Bối rối hình thức xử lý sản phẩm sau thu hồi
Khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định về các hình thức thu hồi sản phẩm. Việc áp dụng hình thức thu hồi sản phẩm dựa vào đặc điểm của các sản phẩm bị thu hồi. Vì vậy, các đặc điểm của các sản phẩm bị thu hồi cần phải được quy định một cách rõ ràng để đảm bảo xác định chính xác hình thức thu hồi. Tuy nhiên, một số quy định vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu này.
Ví dụ, hình thức “khắc phục lỗi sản phẩm, lỗi ghi nhãn” được áp dụng đối với “sản phẩm vi phạm về lỗi sản phẩm, lỗi ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố nhưng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng”. Trong khi đó, khái niệm “lỗi sản phẩm” là không rõ về cách hiểu, cần phải được làm rõ: là sản phẩm không đạt chất lượng so với công bố hay là lỗi về mặt hình thức?.
Còn hình thức “tái xuất” áp dụng đối với trường hợp “sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và chủ sản phẩm đề nghị tái xuất”. Điều kiện để áp dụng hình thức tái xuất gồm “vi phạm chất lượng sản phẩm” và “đề nghị tái xuất của chủ sản phẩm”. Vậy, trong trường hợp chủ sản phẩm không đề nghị tái xuất thì sản phẩm này sẽ được xử lý như thế nào, trong khi đây là sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng?
Mặt khác, trong bốn hình thức thu hồi thì chỉ có hình thức “tái xuất” là có điều kiện đề nghị của chủ sản phẩm, trong khi đó các hình thức còn lại không thấy đính kèm điều kiện này mà chỉ xem xét đến mức vi phạm của sản phẩm. Điều này dường như là thiếu nhất quán trong các quy định về vấn đề thu hồi. Đây cũng là nội dung cần được cân nhắc làm rõ.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 55 Luật An toàn thực phẩm (ATTP) thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn có “trách nhiệm công bố thông tin về sản phẩm bị thu hồi và chịu trách nhiệm thu hồi…”. Dự thảo mới chỉ quy định về trách nhiệm thu hồi của các chủ sản phẩm mà chưa quy định về trách nhiệm công bố thông tin về sản phẩm bị thu hồi. Tuy nhiên, việc công bố thông tin rất quan trọng, góp phần đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng, nên cần bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ sản phẩm trong việc công bố thông tin về sản phẩm bị thu hồi.
Điểm d khoản 5 Điều 55 Luật ATTP quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ trực tiếp tổ chức thu hồi, xử lý thực phẩm trong trường hợp thực phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng hoặc các trường hợp khẩn cấp khác. Dự thảo chỉ quy định về các trường hợp thu hồi do chủ sản phẩm trực tiếp thực hiện mà chưa quy định về các trường hợp do cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện. Điều này là chưa thống nhất với quy định tại Luật ATTP.
Cân nhắc về phương thức xử lý sản phẩm sau thu hồi
Đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng, khoản 5 Điều 7 Dự thảo quy định “trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với sản phẩm, chủ sản phẩm phải gửi báo cáo về việc chuyển đổi mục đích sử dụng kèm theo văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý chuyên ngành cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng tới cơ quan có thẩm quyền về ATTP hoặc cơ quan ra quyết định thu hồi sản phẩm”.
Quy định trên có một số vấn đề sau cần được cân nhắc, xem xét. Thứ nhất, thiếu quy định về thủ tục hành chính. Theo quy định trên thì chủ sản phẩm sẽ phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý chuyên ngành cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, tuy nhiên Dự thảo không quy định làm thế nào để chủ sản phẩm có được văn bản chấp thuận này hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định. Điều này nếu không làm rõ, có thể gây khó khăn cho các chủ thể trong thực tế áp dụng.
Thứ hai, nhiều cơ quan quản lý tham gia. Theo quy định trên thì sẽ có các cơ quan quản lý nhà nước sau tham gia vào quy trình xử lý sản phẩm bị thu hồi: cơ quan quản lý chuyên ngành; cơ quan có thẩm quyền về ATTP hoặc cơ quan ra quyết định thu hồi sản phẩm. Theo quy định của Dự thảo thì chủ sản phẩm vừa thực hiện thủ tục với cơ quan quản lý chuyên ngành vừa có thể thực hiện thủ tục với cơ quan ra quyết định thu hồi sản phẩm. Hai cơ quan này có thể khác nhau dễ khiến cho việc quản lý, theo dõi về vấn đề xử lý sản phẩm sau thu hồi bị rối và có thể xảy ra tình trạng, cơ quan cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng và cơ quan quản lý ATTP lại không biết tình hình xử lý của sản phẩm thế nào (vì họ không được báo cáo) hoặc cơ quan ra quyết định thu hồi sản phẩm không biết việc xử lý sản phẩm ra sao (trong trường hợp chủ sản phẩm lựa chọn báo cáo cho cơ quan khác).
Để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, tránh nảy sinh hiện tượng quản lý chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước, quy định này cần được điều chỉnh quy định theo hướng cơ quan nào ra quyết định thu hồi sản phẩm sẽ là cơ quan tiếp nhận, theo dõi các báo cáo của chủ doanh nghiệp. Cơ quan này có thể chia sẻ thông tin với các cơ quan khác để cùng phối hợp quản lý.
Tương tự, khoản 4 Điều 7 Dự thảo quy định chưa rõ về cơ quan thực hiện việc tiêu hủy sản phẩm là cơ quan nào? Nếu không quy định rõ sẽ gây bất lợi khi thực hiện.