Gia cảnh cũng khá đặc biệt: có vợ và 6 đứa con trai, ly thân với vợ từ năm 1992, từ Phú Thọ chuyển về Vĩnh Phúc sống từ đó với một người đàn bà khác. Tại đây, ông mua một một mảnh đất, xây nhà. Người đàn bà sau đó chết và người phụ nữ đơn thân nhắc tới ở trên tự nguyện về sống chung với ông từ năm 2004 cho đến khi ông mất vào năm 2016, người phụ nữ này cùng các con ông lo tang ma chu đáo cho ông.
Trước đó, vào năm 2009, ông để lại di chúc để lại toàn bộ di sản do ông tạo lập cho người phụ nữ đã gắn bó với ông 15 năm, gồm 171m2 đất và tài sản trên đó với ý nguyện ông được thờ cúng ở đây. Các con ông cho rằng ông lập di chúc lúc “không tỉnh táo, minh mẫn” nên yêu cầu Tòa án hủy bỏ di chúc và chia lại theo các kỷ phần thừa kế.
Tòa án TP Vĩnh Yên nhận định, bản di chúc này hoàn toàn hợp lệ, hợp pháp, khối tài sản đó hoàn toàn do ông tự lập và người phụ nữ chung sống cùng ông đã bảo quản và hiện tại vẫn đang quản lý tài sản đó, trú ngụ tại đây, do đó, bà được hưởng khối tài sản này. Tuy nhiên, Tòa vẫn xem xét và cho người vợ của ông được hưởng một phần di sản đó.
Dẫn chiếu các điều khoản pháp luật hiện hành, Tòa quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bên nguyên, công nhận di chúc hợp pháp, bị đơn được hưởng toàn bộ di sản do người quá cố để lại và phải trả cho người vợ của người quá cố 178.800.000 đồng do kỷ phần thừa kế tính ra tiền mà bà ta được hưởng.
Ngoài những căn cứ pháp lý vững chắc để giải quyết vụ tranh chấp thừa kế này, người ta còn nhận ra tính chất đạo lý trong đó. Không những quyền lợi hợp pháp của người phụ nữ đơn thân được bảo vệ mà vợ của người quá cố cũng được hưởng một phần di sản của người chồng để lại, mặc dù từ năm 1992 cho đến lúc người chồng chết không còn tồn tại một hôn nhân thực tế. Đặc biệt, ý nguyện của người lập di chúc đã được thực hiện, đó chính là đạo lý lớn nhất. Các con ông đều đã trưởng thành, đã từng nhận một phần tài sản từ ông lúc ông còn sống, không được gì trong việc tranh chấp này, đó cũng là một bài học về đạo lý.
Thẩm phán xét xử vụ này là một phụ nữ. Bà đã thể hiện cái tâm của mình trong nhận định và phán quyết của Tòa án mà ra một bản án công tâm, đầy sức thuyết phục. Văn hóa ứng xử của người thẩm phán là biểu hiện rõ ràng nhất của văn hóa pháp đình hoặc văn hóa pháp lý mà chúng ta đang chú tâm xây dựng.