Mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân ở xã Song Khê, Bắc Giang được công nhận Di tích quốc gia

(PLVN) - Ngày 18/6/2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 1901/QĐ-BVHTTDL công nhận xếp hạng Di tích quốc gia đối với di tích lịch sử mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân ở xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Quyết định số 1901/QĐ-BVHTTDL công nhận xếp hạng Di tích quốc gia đối với di tích lịch sử mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân.

Tiến sĩ Đào Toàn Bân (1308-1386, còn gọi Đào Toàn Mân, Đào Toàn Phú) là danh nhân khoa bảng, nhà giáo tiêu biểu đời Trần. Ông quê làng Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng (nay là thành phố Bắc Giang), tỉnh Bắc Giang.

Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, sách vở đọc qua một lần là thuộc. Năm mới 16 tuổi (1324), ông đi thi Hương và đỗ đầu. Người dân làng Song Khê chào đón và rất tự hào về ông - ông được xem là người đầu tiên mang vinh quang khoa bảng về quê, đồng thời là tấm gương động viên lớp hậu sinh noi theo học tập, tạo nên truyền thống hiếu học của vùng đất này cho đến ngày nay.

Năm 1352, vua Trần Dụ Tông mở khoa thi thái học sinh, ông đã đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan ở Phủ Thiên Trường thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định ngày nay. Ông đã đưa một phần gia đình xuống đây và vận động nhân dân khai hoang lập ấp, lấy tên là làng Song Khê để nhớ về quê cũ của mình. Trên đường hoạn lộ, ông được thăng đến chức Lễ Bộ thượng thư, Tham tri thẩm hình viện sự.

Tuy ra làm quan to nhưng Tiến sĩ Đào Toàn Bân vẫn dành thời gian cho việc dạy học. Xã hội Việt Nam thế kỷ 14, giáo dục chưa phát triển, trường học hiếm hoi, thầy giáo giỏi lại càng hiếm hoi.

Trong số học trò có con trai ông tên Đào Sư Tích. Năm Giáp Dần niên hiện Long Khánh thứ 2 (1374), triều đình mở khoa thi đình, các học trò của nhà giáo Đào Toàn Bân cũng dự thi.

Ngày bảng vàng được công bố, cả kinh thành Thăng Long như chấn động vì tin ba ngôi đầu đều do học trò của nhà giáo họ Đào chiếm lĩnh. Trạng nguyên là Đào Sư Tích, bảng nhãn là Lê Hiến Phủ, thám hoa là Trần Đình Thám. Chưa kể có thêm một học trò nữa đỗ tiến sĩ là Lê Hiến Tứ. Thật là chuyện xưa nay hiếm trong lịch sử khoa bảng.

Đương thời, danh sư Chu Văn An nghe tin cũng bày tỏ sự thán phục tài năng và công lao giảng dạy của nhà giáo Đào Toàn Bân, đã tặng ông bốn chữ “Đại sư vô nhị” (người thầy có một không hai).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái (thứ 6 từ trái qua) và TBT Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội trong một lần về thăm nhà thờ.

Ngày nay, trong nhà thờ của dòng họ Đào ở làng Song Khê, xã Song Khê còn lưu hai câu đối ca ngợi tài năng trên đường khoa cử của hai cha con họ Đào: “Song Khê miếu đường lưu vạn đại. Trần triều khoa giáp đệ nhất môn” và “Khoa giáo thiên thu, gia phụ tử. Thanh danh vạn cổ, quốc quân thần”.

Năm Bính Dần (1386), ở tuổi 76 Tiến sĩ Đào Toàn Bân qua đời. Thi hài ông được đưa về quê an táng tại khu đồng Mối, nhân dân vẫn gọi là Bãi Trạng, nay thuộc địa bàn thôn Lim Xuyên, xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Còn tại thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định, người dân lập đền thờ, tôn ông làm Thành Hoàng vì có công khai khẩn đất hoang lập nên địa phương này.

Với những công trạng hiển hách vinh danh quê hương, đất nước, ngày 18/6/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 1901/QĐ-BVHTTDL công nhận xếp hạng Di tích quốc gia đối với di tích lịch sử mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân ở xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Theo Quyết định, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. UBND địa phương nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.