Theo Bộ Tài chính, việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm lên mức Ba3 là do tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, ở mức khoảng 65%, được hỗ trợ bởi việc sử dụng lao động và vốn trong nền kinh tế ngày càng hiệu quả. Trong khi trên thế giới, tiềm năng tăng trưởng mạnh thường có xu hướng gắn liền với khả năng cạnh tranh tương đối thấp, sức mạnh kinh tế của Việt Nam là sự kết hợp giữa tăng trưởng cao và khả năng cạnh tranh cao được thể hiện trong sự thay đổi của nền kinh tế hướng tới lĩnh vực giá trị gia tăng cao hơn.
Việc duy trì tăng trưởng mạnh mẽ góp phần từ ổn định và cuối cùng là từng bước kiểm soát được gánh nặng nợ Chính phủ. Sự ổn định của nợ Chính phủ được tăng cường bởi cơ cấu nợ với kỳ hạn trung bình khá dài và giảm dần nợ bằng đồng ngoại tệ, chính sách này giúp giảm thiểu sự phơi nhiễm của kinh tế Việt Nam đối với khả năng gia tăng đột ngột về chi phí vay nợ và/hoặc mất giá đồng tiền. Các nguồn vốn huy động của Việt Nam cho thấy gánh nặng nợ Chính phủ sẽ là tương đối ổn định khi đối mặt với những cú sốc tài chính.
Tiềm năng tăng trưởng được hỗ trợ bởi đầu tư mạnh mẽ, bao gồm cả đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI trong lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao. Khi Việt Nam tiếp tục tăng cường chuỗi giá trị và đóng góp của khu vực tư nhân với tổng giá trị gia tăng phát triển, Moody’s hy vọng tăng trưởng về năng suất sản xuất sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Việc nâng bậc này cũng phản ánh sự cải thiện tình trạng “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng mà Moody’s hy vọng sẽ được duy trì, mặc dù ở mức độ tương đối yếu. Một yếu tố đè nặng lên sức mạnh kinh tế của Việt Nam là sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng. Ở Việt Nam, một phần đáng kể của dân số đang ở tuổi làm việc với sức mua tương đối cao hơn - trong tổng dân số, đô thị hóa tăng đã góp phần tiêu thụ mạnh và tăng trưởng tín dụng. Nợ của doanh nghiệp cũng tương đối cao và đang tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây. Những thời kỳ trước khi tăng trưởng tín dụng quá nhanh đã làm suy yếu khả năng thanh toán ngân hàng và làm gia tăng rủi ro dự phòng cho quốc gia. Moody’s đánh giá việc phân bổ tín dụng đã được cải thiện phần nào và tạo ra rủi ro thấp hơn cho quốc gia, nếu tăng trưởng tín dụng nhanh tiếp tục duy trì vượt quá mức độ được đảm bảo sẽ làm tăng rủi ro của một sự điều chỉnh mà có thể sẽ khuếch đại những tác động tiêu cực của cú sốc của nền kinh tế.