Miền Bắc vẫn cần tiết kiệm điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin về việc đã bảo đảm điện kể từ tuần cuối cùng của tháng 6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn lưu ý “miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan dẫn đến phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện”, do đó, việc tiết kiệm điện vẫn được đặt lên hàng đầu.
Cần có nguồn tài chính để thu hút được nhiều DN đầu tư vào TKNL. (Ảnh minh họa)
Cần có nguồn tài chính để thu hút được nhiều DN đầu tư vào TKNL. (Ảnh minh họa)

Nhiều địa phương quan tâm tiết kiệm điện

Sau thời gian thiếu điện khiến cho việc sản xuất - kinh doanh cũng như sinh hoạt bị nhiều biến động, dường như câu chuyện tiết kiệm điện (TKĐ) đã “thấm” đến từng người dân, doanh nghiệp (DN). Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết, hiện 100% các cơ quan, đơn vị của tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng TKĐ hàng năm. Một số huyện có sản lượng điện tăng do có một số cơ quan, đơn vị mới được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động.

Đặc biệt, việc triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả nhất định. Năm 2022, tỉnh đã tiết kiệm hơn 174 triệu kWh, đạt tỷ lệ 2,07%. Trong 3 tháng đầu năm nay, sản lượng điện tiết kiệm là hơn 36,8 triệu kWh, đạt tỷ lệ 2,06%.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh Lê Hồng Giang khẳng định, đến nay nhận thức của cộng đồng người dân, tổ chức DN về TKĐ đã được nâng lên. Hiện đa phần các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã thực hiện việc kiểm toán năng lượng, chỉ định người quản lý năng lượng… Năm 2022, Quảng Ninh tiết kiệm được hơn 114 triệu kWh, giảm 2,1% so với năm 2021, riêng 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện tiết kiệm đạt hơn 45 triệu kWh, đạt 2,2%.

Trong khi đó, Hải Phòng đã có kế hoạch dành hơn 378 tỷ đồng (nguồn ngân sách thành phố hơn 47 tỷ đồng, nguồn vốn hợp pháp khác hơn 331 tỷ đồng) để thực hiện chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ, trong đó đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng (TKNL) giai đoạn 2020 - 2025 cho các ngành.

Kinh phí vẫn là rào cản

Bên cạnh kết quả đạt được, các địa phương cho biết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các mục tiêu TKNL. Cụ thể, ở Bắc Giang, vẫn còn một số đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm chưa thực hiện lập kế hoạch năm về SDNLTK&HQ, kiểm toán năng lượng, người quản lý năng lượng chưa có chứng chỉ theo quy định. Một số đơn vị sử dụng dây chuyền công nghệ cũ chưa đồng bộ, chưa TKNL do đầu tư đã lâu, việc thay thế dây chuyền công nghệ mới gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư, thay thế tương đối lớn và hiện cũng chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện.

Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh công tác thu hút các nhà đầu tư, tuy nhiên một số dự án thuộc các lĩnh vực, ngành nghề có nhu cầu sử dụng điện lớn hơn rất nhiều so với chỉ tiêu cấp điện được quy định (chế tạo tấm pin quang năng, sản xuất hạt nhựa), do đó việc đưa ra tiêu chí lựa chọn, thu hút đầu tư là rất khó khăn. Bên cạnh đó, một số DN còn chưa thực sự quan tâm đến công tác SDNLTK&HQ, chưa báo cáo đầy đủ tình hình tiêu thụ năng lượng tại DN.

Ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, một số cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có mức tiêu thụ điện từ 100.000kWh trở lên chưa chấp hành nghiêm việc báo cáo tình hình sử dụng và xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng. Ngoài ra, chất lượng kiểm toán năng lượng chưa cao do chi phí định mức đơn giá chưa có; việc thực hiện kiểm toán năng lượng của một số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm còn mang tính đối phó. Đặc biệt, kinh phí là một trong những lý do khiến DN chưa thực hiện thay thế các phương tiện, thiết bị, công nghệ mới nhất là đối với ngành công nghiệp đã có quy định về định mức tiêu hao năng lượng…

Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), việc SDNLTK&HQ cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường sự cạnh tranh và tạo ra nhiều cơ hội kinh tế. Tuy vậy, để DN, tổ chức, cá nhân xác định TKĐ là “ích nước, lợi nhà”, các tỉnh cần tăng cường kiểm tra và đánh giá định kỳ việc tuân thủ quy định về TKNL của DN.

Bộ Công Thương đang phối hợp cùng World Bank triển khai các chương trình cho vay đầu tư TKNL. Với việc hỗ trợ bằng khoản vay ưu đãi, các DN có nhiều cơ hội để nâng cao năng lực tài chính, sẵn sàng cho việc chuyển đổi các công nghệ TKNL hiện đại. Điều này vừa giúp tiết giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh, vừa đóng góp đáng kể cho các mục tiêu giảm phát thải chung của cả nền kinh tế. Bộ lưu ý các tỉnh có thể cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn cho DN, cá nhân về chương trình cho vay ưu đãi này để việc TKĐ được hiệu quả.

Đọc thêm