Một hành vi vi phạm, hai lần chấp hành án

Sự việc trên tưởng như đùa nhưng lại là sự thật 100%. Đó là việc một phụ nữ bất ngờ nhận được giấy triệu tập và quyết định đưa vụ án ra xét xử chính vụ án mà chị đã thi hành án gần xong.

Sự việc trên tưởng như đùa nhưng lại là sự thật 100%. Đó là việc một phụ nữ bất ngờ nhận được giấy triệu tập và quyết định đưa vụ án ra xét xử chính vụ án mà chị đã thi hành án gần xong.

Trong khi TAND quận Cầu Giấy đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2 thì TAND huyện Chương Mỹ vẫn ra quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với bị cáo Luyện.

Chấp hành án gần xong mới nhận được Giấy triệu tập

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 21h30 ngày 8/10/2011, một người tên Đạt chở Phạm Thanh Hải đến đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy thì bị Tổ tuần tra Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an TP Hà Nội ra hiệu dừng xe vì lỗi không đội mũ bảo hiểm. Hải đã điện thoại cho Nguyễn Thị Luyện (sinh năm 1978, là mợ Hải) đến can thiệp.

Ngay sau đó, Luyện đã ra gặp tổ công tác để xin cho Hải nhưng không được chấp nhận. Và từ đây đã xảy ra chuyện cãi vã giữa Luyện và một CSCĐ Trần Văn Tứ. Sau đó, tất cả về Công an phường Yên Hòa giải quyết. Tại đây, ông Phan Thanh Hà - Đại đội trưởng đại đội 6 CSCĐ - đã cảnh cáo Đạt và Hải về lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ và không bàn giao Luyện cho Công an phường Yên Hòa giải quyết. Mọi người sau đó ra về.

Đáng chú ý, không có biên bản nào được lập về việc Luyện có hành vi Chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, hơn một tháng sau, Công an quận Cầu Giấy đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam đối với Luyện về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 4/1/2012, TAND quận Cầu Giấy đã có Bản án sơ thẩm số 02/2012/HSST, tuyên phạt Nguyễn Thị Luyện 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 23 tháng 2 ngày. Do không có kháng cáo, kháng nghị nên sau đó bản án này được ủy thác đến TAND huyện Chương Mỹ, Hà Nội (nơi cư trú của Luyện) để thi hành án.  

Trong khi việc chấp hành án của Luyện đang đến giai đoạn cuối thì "đùng một cái", ngày 20/1/2013, Luyện nhận được Giấy triệu tập của TAND quận Cầu Giấy yêu cầu đến Tòa án này vào ngày 23/1 để Tòa  xét xử vụ án Chống người thi hành công vụ (vụ án mà chính Luyện đang thi hành án gần xong).

Điều đáng nói là trước đó, trong quá trình thi hành án, Nguyễn Thị Luyện luôn chấp hành tốt mọi quy định nên Cơ quan Thi hành án hình sự, Công an huyện Chương Mỹ đã đề nghị TAND huyện Chương Mỹ rút ngắn thời gian thử thách án treo đối với Luyện.

Ngày 1/2/2013, TAND huyện Chương Mỹ chấp nhận đề nghị này, rút ngắn 5 tháng thời gian thử thách đối với Nguyễn Thị Luyện. Như vậy, tính đến ngày 1/2/2013, thời gian thử thách còn lại của Luyện là 5 tháng 4 ngày.

Vi phạm thủ tục tố tụng

Tới lúc phiên tòa được mở, Luyện mới ngã ngửa người khi biết rằng sau khi bản án sơ thẩm (lần 1) của TAND quận Cầu Giấy có hiệu lực được 7 tháng, vì cho rằng hành vi của Luyện cần phải xử lý nghiêm minh hơn nên TAND TP Hà Nội đã ra kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm số 02 của TAND quận Cầu Giấy, giao vụ án này cho TAND quận Cầu Giấy xử lại. Tại Bản án số 21/2013/HSST, TAND quận Cầu Giấy đã tuyên phạt Luyện 12 tháng tù giam và Luyện đã kháng cáo.

Như vậy, nếu nhìn vào trình tự trên thì có một sự tréo ngoe là trong khi TAND quận Cầu Giấy đưa vụ án ra xét xử (lần 2) vào ngày 23/1/2013 thì một tuần sau, TAND huyện Chương Mỹ vẫn có Quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo cho Nguyễn Thị Luyện. Có nghĩa là cùng một vụ án, một bị cáo và một hành vi vi phạm không thay đổi nhưng các cơ quan tố tụng của TP Hà Nội không thống nhất trong đường lối xử lý, không kết nối thông tin, ngược lại còn mâu thuẫn và “đá” chân nhau.

Cũng chính vì cả cơ quan Thi hành án hình sự và TAND huyện Chương Mỹ đều không nhận được quyết định kháng nghị, quyết định giám đốc thẩm của TAND TP Hà Nội nên các cơ quan này vẫn đang theo dõi quá trình Luyện chấp hành án theo bản án sơ thẩm (lần 1). Nói cách khác, một bản án đã bị kháng nghị giám đốc thẩm mà bị cáo vẫn phải chấp hành bản án cũ. Việc TAND quận Cầu Giấy đưa vụ án ra xét xử lần 2 là một sự kiện đầy bất ngờ với cả bị cáo và các cơ quan tố tụng huyện Chương Mỹ.

Diễn biến mới nhất, sáng ngày 16/4 vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã đưa vụ án Chống người thi hành công vụ ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Tại đây, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã chỉ ra hàng loạt sai sót nghiêm trọng trong quá trình thụ lý vụ án mà phiên tòa phúc thẩm không có điều kiện làm rõ, khiến quyền lợi của bị cáo không được đảm bảo.

Mặt khác, việc TAND TP Hà Nội không có quyết định về việc đình chỉ thi hành án khiến Nguyễn Thị Luyện cùng lúc phải chịu 2 bản án sơ thẩm và giám đốc thẩm về cùng một hành vi là vi phạm Điều 276 Bộ Luật Tố tụng hình sự (TTHS).... Chính vì có quá nhiều bất cập mà HĐXX  buộc phải dừng phiên tòa. Hy vọng, trong phiên xét xử sắp tới, những vi phạm tố tụng nêu trên sẽ được làm sáng tỏ.

“Trong vụ án này, các thủ tục tống đạt Quyết định kháng nghị, Quyết định giám đốc thẩm không được thực hiện đúng trình tự cho bị cáo cũng như Cơ quan thi hành án.

Người ký quyết định kháng nghị án sơ thẩm không thực hiện việc ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành bản án bị kháng nghị là vi phạm Điều 276, 277 Bộ Luật Tố tụng hình sự, dẫn đến các cơ quan xét xử đã tuyên án với bị cáo đang thi hành bản án có hiệu lực pháp luật về cùng một hành vi” (Luật sư Hà Đăng, Cty TNHH Luật Hà Đăng).

Điều 276 (Bộ luật TTHS):

Những người đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đó.

Quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án phải gửi cho Toà án, Viện kiểm sát nơi đã xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Điều 277 (Bộ luật TTHS):

1. Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phải nêu rõ lý do và được gửi cho:

a) Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị;

b) Tòa án sẽ xét xử giám đốc thẩm;

c) Người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị.....

Đức Duy

Đọc thêm