịch Hoa Kỳ của Cty Vietravel. Thông qua Vietravel, anh Minh mua bảo hiểm du lịch quốc tế của Bảo Minh Chợ Lớn, Giấy chứng nhận bảo hiểm  số AD0003/15IH08121. Vietravel thu của anh hơn 45 USD mà không tư vấn điều gì. Không may, khi đang ở Mỹ anh Minh bị sốc thời tiết phải vào bệnh viện cấp cứu làm các xét nghiệm máu, chụp CT… hết hơn 10.000 USD.

Khi về Việt Nam, anh đưa phiếu yêu cầu thanh toán nhưng Bảo Minh không đồng ý. Nhùng nhằng hơn 1 năm, anh Minh khiếu nại thì Bảo Minh yêu cầu anh gửi bệnh án của bệnh viện tại Hoa Kỳ để xem xét. Sau khi nghiên cứu, Bảo Minh thông báo: “Qua xem xét hồ sơ bệnh án và quá trình điều trị tại Mỹ ngày 14/02/2015 của quý ông có các thông số sau: Hypoglycemia (bị hạ đường huyết), electrolyte abnormality (rối loạn cân bằng nước điện giải), cardiac arrhythmia (chứng rối loạn nhịp tim).

Căn cứ theo quy tắc bảo hiểm du lịch quốc tế quy định, chương 4, Điều 4.2 không thuộc phạm vi bảo hiểm gồm: Bệnh mãn tính cho dù phát hiện  trước hay trong thời gian bảo hiểm, bệnh trĩ, chứng thoát vị, amidan, sỏi các loại, cao huyết áp hoặc bệnh tim mạch, u các loại, ung thư, rối loạn máu, bệnh đái tháo đường. Nay công ty chúng tôi xin thông báo để quý khách hàng được biết, bệnh cao huyết áp của quý khách không thuộc phạm vi bảo hiểm”.

Anh Minh cho biết: “Sau khi về Việt Nam, tôi đi khám và biết mình bị rối loạn hoảng sợ do trầm cảm, điều này khiến tôi bị tăng huyết áp đột xuất do bị sốc chứ tôi  không phải bị bệnh huyết áp như Bảo Minh đưa ra. Hơn nữa, nếu ngay từ đầu Bảo Minh hoặc Vietravel tư vấn rằng bị tăng huyết áp không đền bù bảo hiểm thì tôi nhất định không mua bảo hiểm của Bảo Minh. Ở đây Bảo Minh và Vietravel chỉ biết lấy tiền khách hàng mà không quan tâm đến quyền lợi của họ”.

Ngoài việc không nhận được tư vấn gì khi mua bảo hiểm, anh Minh cũng không được nhận giấy chứng nhận bảo hiểm của mình. “Vietravel nói sẽ đưa cho tôi tại sân bay thông qua hướng dẫn viên. Nhưng khi đến sân bay, tôi hỏi hướng dẫn viên thì cũng không có. Khi sự cố cấp cứu xảy ra, tôi vào bệnh viện cấp cứu mà không có Chứng nhận bảo hiểm du lịch quốc tế. Điều này cho thấy Bảo Minh Chợ Lớn và Viettravel làm việc vô trách nhiệm, để mặc sự nguy hiểm uy hiếp tính mạng khách hàng” – anh Minh bức xúc.

Vụ của anh Minh coi như “đứt đuôi con nòng nọc”, còn việc của anh Nghĩa thì sau khi phản ánh đến PLVN, Cty Bảo hiểm L thông báo sẽ bồi thường mà không giải thích gì thêm.

Tại sao anh Minh không được nhận giấy chứng nhận bảo hiểm của mình? Tại sao anh Nghĩa bị “hành” lên bờ xuống ruộng? Ai được lợi ở những công đoạn này, người tiêu dùng cần được biết rõ hơn. 

PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này

Đọc thêm