Trợ giúp pháp lý: Trông người lại ngẫm đến ta

(PLO) - Theo báo cáo, năm 2006, tại thời điểm Luật TGPL được ban hành, cả nước chỉ có khoảng 2.800 luật sư, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội (812 luật sư), thành phố Hồ Chí Minh (808 luật sư), Cần Thơ (87 luật sư).
Sẽ dần bỏ các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động để tập trung trợ giúp pháp lý theo vụ việc.
Sẽ dần bỏ các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động để tập trung trợ giúp pháp lý theo vụ việc.
Chủ yếu luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý 
Đến tháng 10/2011, khi tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư, trong cả nước đã thành lập 62 đoàn luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 7.072 luật sư và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong 2.831 tổ chức hành nghề luật sư, tăng thêm hơn 4.000 luật sư, đạt tỉ lệ 250,78% so với tổng số luật sư trong toàn quốc năm 2006.
Trong khi đó, sau 8 năm thi hành Luật TGPL, tổng số công chức, viên chức và người lao động khác thuộc hệ thống TGPL của Nhà nước là 1.313 người, trong đó có 572 trợ giúp viên pháp lý (490 người đã qua đào tạo nghề luật sư, 63 người được miễn đào tạo nghề luật sư). 
Các trợ giúp viên pháp lý đều có trình độ cử nhân luật trở lên, trong đó có 31 người có trình độ thạc sĩ luật, trung bình 09 trợ giúp viên pháp lý/Trung tâm. Trong đó, 26 tỉnh, thành phố có từ 10 trợ giúp viên pháp lý trở lên (chiếm 41,27%); 29 tỉnh, thành phố có từ 05 - 09 trợ giúp viên pháp lý (chiếm 46,03%) và 08 tỉnh, thành phố có dưới 05 trợ giúp viên pháp lý (chiếm 12,7%). Các địa phương trên toàn quốc đã chú trọng xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên TGPL từ cấp tỉnh đến cấp huyện. 
Hiện nay, toàn quốc có trên 10.700 cộng tác viên TGPL, trong đó có 1.136 cộng tác viên TGPL là luật sư và 174 tư vấn viên pháp luật đăng ký tham gia TGPL. 
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác TGPL, các địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký tham gia TGPL. 
Đến nay, cả nước đã có 69 công ty luật, 294 văn phòng luật sư và 61 trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL. Theo kết quả tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, trong 8 năm triển khai thi hành Luật TGPL, các cộng tác viên đã thực hiện được tổng số 471.957 vụ việc. Luật sư là cộng tác viên đã thực hiện 126.426 vụ việc, trong đó có 37.999 vụ việc tham gia tố tụng, 84.688 vụ việc tư vấn pháp luật, 337 vụ việc đại diện ngoài tố tụng, 546 vụ việc hòa giải và 1.122 vụ việc khác. 
Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong số vụ việc TGPL tham gia tố tụng, số vụ việc do luật sư cộng tác viên thực hiện chiếm tới gần 70%, hơn 30% còn lại do trợ giúp viên pháp lý thực hiện. Trong tổng số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện, số vụ việc tố tụng chỉ chiếm khoảng 4%, còn lại 96% là vụ việc tư vấn pháp luật. Có những trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng nào trong cả năm. 
Thế giới có 3 loại mô hình trợ giúp pháp lý
Theo khảo sát của Cục TGPL, Bộ Tư pháp, hiện nay trên thế giới có 03 loại mô hình được áp dụng trong các hoạt động TGPL của các quốc gia. Một là mô hình luật sư tư: Nhà nước thực hiện chức năng quản lý và ký hợp đồng thực hiện TGPL với luật sư theo vụ việc. 
Hai là mô hình luật sư công: Nhà nước thành lập đội ngũ người thực hiện TGPL chuyên trách là luật sư (có thể là luật sư công hoặc luật sư nhà nước. 
Ba là mô hình hỗn hợp: Nhà nước vừa thành lập đội ngũ người thực hiện TGPL chuyên trách của Nhà nước vừa ký hợp đồng thực hiện TGPL theo vụ việc với luật sư tư. Nhìn chung, phần lớn các quốc gia lựa chọn mô hình hỗn hợp.
Về nguyên tắc độc lập trong tổ chức các cơ quan quản lý TGPL và tổ chức thực hiện TGPL, tại phiên họp lần thứ 60 ngày 20/12/2012, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 67/187 về Các nguyên tắc và hướng dẫn về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự. 
Theo đó, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thừa nhận TGPL là một thành tố cơ bản của hệ thống tư pháp hình sự dựa trên nguyên tắc pháp quyền. Quyền được TGPL được coi là quyền cơ bản của công dân và khuyến nghị các nước quy định trong Hiến pháp về quyền này.
Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chương trình TGPL trong toàn quốc, các tiêu chuẩn và cách tiếp cận quốc tế quản lý TGPL khuyến nghị các quốc gia xem xét việc thành lập một cơ quan TGPL hoặc cơ quan có thẩm quyền để cung cấp, quản lý, điều phối và giám sát các dịch vụ TGPL. 
Cơ quan này cần được bảo đảm không bị can thiệp về chính trị hoặc tư pháp trái pháp luật, độc lập với Chính phủ trong việc đưa ra quyết định liên quan đến TGPL và không phải chịu sự chỉ đạo, kiểm soát, đe dọa về tài chính của bất kỳ cá nhân hay cơ quan nào trong việc thực hiện chức năng của mình, bất kể cơ cấu hành chính của cơ quan đó như thế nào. 
Cơ quan này cũng có các quyền hạn cần thiết để cung cấp TGPL, không giới hạn việc bổ nhiệm nhân sự; chỉ định những người thực hiện TGPL cho các cá nhân; thiết lập các tiêu chuẩn và công nhận những người thực hiện TGPL. 
Về người thực hiện TGPL, ngoài luật sư là người thực hiện TGPL, các quốc gia có thể huy động sự tham gia rộng rãi của những người không phải là luật sư tham gia thực hiện TGPL. Người thực hiện TGPL được đảm bảo tính độc lập và có quyền miễn trừ trong khi thực hiện TGPL và các cơ quan quản lý TGPL sẽ có những phương pháp tiếp cận để đảm bảo chất lượng trong việc thực hiện TGPL.
Về người được TGPL, Liên Hợp quốc khuyến nghị các quốc gia nên bảo đảm cung cấp TGPL cho phụ nữ, trẻ em và các nhóm có nhu cầu đặc biệt, bao gồm người già, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có các vấn đề tâm thần, người di cư và lao động di cư, người nhiễm HIV, những người không có điều kiện và khả năng thuê luật sư.
Liên Hợp quốc cũng khuyến nghị các quốc gia nên cung cấp ngân sách đầy đủ và riêng biệt cho các dịch vụ TGPL tương xứng với nhu cầu của các dịch vụ, bao gồm cả việc cung cấp các cơ chế tài chính dành riêng và bền vững cho hệ thống TGPL quốc gia. /.

Đọc thêm