Mô hình nào để quản lý khối tài sản đường cao tốc 40 tỷ USD?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc quản lý và kinh doanh đường bộ cao tốc gồm quản lý thu phí, quản lý giao thông, quản lý bảo trì và quản lý tài sản đường cao tốc. Nhưng hiện vẫn chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh và bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên về quản lý, khai thác đường bộ cao tốc. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sẽ có 5.000km cao tốc vào năm 2035

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) - cho biết, theo “Dự án Quy hoạch phát triển đường cao tốc TA 4695-VIE" đã được Chính phủ phê duyệt, hệ thống đường bộ cao tốc ở nước ta được triển khai theo 3 giai đoạn: Chương trình ngắn hạn (2006-2015) gồm 17 dự án với tổng chiều dài là 1.518km, tổng mức đầu tư 12.500 triệu USD; Chương trình trung hạn (216-2025) gồm 18 dự án với tổng chiều dài 912km, tổng mức đầu tư là 7.510 triệu USD; Chương trình dài hạn (2026-2035) gồm 15 dự án với tổng chiều dài 2.294km, tổng mức đầu tư là 19.526,5 triệu USD.

Như vậy, đến năm 2030-2035 nước ta sẽ có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc với tổng mức đầu tư xấp xỉ 40 tỷ USD, bao gồm: Tuyến cao tốc dọc trục Bắc -Nam phía Đông; Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam; và Hệ thống đường vành đai Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

“Đây sẽ là khối tài sản rất lớn cần phải được quản lý và khai thác tốt mới mang lại hiệu quả đầu tư, nếu không sẽ gây tổn thất vô cùng lớn cho nền kinh tế và cho chính các nhà đầu tư” - ông Chủng nói.

Cũng theo Chủ tịch VARSI, hiện nước ta đã thực hiện công tác vận hành và quản lý hơn 1.000km đường cao tốc được xây dựng từ nguồn vốn nhà nước (vốn vay ODA, đầu tư công) và vốn của các nhà đầu tư tư nhân theo phương thức PPP. Việc quản lý và kinh doanh đường bộ cao tốc gồm quản lý thu phí, quản lý giao thông, quản lý bảo trì và quản lý tài sản đường cao tốc.

Tuy nhiên, hiện chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh và bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên về quản lý, khai thác đường bộ cao tốc. “Đây là khoảng trống lớn cần khắc phục càng sớm càng tốt” - ông Chủng nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện quan trọng và đầu tiên cho phát triển kinh tế đất nước. Nhưng theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố năm 2019, nước ta thuộc nhóm 1/3 nền kinh tế có năng lực về hạ tầng giao thông đường bộ kém nhất trên thế giới.

Theo ông Lộc, cơ sở hạ tầng giao thông yếu là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chi phí logistic chiếm tới 20% GDP, cao gần gấp đôi so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn thế giới tới 14% – 15%.

“Đó là một chi phí quá lớn làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập” - ông Lộc nhấn mạnh và cho biết việc đầu tư vào hạ tầng đường cao tốc là rất cần thiết và cần được ưu tiên. Tuy nhiên, đầu tư theo hình thức nào, quản lý ra sao cần được tính toán kỹ để đảm bảo nguồn lực vốn không bị lãng phí.

Gợi ý mô hình quản lý, kinh doanh

Theo TS. Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nước ta cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan để có thể nhanh chóng triển khai mô hình khai thác, quản lý (O&M) tại các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo chuyên gia này, việc dành một nguồn lực lớn từ NSNN để đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc cũng đặt ra yêu cầu cần có các cơ chế, chính sách, mô hình phù hợp để thu hồi nguồn vốn hoàn trả NSNN và tiếp tục tái đầu tư. Do đó, mô hình O&M là hợp lý và cần sớm được xây dựng, triển khai để hệ thống đường bộ cao tốc được quản lý, khai thác hiệu quả.

TS Mười lưu ý, trong quá trình triển khai mô hình này cần lưu ý một số nội dung nhằm vừa đảm bảo khai thác hiệu quả hạ tầng đã đầu tư, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – nhà đầu tư – người sử dụng.

Cụ thể, cần lựa chọn thời gian thực hiện hợp đồng hợp lý, vừa đảm bảo phù hợp với nguồn lực của nhà đầu tư, vừa đảm bảo thời gian khai thác ổn định và phù hợp với chu kỳ bảo trì, sửa chữa của hệ thống đường bộ cao tốc; Làm rõ các quy định trong hợp đồng về phương án chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu và chia sẻ rủi ro trong quá trình vận hành dự án giữa Nhà nước và DN dự án; Đảm bảo công khai, minh bạch trong lựa chọn DN dự án để ký kết hợp đồng PPP.

Ngoài ra, để sớm có thể nhân rộng mô hình O&M đối với hệ thống đường bộ cao tốc, cần sớm triển khai dự án mẫu trên các đoạn tuyến đã khai thác ổn định (tiêu biểu là đoạn tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương) để có thể đánh giá, rút kinh nghiệm khi triển khai đồng loạt trên các dự án khác.

Đọc thêm