“Làm sao để pháp luật đến với từng người dân?”
Anh Đàm Văn Minh sinh năm 1968. Học xong cấp 3, vì điều kiện gia đình khó khăn nên anh không tham gia thi đại học mà tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Sau 3 năm ở quân đội với bản chất, ý chí sẵn có, anh luôn ấp ủ ý định và nguyện vọng làm một việc gì đó để đóng góp một phần sức lực của mình cho địa phương, vì thế năm 1999 anh đã thi đậu vào Trường Trung cấp Pháp lý, như ước nguyện khi ra trường anh đã trở về công tác tại địa phương vào năm 2001.
Với đặc thù của một xã miền núi, dân số đông, toàn xã có trên 10.000 nhân khẩu, điều kiện kinh tế thì khó khăn, cuộc sống người dân còn rất vất vả. Đặc biệt, thanh niên ở đây lúc thu hoạch mùa xong không có việc làm, một số thì vào các tỉnh phía Nam tìm việc, một số vào rừng săn bắt động vật, khai thác gỗ.
Số học hành ít, ham chơi lười làm chẳng đi đâu, chỉ tổ chức tụ tập rượu chè, ngày thì ngủ, đêm đi trộm cắp, lúc không lấy được gì thì quay sang bắt gà, vịt, ngan ngỗng của bà con về ăn uống tụ tập. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến việc vi phạm pháp luật gia tăng.
“Làm sao để điều kiện kinh tế của xã nhà ngày một đi lên và đặc biệt là chính sách pháp luật của Nhà nước đến được tận từng người dân?” là một câu hỏi lớn đặt ra với anh Đàm Văn Minh khi mới về nhận nhiệm vụ.
Là một công chức tư pháp xã, bám sát tình hình thực tế của địa phương, kế hoạch của UBND huyện, anh Minh đã tích cực tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật của địa phương mình.
Hàng tháng anh Minh cùng với tổ tuyên truyền viên pháp luật đã về tận từng cơ sở để tuyên truyền pháp luật tới tận người dân. Những năm gần đây, nhiều văn bản mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của dân đã được tuyên truyền, phổ biến kịp thời về tận các địa bàn trong xã.
Mỗi lần đi tuyên truyền, anh Minh đều dành thời gian cho người dân hỏi, ai có vướng mắc, khó khăn gì đều được anh giải đáp cặn kẽ, có lý, có tình. Nhờ đó, người dân thêm tin tưởng và chấp hành nghiêm các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Anh Đàm Văn Minh |
Bên cạnh việc tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật, anh còn tham mưu cho UBND xây dựng tủ sách pháp luật xã, tham mưu thành lập Câu lạc bộ Pháp luật ở 9 thôn và các trường học; tổ chức cho Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và các trường học hưởng ứng các cuộc thi viết như tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, tìm hiểu về Hiến pháp 2013.
Đặc biệt, trong công tác hộ tịch, nhiều gia đình sinh con ra họ cứ hồn nhiên nuôi con cho đến tuổi đi học thì mới đi làm đăng ký khai sinh. Cán bộ phụ trách hộ tịch vì không có chuyên môn nên đã đăng ký không theo quy trình mà chỉ cấp cho trẻ em mỗi một giấy khai sinh bản sao mà không cấp bản chính, cũng không lập sổ đăng ký.
Đến năm 2002, thực hiện Đề án 278 của Bộ Tư pháp là tổ chức đăng ký khai sinh lại cho trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, trước thực tế của địa phương như vậy, anh Minh lập tức tham mưu để thực hiện đề án.
Anh tham mưu cho UBND thành lập 03 tổ về tận từng thôn để khảo sát và tổng hợp số lượng trẻ từ 14 tuổi trở xuống. Chỉ có 10 ngày mà anh Minh đã cùng các tổ đăng ký được 2.700 trường hợp; hệ thống sổ sách, biểu mẫu cũng từ đó được anh Minh thiết lập đầy đủ và lưu trữ một cách khoa học.
“Không gì vui bằng được dân tin yêu, quý trọng!”
Có thể nói, từ khi anh Đàm Văn Minh làm công tác tư pháp xã đến nay, mọi lĩnh vực phụ trách, mọi công việc được giao đều đem lại kết quả rất khả quan. Ngày hôm nay, bất cứ ai đến với xã miền núi Quảng Châu cũng thấy rằng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều được triển khai kịp thời, sâu rộng và có hiệu quả.
Trong thành quả chung đó có một phần đóng góp của anh Minh. Hơn 10 năm công tác, anh Minh luôn được UBND xã và UBND huyện tặng nhiều Giấy khen. Năm 2010 anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác tuyên truyền pháp luật.
“Nếu làm được điều gì đó, dù là nhỏ thôi, để góp phần đưa Quảng Châu phát triển kinh tế - xã hội, người dân hiểu hơn về pháp luật để nghiêm túc chấp hành thì mình luôn sẵn sàng”. Anh Minh nói vui vẻ và cho rằng: “Làm công tác tư pháp như chúng mình tuy vất vả, bận rộn nhưng bù đắp lại là niềm tin và niềm vui của bà con nhân dân khi được chúng ta giải quyết xong cho họ một công việc”./.