Anh Phạm Văn Trung - Phó phòng Nghiệp vụ tổ chức Cục THADS Hà Tĩnh |
Lần theo cánh thư
Vào năm 1996, một vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Quảng Ngãi đã làm bà Trương Thị Tư, chị gái ông Sáng chết và để lại thương tật 41% trên người anh Trương Nhất Khôi, con trai ông Sáng. Vụ việc do tài xế điều khiển chiếc xe khách của Hợp tác xã vận tải Hà Tĩnh gây nên.
“Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng vụ việc đâu rồi cũng vào đó. Gia đình chúng tôi vô cùng bức xúc và khiếu nại mãi đến năm 1998 mới được giải quyết, buộc bên gây án phải bồi thường thiệt hại mất mát cho gia đình chúng tôi. Nhưng chúng tôi chờ đợi mãi cũng không thấy sự bồi thường của HTX Vận tải xe khách Hà Tĩnh và gia đình tài xế” – ông Trương Văn Sáng nhớ lại.
Những cảm xúc bất ngờ, phấn khởi dường như vẫn còn in đậm trong tâm trí những thành viên gia đình ông Sáng: “Gia đình chúng tôi tưởng chừng vụ án đã bị bỏ quên. Nhưng rồi bất ngờ đã xảy ra. Chúng tôi được tin đồng chí Cục trưởng và đồng chí Phạm Văn Trung, Chấp hành viên Chi cục THADS Hà Tĩnh đã khơi dậy vụ án”.
Theo lời kể của gia đình ông Sáng, phóng viên Báo PLVN tìm tới Cục THADS Hà Tĩnh để tìm hiểu rõ thực hư câu chuyện. “Năm lần, bảy lượt” đặt lịch làm việc, chúng tôi mới gặp được anh Phạm Văn Trung, Phó Phòng nghiệp vụ tổ chức THADS Hà Tĩnh vì lần nào hẹn cũng trúng vào lúc anh bận đi công tác vùng cao, vùng xa. Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi trông thấy anh là bất ngờ, không ai dám tin là một người như anh lại có thể đi “truy thu” những “con nợ” khó đòi đến vậy.
Tuy nhiên, những suy nghĩ thoảng qua ấy dần biến mất khi tiếp xúc với anh, nhận thấy trong anh trào lên một niềm tin, niềm đam mê, hăng say với công việc mà người cán bộ thi hành án dân sự đang theo đuổi.
“Thi hành án là một nghề nguy hiểm”
Anh Trung tâm sự: “Thực ra, kể về việc truy thu tài sản cho người bị hại của tôi và đồng nghiệp thì nhiều vô kể. Tuy nhiên, không phải khi nào chúng tôi cũng thực hiện được công việc trên giao một cách suôn sẻ, mà chính vì những người dân, những người bị hại đã cho chúng tôi dũng khí để thực hiện tốt công việc. Nói thực với các anh, THA là một nghề nguy hiểm, nhiều khi còn bị các đối tượng bị THA hành hung và ngược lại khi không truy thu được tài sản cũng bị các bị hại chê bai, trách móc..., vì vậy làm cái nghề này phải luôn đặt mình vào tình thế nguy hiểm và can đảm”.
Nói về vụ đi truy thu tài sản của Cty vận tải ô tô Hà Tĩnh cho gia đình ông Trương Văn Sáng, anh Trung bảo đó là một vụ án đặc biệt. Bởi mặc dù Toà án tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra xét xử và yêu cầu Cty vận tải ô tô Hà Tĩnh phải bồi thường trên 50 triệu đồng, nhưng phía Cty cũng như lái xe cố tình chầy ì không chịu bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị nạn. Thậm chí, năm 2008 Cty này chuyển sang cổ phần hoá nên số nợ trên lại càng khó truy thu cho gia đình nạn nhân.
Đầu năm 2010, anh Trung được Chi Cục trưởng THA Hà Tĩnh giao nhiệm vụ đi truy thu số tài sản trên cho gia đình ông Sáng. Nghiền ngẫm hồ sơ, anh Trung phát hiện ra rằng, cái khó nhất bây giờ là không thể truy thu số tiền trên ở Công ty này nữa, vì Cty đã cổ phần hoá, tất cả tài sản hợp lệ đã đóng vào Kho bạc. Cái sai ở đây là phía Cty không báo cáo khoản nợ trên cho UBND tỉnh, cho nên mới xẩy ra tình trạng gia đình ông Sáng không đòi được nợ.
Tìm được nút thắt của vụ án, anh Trung lập tức báo cáo, xin ý kiến Cục trưởng để một mặt thảo công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, một mặt tiếp tục làm công văn truy thu gửi đến cty sau khi đã cổ phần hoá.
Đúng như dự kiến, sau khi nhận được công văn của Cục, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp do ông Trần Minh Kỳ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì để nghe ý kiến các bên. Từ chỗ khó truy thu, sau khi nghe phân tích có tình có lý của Cục THADS, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Sở Tài chính làm thủ tục cấp kinh phí cho Cty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh để bảo đảm THA cho đương sự.
Vui chuyện, anh kể tiếp: “Như vụ tranh chấp nuôi con giữa anh Võ Tá Thanh, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh và chị Nguyễn Thị Thương, Phường Nam Hồng, Thị xã Hồng Lĩnh cũng để lại nhiều kỷ niệm”. Vụ án này toà án tuyên giao cháu Võ Tá Quang, sinh năm 2004 cho chị Thương nuôi dưỡng. Thế nhưng, khi bản án tuyên cháu Quang mới 2 tuổi mà từ thời điểm này chị Thương lại bỏ nhà đi mà không mang theo con, cháu Quang tiếp tục sinh sống với bố đến năm 2011.
Sau đó, chị Thương về tiếp tục đòi cháu Quang về sống với mẹ theo quyết định của bản án. Vụ việc hết sức phúc tạp vì anh Thanh cương quyết không giao con. Bằng tấm lòng và sự tận tuỵ, cuối cùng anh Trung cũng thuyết phục được gia đình anh Thanh giao lại cháu Quang cho chị Thương.
Ông Nguyễn Văn Cường, Cục trưởng THA Hà Tĩnh cho biết: “Khó nói hết khó khăn của Cục THADS Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chúng không không lấy đó làm nản, mà phải cố gắng hơn. Đặc biệt có những người như đồng chí Trung thì việc gì khó chúng tôi cũng vượt qua”.
Trong Công văn số 2854/TCTHADS-TCCB ngày 12/8/2011 gửi Báo Pháp PLVN, ông Hoàng Sỹ Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cho biết: “Tổng cục Thi hành án dân sự nhận được Thư cảm ơn của ông Trương Văn Sáng trú tại tổ 6, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đối với ông Nguyễn Văn Cường, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh và ông Phạm Văn Trung, Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh do Bộ trưởng chuyển đến. Trong thư, gia đình ông Trương Văn Sáng rất cảm động trước việc làm đầy trách nhiệm và tình nghĩa của Cục THADS Hà Tĩnh cũng như của cơ quan cấp trên Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng cục THADS xin chuyển đến Quý Báo để có hình thức đăng tin, biểu dương phù hợp”.
Mong rằng, ngành Tư pháp sẽ ngày càng có nhiều hơn những tấm gương cán bộ hết lòng vì người dân như anh Phạm Văn Trung, Cục THADS Hà Tĩnh. |
Trần Minh – Quang Trung