Mô hình nào cho chuyển đổi xanh của doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phần đông doanh nghiệp chưa nhìn thấy lộ trình chuyển đổi xanh (CĐX) cụ thể như thế nào, trong khi đó CĐX có thể bắt đầu từ những công đoạn nhỏ nhất trong quá trình sản xuất của mỗi doanh nghiệp.
Vốn là chất thải, mùn cưa giờ có thể tạo thành một sản phẩm đắt giá. (Ảnh minh họa)
Vốn là chất thải, mùn cưa giờ có thể tạo thành một sản phẩm đắt giá. (Ảnh minh họa)

Cần sớm chuyển đổi xanh

Bà Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, thực trạng CĐX của doanh nghiệp (DN) Việt được chia làm 3 mức độ khác nhau. Trong đó, số lượng DN đã tạo ra được bước CĐX thành công rất, rất ít. Thực tế mới chỉ có Tập đoàn Lộc Trời thành công trong việc sản xuất được gạo phát thải thấp; Số lượng DN có động thái chi tiền để lập kế hoạch CĐX cao hơn; Còn lại phần đông DN đang thấy rất nhiều thách thức trong CĐX và chưa biết bắt đầu từ đâu.

Ông Vũ Chí Công - Giám đốc ESG (Tập đoàn Vina Capital) khẳng định, các yêu cầu từ các thị trường lớn như Liên minh Châu Âu (EU), châu Mỹ đều đã gia tăng về sự xanh hóa. Cam kết Net Zero thực sự đã tạo ra nhiều biến chuyển khi nhiều quốc gia đã và đang phải áp dụng nhiều biện pháp mới, chính sách mới để hành động. Hiện nay, khi Vina Capital thực hiện cấp vốn cho các DN trong nước cũng sẽ yêu cầu về ESG (bao gồm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị DN).

“Có 6 ngành hàng EU yêu cầu về giảm phát thải các-bon trong năm 2026 nếu không sẽ bị đánh thuế rất cao. DN không thực hiện chuyển đổi sản xuất để xanh hơn thì không thể đưa hàng vào EU, do đó cần hành động ngay lập tức” - ông Công khẳng định.

Theo lộ trình đã được công bố, Việt Nam sẽ hiện thực hóa Net Zero bằng cách đưa định mức phát thải cho từng ngành. Trong đó, lĩnh vực dệt may phải hành động sớm nhất khi EU đã chính thức yêu cầu hàng dệt may nhập khẩu vào EU cần có tỉ lệ nhất định nguyên liệu có thể tái chế được. Tương tự như vậy với ngành nhựa và bao bì.

“Xu hướng xanh hóa là bắt buộc nên DN cần bắt tay vào thực hiện ngay. Hầu hết DN sẽ gặp khó khăn với chi phí ban đầu để đầu tư vào CĐX. Trước mắt, DN có thể bắt đầu từ việc công bố lộ trình CĐX của mình. Việc này có thể sẽ giúp cho DN dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn vì hầu hết các ngân hàng sẽ lọc để cho vay những DN có ý thức CĐX trước. Tôi biết nhiều DN Việt ngại công bố thông tin vì DN Việt chưa thể làm tốt như DN thuộc các nước phát triển nhưng nếu có lộ trình CĐX được công bố thì tình hình sẽ trở nên dễ dàng hơn” - ông Công chia sẻ.

Trước mắt, theo ông Công, DN nào cũng sẽ cần chuyên gia hướng dẫn. Tuy nhiên, vì không đánh giá được xu thế CĐX lại đến nhanh đến thế nên hiện giờ Việt Nam không có nhiều chuyên gia có thể tư vấn lộ trình CĐX. Do đó, cần phải có hành động để có được nguồn nhân lực cho CĐX ngay từ bây giờ. DN lớn nên hợp tác với trường đại học để đặt hàng những chương trình đào tạo về CĐX, để có thể có nguồn nhân lực này trong vài năm tới.

Bắt đầu từ những công đoạn nhỏ

Bà Phạm Ngọc Thủy khẳng định, CĐX sẽ diễn ra trong 1 DN cụ thể, bắt đầu từ điều chỉnh về mặt công nghệ, nguyên liệu đầu vào, quá trình vận hành, quá trình thu mua, thu gom và 1 bài toán được tách riêng ra là câu chuyện sử dụng năng lượng. Hoặc, trong quá trình thực hiện CĐX, DN có thể tạo ra một mô hình kinh doanh mới. Dẫn chứng dễ nhìn thấy nhất là gạo phát thải thấp của Lộc Trời. Trong quá trình chuyển đổi, Lộc Trời mong muốn tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu mới nhưng đã có nhiều chuyên gia cho rằng, Lộc Trời có thể “đóng gói” quy trình tạo ra gạo phát thải thấp để tư vấn cho các DN trong cùng ngành.

Còn ông Vũ Chí Công cho rằng, nếu DN không thực hiện được thay đổi công nghệ thì có thể thay đổi quá trình sản xuất để tối ưu hóa trước mắt một số khâu như lưu kho bãi, nguyên vật liệu. “Những khâu này tưởng đơn giản nhưng sẽ mang lại hiệu quả nhất định trong CĐX” - ông Công nói. Tiếp theo, DN có thể tư vấn các chuyên gia trong ngành đánh giá hiện trạng DN của mình để có thể biết được trong 5 năm tới, DN có thể làm gì, xây dựng chiến lược và hệ thống nhân sự ra sao để thực hiện kế hoạch. Sau đó có những sáng kiến cụ thể trong từng khâu, từng công đoạn nhỏ trong sản xuất.

Ví dụ, bắt đầu từ nguồn chất thải. Hiện tất cả chất thải có thể được sử dụng để tuần hoàn trở lại dây chuyền sản xuất. Cụ thể, ông Công dẫn chứng: da cá, vỏ tôm đã được ứng dụng trong sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm. Có DN đã khẳng định có lợi nhuận đến từ việc tận dụng nguồn chất thải này; hoặc vỏ chấu, mùn cưa trong sản xuất đồ gỗ… cũng đã được tận dụng để tạo thành nguồn năng lượng mới, sản xuất thành than sinh học và hiện đang trở thành một sản phẩm khá đắt giá, không đủ nguồn cung.

“Có thể thấy rằng, những thứ vốn được coi là chất thải từ 10 năm trước nay đã trở thành tài nguyên. DN có thể phối hợp cùng chuyên gia trong lĩnh vực để nghiên cứu sử dụng chất thải như một nguyên liệu để biến thành sản phẩm tiềm năng” - ông Công gợi ý.

Đọc thêm