Khoản tiền này được cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do Liên minh châu Âu tổ chức. tuy chưa đạt mức 7,5 tỷ euro như dự định, nhưng những ngày tới, số tiền có thể tăng lên. Hoa Kỳ và Nga đã không tham dự sự kiện này.
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho biết, số tiền được cam kết trong Hội nghị hôm 4/5 này sẽ giúp tìm ra một loại vắc-xin, phương pháp điều trị mới và các xét nghiệm tốt hơn cho căn bệnh do virus corona gây ra.
"Trong vòng vài giờ, chúng tôi đã cùng nhau cam kết 7,4 tỷ euro cho việc nghiên cứu vắc-xin, chẩn đoán và điều trị COVID-19", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khoảng ba giờ sau khi Hội nghị diễn ra.
Số tiền này sẽ giúp khởi động một hoạt động hợp tác toàn cầu chưa từng có.
Mục đích ban đầu là vận động được khoảng 4 tỷ euro (4,37 tỷ USD) cho nghiên cứu vắc-xin, khoảng 2 tỷ euro (2,13 tỷ USD) cho các phương pháp điều trị và 1,5 tỷ đồng (1,64 tỷ USD) cho các xét nghiệm.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, "Để đạt được cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, chúng ta có thể cần gấp 5 lần số tiền đó".
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, số liệu của các Chính phủ công bố cho thấy hiện thế giới khoảng 3,5 triệu ca nhiễm virus corona và hơn 247.000 ca tử vong do virus này. Nhưng quy mô thực sự của đại dịch lớn hơn nhiều khi vẫn còn nhiều nơi cố tình che giấu dịch, tỷ lệ xét nghiệm thấp và sự quá tải của các hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe.
Người dân ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, và đáng chú ý là ở châu Âu trong tuần này, đang dần trở lại làm việc nhưng các Chính phủ vẫn cảnh giác với làn sóng lây nhiễm thứ hai và "vắc-xin là viên đạn vàng thực sự duy nhất cho phép cuộc sống bình thường trở lại".
Một số quốc gia đã cung cấp tài chính cho những nỗ lực nghiên cứu của riêng họ, cùng với việc đóng góp cho các tổ chức quốc tế. Những quốc gia khác cũng đề xuất kết hợp các khoản vay với tài trợ của họ. Các cam kết được thực hiện đối với hoạt động nghiên cứu vắc-xin kể từ ngày 30/1 cũng được tính trong khoản ngân sách vừa được cam kết này.
Ngoài nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, người đứng đầu nhà nước và chính phủ từ Australia, Canada, Israel, Nhật Bản, Jordan, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với đại sứ Trung Quốc tại EU cũng đã cam kết tại Hội nghị.
Melinda Gates, Đồng Chủ tịch của Quỹ Bill và Melinda Gates, nói rằng: "việc đánh bại virus sẽ mất nhiều thời gian hơn việc cung cấp vắc-xin cho người trả giá cao nhất. Nếu chỉ cung cấp vắc-xin cho những quốc gia giàu có, chúng ta sẽ mất nhiều hơn vì thế giới chỉ có thể chiến thắng đại dịch này khi mọi người ở khắp mọi nơi có thể được chủng ngừa".
Khoảng 100 nhóm nghiên cứu đang theo đuổi việc nghiên cứu tìm ra vắc-xin chống virus corona, với gần một chục kết quả đã bước vào giai đoạn đầu thử nghiệm ở người hoặc đã sẵn sàng để bắt đầu thử nghiệm. Nhưng cho đến nay, vẫn không có cách nào để dự đoán loại vắc-xin nào sẽ hoạt động an toàn, hoặc thậm chí để chỉ rõ là "có triển vọng".
Người dân tận hưởng không khí ngoài trường trong công viên Cerro del Tio Pio ở Madrid, Tây Ban Nha, hôm 3/5/2020 sau 7 tuần bị phong tỏa để ngăn virus corona lây lan. Ảnh: AP |
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Chính phủ Hoa Kỳ, đã cảnh báo rằng ngay cả khi mọi thứ diễn ra hoàn hảo, việc phát triển một loại vắc-xin chống virus corona trong 12 đến 18 tháng vẫn sẽ lập kỷ lục về tốc độ. Ngay cả khi một loại vắc-xin hữu ích đầu tiên được xác định, ban đầu vẫn sẽ không đủ cho tất cả mọi người. Nhưng sẽ chỉ cần vài tháng để tiêm vắc-xin hàng loạt cho mọi người khi có được loại vắc-xin có hiệu quả.
Hai quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã bỏ qua các câu hỏi của phóng viên về quyết định không tham gia Hội nghị này của chính quyền Tổng thống Trump. Song các quan chức, những người không được ủy quyền thảo luận vấn đề này cho biết, sự tham gia của Hoa Kỳ là không cần thiết bởi vì Hoa Kỳ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho các sáng kiến y tế toàn cầu, ngay cả sau khi đình chỉ tài trợ cho WHO. Nhiều chương trình được thảo luận tại hội nghị là do Hoa Kỳ tài trợ.