Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ và thể hiện sự nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Góp ý về một số vấn đề cụ thể, đại biểu Đỗ Đức Hiển bày tỏ cơ bản nhất trí với 2 vấn đề theo phương án Chính phủ trình, bao gồm mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.
Đối với vấn đề mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, bảo đảm thể chế đúng, đủ chủ trương của Đảng đã được xác định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.
Theo đó vừa tạo điều kiện để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch nhưng cũng đồng thời bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa.
|
Ngoài ra, do các vấn đề Chính phủ xin ý kiến đều là những nội dung mới, lớn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các chủ thể sử dụng đất, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung lý lẽ cho từng loại ý kiến đã nêu trong Tờ trình, lượng hóa và đánh giá sâu hơn về những tác động của chính sách mới, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội, đặc biệt là Nhân dân tham gia ý kiến cụ thể hơn trong thời gian tới.
Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho rằng, việc cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ huy động được các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, qua đó phát huy tối đa được hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng đây là nội dung rất quan trọng, nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến một bộ phận khá lớn người dân đang sản xuất nông nghiệp ở nước ta.
Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá kỹ các tác động của quy định này đối với đời sống và sản xuất của người dân, đồng thời đánh giá tác động tới vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
“Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về đối tượng, điều kiện, quy trình, thủ tục, các chính sách ưu tiên, cơ chế kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng lợi dụng chính sách thu gom đất lúa để đầu cơ trục lợi, sử dụng đất lúa không đúng mục đích, gây bức xúc, khiếu kiện trong Nhân dân”, đại biểu nêu rõ.
|
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) chỉ ra rằng, điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định “hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, tặng, nhận quyền sử dụng đất trồng lúa”.
Song, trong thực tiễn cho thấy việc chứng minh có trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp để được nhận nhượng quyền chuyển nhượng còn nhiều bất cập, có khi mang tính hình thức và hợp thức hóa để đảm bảo tính hợp lý của hợp đồng.
Vì vậy, việc không hạn chế tổ chức cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cũng là phù hợp với thực tiễn đang diễn ra hiện nay.
Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định diện tích đất trồng lúa của địa phương và của cả nước, đại biểu cũng cho rằng cần phải có biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc nhận chuyển nhượng, kiểm soát việc chuyển đổi mục đích của chuyển nhượng, để tránh tình trạng cá nhân lợi dụng chính sách thu gom đất này không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cơ bản thống nhất với việc nghiên cứu, xem xét mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa với lý do đây là vấn đề phù hợp với nguyện vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân.
Theo đại biểu, thực tế cho thấy việc cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là nội dung quan trọng, nhạy cảm.
“Chính vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, đồng thời nghiên cứu, có quy định rõ ràng hơn về điều kiện và có cơ chế cụ thể hơn để kiểm soát, tránh tình trạng lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa nhằm mục tiêu đầu cơ, không phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp”, đại biểu nêu quan điểm.
Cân nhắc không quy định đấu giá đất chưa được bồi thường, hỗ trợ tái định cư
Về một số vấn đề liên quan đến giao đất, cho thuê đất, đại biểu Đỗ Đức Hiển chỉ ra rằng, Nghị quyết 18 của Trung ương xác định “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”. Dự thảo Luật tại Mục 2, Chương IX và nhất là các điều 135, 136 và Điều 137 đã cơ bản bám sát chủ trương nêu trên.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra một số bất cập. Thứ nhất, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Đầu tư quy định điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư là khu đất dự kiến thực hiện dự án đầu tư đã được giải phóng mặt bằng.
Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ được thực hiện khi không đáp ứng điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất (nghĩa là đất chưa được giải phóng mặt bằng).
"Nay, dự thảo Luật quy định đấu giá quyền sử dụng đất cả đối với trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dẫn đến việc khó phân định trường hợp nào thực hiện đấu giá, trường hợp nào đấu thầu", đại biểu nói.
Thứ hai, Nghị quyết số 18 đã xác định việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt; đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu giá, Tài sản đấu giá là tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc dự thảo Luật tại Điều 136 cho phép việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ tái định cư là không phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của Luật đấu giá tài sản.
Ngoài ra, quy định này cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện; chưa kể tới việc phải được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là khó khả thi.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc không quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đồng thời bổ sung quy định làm rõ tiêu chí/trường hợp cụ thể đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất để bảo đảm thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.