Mong thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình

(PLVN) -  Là người đứng sau loạt kỹ xảo ấn tượng trong nhiều bộ phim lịch sử, chiến tranh, Kiến trúc sư (KTS) Đinh Việt Phương tiếp tục ghi dấu ấn khi tham gia vào hai bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” và “Mưa đỏ”. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với anh Việt Phương để nghe anh chia sẻ về hành trình tái hiện những ký ức chiến tranh bằng ngôn ngữ kỹ xảo hiện đại, đầy tâm huyết.
Một cảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.

Là người đã có kinh nghiệm thực hiện kỹ xảo điện ảnh cho nhiều bộ phim đề tài chiến tranh, lịch sử, vậy khi bắt tay làm kỹ xảo cho hai bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” và “Mưa đỏ”, anh hình dung thế nào về việc tái hiện một thời chiến tranh gian khổ?

- Khi bắt đầu làm kỹ xảo cho “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” và “Mưa đỏ”, tôi nhận thức đây là hai bộ phim đòi hỏi sự tái hiện không gian chiến tranh khốc liệt với quy mô rộng. Phần việc của tôi tập trung vào các cảnh không kích, cháy nổ, là những phân đoạn then chốt để lột tả mức độ tàn khốc của chiến trường.

Trong “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, tôi làm theo chỉ đạo trực tiếp của đạo diễn, thực hiện các cảnh không quân Mỹ tấn công, mô phỏng đường bay, các vụ nổ và hậu quả để lại trên mặt đất. Với “Mưa đỏ”, tôi phối hợp cùng đạo diễn và DOP để tái hiện những cảnh tấn công bằng không quân vào Thành cổ Quảng Trị. Đặc biệt là những cảnh chiến đấu cơ cắt bom từ góc cao, thể hiện thế áp đảo và tàn phá dữ dội của chiến tranh.

Điều gì là thách thức lớn nhất khi phải “dựng lại” chiến tranh bằng công nghệ?

- Thách thức lớn nhất là giữ được sự chân thực mà không để kỹ xảo trở nên phô trương. Những cảnh không kích không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mô phỏng chính xác đường bay, tốc độ, hướng bom, mà còn phải ăn khớp hoàn hảo với ánh sáng, bố cục hình ảnh do đạo diễn đề ra.

Đặc biệt, ở “Mưa đỏ”, cảnh chiến đấu cơ oanh tạc Thành cổ từ góc cao, chúng tôi phải xử lý nhiều lớp hiệu ứng: từ hình ảnh phi cơ, động tác cắt bom, cho đến tác động lan tỏa, khói bụi và ánh sáng vụ nổ.

Với anh, đâu là giới hạn giữa kỹ xảo điện ảnh và sự thật lịch sử?

- Tôi xem kỹ xảo là phương tiện để truyền tải lịch sử một cách sống động, nhưng không được thêm thắt hoặc làm sai lệch bản chất. Khi dựng các cảnh không quân tấn công, cháy nổ, tôi luôn kiểm tra lại với đạo diễn và đối chiếu với tư liệu chiến tranh để bảo đảm độ tin cậy.

Có cảnh quay nào khiến anh ấn tượng về mặt kỹ thuật khi thực hiện vì mức độ phức tạp?

- Cảnh ấn tượng nhất là trong “Mưa đỏ”, khi máy bay chiến đấu quần thảo và trút bom từ trên cao xuống Thành cổ. Đây là cảnh phải dựng hoàn toàn bằng CGI, trong đó chúng tôi mô phỏng chi tiết chiến cơ, đường bay, động tác thả bom chính xác, kết hợp với hiệu ứng mặt đất bị tàn phá, bụi khói bốc lên dày đặc.

Từng bước xử lý ánh sáng, phản xạ từ vụ nổ cho đến chuyển động camera phải đồng bộ với phim trường, bảo đảm đúng tinh thần khốc liệt nhưng không làm quá, đúng như đạo diễn mong muốn.

“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” lấy bối cảnh năm 1967 khi cuộc chiến chống Mỹ leo thang căng thẳng. Phim xoay quanh cuộc chiến của nhóm du kích 21 người do Bảy Theo (Thái Hòa) chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông. Nhóm du kích nhận nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược mới đến ẩn náu tại căn cứ. Còn “ Mưa đỏ” do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện sau 10 năm chuẩn bị, dự kiến công chiếu đúng 2/9 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh Việt Nam. Phim được lấy cảm hứng và có thêm chi tiết hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm quân và dân ta chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Dịp 50 năm Giải phóng miền Nam, cá nhân anh có suy nghĩ gì khi góp phần kể lại chiến thắng bằng ngôn ngữ hình ảnh hiện đại?

- Được tham gia hai bộ phim chiến tranh trong dịp 50 năm Giải phóng miền Nam, với tôi là một niềm vinh dự lớn. Dù đứng sau hậu trường, nhưng tôi cảm thấy tự hào khi những hình ảnh mình dựng nên góp phần làm sống lại ký ức về sự hy sinh, về những người lính trẻ tuổi đã ngã xuống.

Tôi luôn mong rằng, qua ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, thế hệ trẻ hôm nay sẽ hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình, thấy rõ hơn những gì mà ông cha ta đã phải trả giá để giữ gìn độc lập.

Người làm kỹ xảo - dù đứng sau màn ảnh - có thể gửi gắm gì về ký ức dân tộc?

- Mỗi cảnh kỹ xảo, dù là hình ảnh một vụ nổ, một chiếc phi cơ hay một làn khói, đều mang trong đó sự chắt lọc kỹ lưỡng. Tôi tin rằng, sự chính xác và tôn trọng lịch sử trong từng khung hình cũng chính là cách để người làm kỹ xảo gửi gắm lòng biết ơn và trách nhiệm gìn giữ ký ức dân tộc.

KTS Đinh Việt Phương là cái tên quen thuộc trong làng số hóa và 3D hóa di sản. Anh đã cùng các đồng nghiệp đưa “trở lại” nhiều di tích, cổ vật mai một, mất mát. Công nghệ 3D đã giúp phục dựng cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh), Hiển Lâm Các (Đại nội Huế)... Cùng với đó, là triển lãm tranh 3D phục dựng phố cổ Hà Nội vào năm 2007. Năm 2010, KTS Đinh Việt Phương cũng là người thiết kế toàn bộ những hình ảnh trình chiếu về di sản, lịch sử trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Anh cũng đóng góp vào việc ứng dụng số hóa các hiện vật của bảo tàng Quảng Ninh; sản phẩm trình chiếu cho bảo tàng Hà Giang;…