Mở lối cho kinh tế tư nhân Đông Nam Bộ sau hợp nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc sáp nhập hành chính tại Đông Nam Bộ đang mở ra cơ hội tái cấu trúc toàn diện không gian kinh tế, tạo động lực mới để kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Đây là bước ngoặt lớn trong tổ chức không gian phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc mở rộng địa giới hành chính không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy quản lý mà còn đặt nền tảng cho tái cấu trúc chuỗi giá trị sản xuất, thương mại, dịch vụ và logistics, qua đó tạo tiền đề hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Khương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai về những cơ hội và thách thức đặt ra sau sáp nhập hành chính.

Ông Nguyễn Duy Khương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai

Ông Nguyễn Duy Khương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai

- Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về tác động chiến lược của việc sáp nhập đơn vị hành chính đối với phát triển kinh tế tư nhân toàn vùng?

Ông Nguyễn Duy Khương: Hợp nhất đơn vị hành chính Đông Nam Bộ thực sự là bước đi đột phá, với tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước. Khi các địa phương hợp nhất, quy mô không gian phát triển kinh tế sẽ lớn hơn, đồng bộ hơn, tạo điều kiện hình thành thị trường thống nhất về lao động, quỹ đất, hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư.

Đây là nền tảng rất quan trọng để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trước đây, ranh giới hành chính manh mún khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí để xin cấp phép, hoàn thiện thủ tục, triển khai dự án liên tỉnh. Sau sáp nhập, chuỗi quy trình sẽ được tinh giản và thống nhất, giảm đáng kể chi phí không chính thức và thời gian tuân thủ pháp luật, đây chính là điều kiện để thực thi Nghị quyết 68, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho kinh tế tư nhân.

TP HCM (mới) sở hữu cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ trở thành sẽ trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

TP HCM (mới) sở hữu cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ trở thành sẽ trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

- Sau sáp nhập, đâu là những lợi thế nổi bật mà các doanh nghiệp cần tận dụng, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Khương: Tôi cho rằng, sau sáp nhập, Đông Nam Bộ hình thành ba không gian phát triển mới có tính bổ trợ rất cao, cụ thể:

TP HCM mới (TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương) sẽ là cực tăng trưởng toàn diện về công nghiệp chế biến, logistics quốc tế và thương mại dịch vụ cao cấp. Vùng này sở hữu cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Tân Sơn Nhất, mạng lưới khu công nghiệp lớn nhất cả nước.

Đồng Nai mới (Đồng Nai, Bình Phước) sẽ trở thành “vành đai” công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp công nghệ cao, nơi quỹ đất lớn và vị trí địa lý giáp TP HCM giúp phát triển logistics vệ tinh, chuỗi cung ứng nguyên liệu. Sân bay Long Thành sẽ là trung tâm trung chuyển hàng hóa và hành khách quốc tế, tạo động lực cho thương mại, dịch vụ logistics phát triển bùng nổ.

Và Tây Ninh mới (Long An, Tây Ninh) giữ vai trò kết nối cửa ngõ Tây Nam Bộ, biên giới Campuchia, thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới và phát triển du lịch tâm linh đặc sắc.

Khi các địa phương này chia sẻ chung một không gian quản lý và quy hoạch, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận quỹ đất, nguồn lực, hạ tầng và thị trường tiêu dùng trên quy mô lớn, thay vì phải làm việc rời rạc từng tỉnh như trước.

Sân bay Long Thành (Đồng Nai) sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và hành khách quốc tế.

Sân bay Long Thành (Đồng Nai) sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và hành khách quốc tế.

- Ông đánh giá đâu là những thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi này?

Ông Nguyễn Duy Khương: Chuyển đổi quy mô lớn như vậy chắc chắn không tránh khỏi thách thức. Trước tiên là độ trễ trong tái cấu trúc bộ máy hành chính, khi hàng ngàn công chức, dữ liệu, quy trình phải hợp nhất và chuẩn hóa. Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp cần kiên nhẫn, chủ động theo dõi quy định mới để hạn chế ách tắc thủ tục.

Tiếp theo là sự khác biệt về văn hóa quản trị và ưu tiên phát triển của từng địa phương. Việc thống nhất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách thu hút đầu tư và quy trình cấp phép đòi hỏi nhiều thời gian và sự cởi mở từ cả chính quyền lẫn doanh nghiệp.

Cuối cùng là áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khi Đông Nam Bộ trở thành “điểm đến” hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia. Nếu doanh nghiệp tư nhân không nhanh chóng nâng cao năng lực quản trị, minh bạch tài chính và hiện đại hóa công nghệ, họ sẽ bị tụt lại.

Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai sẽ làm cầu nối, kịp thời phản ánh vướng mắc trong và sau sáp nhập.

Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai sẽ làm cầu nối, kịp thời phản ánh vướng mắc trong và sau sáp nhập.

- Vậy theo ông, cộng đồng doanh nghiệp trẻ cần làm gì để nắm bắt cơ hội này?

Ông Nguyễn Duy Khương: Tôi cho rằng trước hết cần đổi mới tư duy quản trị, chủ động chuẩn hóa quy trình, xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp đó là tích cực tham gia mạng lưới liên kết vùng, tận dụng sự hỗ trợ của các hội, hiệp hội để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, mở rộng đối tác.

Doanh nghiệp trẻ cũng nên đầu tư bài bản vào chuyển đổi số, thương mại điện tử và logistics thông minh, bởi sau sáp nhập, các dự án hạ tầng lớn sẽ hoàn thiện nhanh hơn, tạo nền tảng cho kinh tế số bứt phá. Đây chính là tinh thần Nghị quyết 68 nhằm phát triển kinh tế tư nhân không chỉ về số lượng mà cả chất lượng, quy mô và khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

- Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai sẽ đồng hành với doanh nghiệp thế nào trong giai đoạn này?

Ông Nguyễn Duy Khương: Hiện nay, Hội đã, đang và sẽ tập trung vào ba định hướng trọng tâm. Trước hết là kết nối doanh nghiệp liên vùng, thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo chuyên đề về kinh tế số, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, nhằm giúp doanh nghiệp trẻ tiếp cận thông tin nhanh chóng và mở rộng thị trường.

Tiếp theo là nâng cao năng lực quản trị, bằng cách triển khai các chương trình huấn luyện thực chiến về tài chính, pháp luật, bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản trị rủi ro và chuyển đổi số, để doanh nghiệp chủ động thích ứng và nâng cao sức cạnh tranh.

Cuối cùng, Hội sẽ đóng vai trò cầu nối với chính quyền, phản ánh kịp thời những vướng mắc phát sinh trong giai đoạn sáp nhập, tham gia góp ý xây dựng chính sách và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời thúc đẩy hình thành cơ chế đầu tư minh bạch, thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân phát triển.

- Ông muốn gửi thông điệp gì tới cộng đồng doanh nghiệp tư nhân và startup Đông Nam Bộ?

Ông Nguyễn Duy Khương: Đây là thời điểm vàng. Sáp nhập hành chính không chỉ là tinh gọn bộ máy, mà còn là cơ hội mở ra không gian phát triển rộng lớn, chuỗi giá trị kết nối thông suốt, thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng. Nhưng thành công hay không phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, từng doanh nhân.

Hãy giữ vững niềm tin, đầu tư vào nội lực, xây dựng văn hóa kinh doanh chuẩn mực và trách nhiệm. Nếu đoàn kết, đổi mới và dám nghĩ lớn, tôi tin kinh tế tư nhân Đông Nam Bộ sẽ bứt phá, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 68, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế khu vực.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm