Sau 5 tháng đi vào hoạt động, Văn phòng TPL Đông Dương đã tống đạt được 928 văn bản, doanh thu gần 72 triệu đồng. Các đơn vị Văn phòng thực hiện tống đạt gồm TAND quận Đống Đa, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Đống Đa, Chi cục THADS quận Hoàng Mai. Việc lập vi bằng được người dân đón nhận tích cực, lĩnh vực lập vi bằng chủ yếu là giao nhận tiền, giấy tờ, hàng hóa và tài sản khác; xác nhận hiện trạng nhà cửa, công trình xây dựng và tài sản; ghi nhận cuộc họp gia đình, cuộc họp của cơ quan, tổ chức.
Văn phòng TPL Đông Dương đã đạt doanh thu 83 triệu đồng trong lĩnh vực lập vi bằng. Tuy nhiên, Văn phòng chưa thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án (THA) và tổ chức THA.
Bên cạnh thuận lợi, cũng theo bà Phương Anh, còn khó khăn là hiện nay người dân chưa hiểu biết nhiều về mô hình TPL, do vậy hoạt động của Văn phòng TPL Đông Dương cũng như các Văn phòng TPL khác gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, các quy định của pháp luật về TPL chưa đầy đủ, hiệu lực pháp luật chưa cao, chưa đồng bộ và có những điểm thiếu cụ thể. Thời gian thực hiện thí điểm còn rất ngắn, do vậy người dân có tâm lý dè chừng không nhờ TPL thực hiện việc xác minh điều kiện THA hay trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực.
“Cần sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, ban hành Luật TPL để TPL hoạt động một cách chính thống như những loại hình bổ trợ tư pháp khác”, bà Phương Anh đề nghị đồng thời cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về chế định TPL; tăng cường sự phối hợp đồng bộ với các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, tất cả các ban, ngành và mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức đầu ngành trực tiếp được giao đầu mối triển khai thực hiện chế định TPL và các TPL, Thư ký nghiệp vụ TPL.