Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý?

(PLO) - Đây là một trong những nội dung dự kiến trong Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) mà Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo. Nội dung này tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về trợ giúp pháp lý diễn ra hôm qua (28/3) do Bộ Tư pháp tổ chức với sự hỗ trợ của một số tổ chức Liên Hợp quốc.

Hỗ trợ cho người thuộc hộ cận nghèo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong thực hiện mục tiêu công bằng của 5 mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Việc triển khai Luật TGPL năm 2006 hơn 8 năm qua đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng bên cạnh đó cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc nên Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng Dự án Luật TGPL sửa đổi. Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện như phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, mô hình tổ chức TGPL…

Riêng vấn đề người được TGPL, Thứ trưởng cho rằng chuẩn nghèo mới khiến tỷ lệ người thuộc hộ nghèo khác trước, đồng thời xuất hiện thêm đối tượng cần quan tâm là những người thuộc hộ cận nghèo, đấy là chưa kể nhiều đạo luật liên quan có quy định TGPL cho một số đối tượng như trẻ em, người nhiễm HIV… Vì vậy, việc mở rộng hay không diện người được TGPL đang được quan tâm và rất cần ý kiến góp ý của các đại biểu, chuyên gia.

Giới thiệu chi tiết hơn về định hướng trên, Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi dự kiến kế thừa và có sửa đổi cho phù hợp các đối tượng theo Luật 2006.

Cũng theo bà Minh, Dự thảo Luật sẽ sửa đổi một số quy định về người được TGPL bảo đảm đồng bộ với các văn bản ban hành sau Luật 2006 và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Dự thảo Luật còn bổ sung đối tượng được TGPL cho phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, Công ước quốc tế và nhu cầu phát sinh từ thực tiễn là người thuộc hộ cận nghèo; người dưới 18 tuổi bị tước quyền tự do; nạn nhân bạo lực gia đình trong trường hợp không có điều kiện thuê luật sư.

Những kinh nghiệm quý cho Việt Nam Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác TGPL tại nước mình. 

Chuyên gia người Israel Davida Witztum cho biết, Luật TGPL dân sự của Israel được ban hành vào năm 1972, từ đó đến nay một số quy định đã được sửa đổi nhằm mở rộng diện được TGPL.

Cụ thể, trong những năm qua, hoạt động của Cơ quan TGPL của Bộ Tư pháp (đảm nhiệm thực hiện TGPL trong những vấn đề dân sự cho những người nộp đơn không đủ điều kiện tài chính, những người được quy định trong Luật) được mở rộng.

Theo đó, bao gồm cả TGPL cho bệnh nhân tâm thần trong các giao dịch pháp lý, tham gia tố tụng dân sự cho các nạn nhân của nạn buôn bán người và đại diện cho người chưa thành niên nước ngoài trước Tòa án thẩm định giam giữ.

Đến từ Văn phòng Luật sư công — Cộng hòa Philippines, Trưởng Văn phòng Persida Rueda Acosta chia sẻ, nhiệm vụ chính của Văn phòng là TGPL miễn phí cho người nghèo khó. Tuy nhiên, Văn phòng có thể cung cấp TGPL cho các trường hợp khách hàng không phải người nghèo khi được tòa chỉ định và trong tình thế khẩn cấp cũng như cung cấp dịch vụ pháp lý tình nguyện cho nạn nhân các vụ hình sự.

Cơ bản đồng ý nguyên tắc xác định đối tượng được TGPL là những người không có khả năng thuê luật sư, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Đặng Công Khôi đề nghị tính toán và cân đối giữa việc mở rộng diện đối tượng với nguồn nhân lực và kinh phí dành cho công tác TGPL hiện nay.

Để bảo đảm tính khả thi về nguồn lực và hướng trọng tâm vào cung cấp vụ việc tham gia tố tụng, ông Khôi cho rằng, cần giới hạn hình thức và lĩnh vực TGPL phù hợp với từng diện người được TGPL.

Đọc thêm