Luật HN&GĐ 2014 đã nêu khái niệm tập quán về hôn nhân và gia đình. Theo đó, đây là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.
Để bảo đảm tính khả thi trong quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) và luật khác có liên quan, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn trong giải quyết vụ việc dân sự (trong đó có quan hệ hôn nhân & gia đình), trên cơ sở kế thừa quy định của BLDS năm 1995, BLDS năm 2005, quy định của Luật Thương mại, Luật HN&GĐ... và thông lệ quốc tế, BLDS năm 2015 cũng quy định cụ thể hơn về việc áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật.
Khoản 2 Điều 5, Điều 6 BLDS năm 2015 còn ghi nhận vị trí của tập quán là nguồn luật bổ sung có vị trí đầu tiên trong trường hợp pháp luật không quy định, sau đó mới đến các nguồn khác như quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự, nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.
Tuy nhiên, tại một số địa phương như Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Ninh… hiện nay vẫn còn một số PTTQ ở những thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa như hiện tượng đặt dâu trước, tục ở rể (mặc dù chúng chỉ mang tính hình thức); tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết; việc đăng ký kết hôn không do UBND cấp xã thực hiện; cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi từ bốn đời trở lên; bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ; đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn…
Với những tập quán trên, người ta vẫn cho rằng khó có thể xác định đâu là tập quán cần được kế thừa và phát huy hay tập quán nào cần được xóa bỏ vì quan niệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tầng lớp xã hội khác nhau. Do đó, việc đưa Luật HN&GĐ đi vào đời sống xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Điển hình là, nhiều trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn, nhưng lại được cộng đồng dân cư nơi họ cư trú công nhận, bảo vệ. Khi xảy ra tranh chấp, Tòa án căn cứ vào quy định của Luật HN&GĐ để tuyên bố không công nhận hôn nhân của các đương sự. Tuy nhiên, đương sự, gia đình và dòng họ hai bên thì không đồng tình với quyết định của Tòa án.
Cũng có trường hợp nam nữ khi kết hôn không vi phạm quy định của Luật về cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm ba đời, song theo tập quán, họ vẫn thuộc phạm vi quan hệ họ hàng không được kết hôn, bởi vậy, họ đã bị gia đình, cộng đồng không cho kết hôn hoặc không thừa nhận hôn nhân… Ngoài các trường hợp này, việc tranh chấp về các lễ vật, sính lễ trong ngày cưới, kết hôn cũng đang tiếp tục xảy ra và được giải quyết một cách không thống nhất...
Nhiều ý kiến đề nghị, nếu thời gian tới sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ cần pháp điển hóa một số PTTQ tiến bộ, phù hợp với thực tế đời sống xã hội thành những quy phạm trong Luật, nhằm điều chỉnh có hiệu quả quan hệ HN&GĐ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cũng phải quy định cụ thể trong Luật các điều kiện đảm bảo khi thực hiện việc áp dụng PTTQ để giải quyết các quan hệ HN&GĐ.