Luật sư Phạm Minh Hoàng - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh tư vấn: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hiện nay Luật Hải quan 2014 không quy định bất kỳ trường hợp nào được miễn thủ tục khai báo hải quan, nhưng vẫn sẽ có một vài trường hợp được miễn kiểm tra hàng hoá tại hải quan.
Cụ thể, đối với quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này và Mục 8 Công văn 19046/BTC-TCHQ năm 2014, theo đó các trường hợp miễn kiểm tra thực tế hàng hóa: Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp; hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; hàng hóa thuộc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trừ trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật (khoản 1, khoản 2 Điều 33 Luật Hải quan 2014). Các trường hợp khác: việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
Ngoài ra, căn cứ tại khoản 1 Điều 43 Luật Hải quan 2014 quy định, doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên được quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật này sẽ được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.
Riêng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ về việc khai hải quan và kiểm tra hải quan được quy định tại Điều 57 Luật Hải quan 2014. Và cụ thể tại khoản 2 của Điều này, Túi ngoại giao, túi lãnh sự được miễn khai, miễn kiểm tra hải quan, hành lý, phương tiện vận tải của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam được miễn kiểm tra hải quan.
Vì vậy, nếu có căn cứ xác định hàng hóa trưng bày triển lãm gửi từ công ty Nhật về Việt Nam thuộc trường hợp tại Điều 33, Điều 43 hoặc Điều 57 Luật Hải quan 2014 thì có thể được miễn thủ tục kiểm tra hải quan.