Chỉ vì xây dựng không phép trên diện tích 7m2 mà hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thái (cán bộ quân đội nghỉ hưu, tổ 35 phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) bị cắt điện, nước sinh hoạt từ nhiều ngày nay. Đáng nói hơn, gia đình này đang có tới 2 người ốm nặng và đã chấp hành yêu cầu “đình chỉ thi công”. Bên cạnh cái “lý” thì sự việc khiến người ta phải không thể đặt câu hỏi “tình người đã biến đi đâu”?
Vợ ông Thái bị chấn thương não, mất 80% sức khỏe phải sống trong cảnh không điện, không nước |
Giữa thủ đô, sống cảnh không điện, không nước
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Kim Cương- con gái ông Thái - cho hay: “Gia đình tôi có 5 người thì đã có hai người mắc bệnh nặng: mẹ tôi bị chấn thương sọ não, bị mất 80% sức khỏe nên phải có người phục vụ. Con trái tôi 5 tuổi bị mắc Hội chứng thận hư, được chỉ định điều trị ngoại trú với điều kiện phải giữ vệ sinh tuyện đối. Nhưng đã từ nhiều ngày nay, mặc dù thời tiết nắng nóng, cả gia đình tôi vẫn phải sống lay lắt trong cảnh bị cắt điện, cắt nước. Đến phạm nhân trong trại cải tạo còn có điện, có nước để sịnh hoạt. Thể nhưng chỉ vì một vi phạm hành chính về xây dựng, gia đình tôi lại phải sống trong cảnh tệ hại như vậy ngay giữa thủ đô.”
Tình trạng trên bắt nguồn từ việc ông Thái đã tiến hành xây dựng công trình (tường gạch cao 2,7m, mái bê tông, rộng 7m2) trên diện tích đất lưu không cạnh nhà để làm bếp nấu ăn vào tháng 5/2013. Đây vốn là phần đất mà gia đình ông sử dụng, xây tường bao (ghép với khu nhà) từ năm 1999.
Cho rằng đây là công trình xây dựng không phép (ngoài diện tích đất theo sổ đỏ), ngày 3/6, UBND phường Nghĩa Đô đã lập biên bản “ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng”. Một ngày sau, cơ quan này tiếp tục ra Quyết định đình chỉ thi công và yêu cầu “thủ trưởng các đơn vị cấp điện, cấp nước phải dừng ngay việc cấp điện, cấp nước đối với công trình xây dựng vi phạm”. Đến ngày 7/6 thì có tiếp Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm
Thực hiện yêu cầu trên, Cty Kinh doanh nước sạch và Điện lực Cầu Giấy đã lần lượt tiến hành ngừng cung cấp điện, cung cấp nước đối với địa chỉ nhà ông Thái. Thậm chí, cả 2 đường dây điện của 2 công tơ khác (người đứng tên trong hợp đồng mua điện là vợ ông Thái và con ông Thái) đều bị cắt.
Điều đáng nói ở chỗ, Nghị định 108/2007/NĐ- CP chỉ cho phép “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước liên quan đến xây dựng công trình” nhưng trong việc này, gia đình ông Thái lại bị cắt toàn bộ điện, nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đây có phải là một biện pháp “ngăn chặn” vi phạm tái diễn hay thực chất là một biện pháp “trừng phạt” người vi phạm?
Không cần biết công trình có sử dụng điện hay không- cắt hết.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Yến- Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô- cho rằng, “yêu cầu cắt điện, nước là để nhằm vào phương tiện công cụ xây dựng, để ngăn chặn xây dựng”. Nhưng khi được chất vấn lại rằng, “ông Thái đã chấp hành việc dừng thi công, thậm chí là tiến hành phá dỡ phần mái thì tại sao vẫn cắt điện, cắt nước. Thậm chí là hợp đồng điện không phải của ông Thái cũng bị cắt” thì ông Nguyễn Thế Cường- cán bộ phụ trách xây dựng của phường - lại nói,“bất cứ đường điện nào tại phục vụ xây dựng tại công trình đều bị cắt. Có 10 công tơ cũng cắt”.
Trả lời này buộc phóng viên phải đặt tiếp câu hỏi: “Vậy, chính quyền đã xác định được việc ông Thái sử dụng điện vào việc phục vụ xây dựng trái phép như thế nào, có mô tơ kéo vật liệu lên cao, có máy trộn bê tông …sử dụng điện hay không?” thì ông Cường trả lời, “cái đó chúng không biết, kể cả công trình sử dụng điện hay không sử dụng điện thì chúng tôi đều yêu cầu cắt điện, nước ở địa chỉ xây dựng”.
Đến lúc này, bà Yến liền sẵng giọng và ngắt lời: “Ở đây chúng tôi không có trách nhiệm giải thích luật. Anh thích văn bản nào thì chúng tôi cung cấp. Chúng tôi đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, không có gì sai cả. Để như thế là quá tạo điều kiện cho gia đình rồi. Kể cả người ốm đau như thế mà xin cấp lại điện nước, chúng tôi không phải là không có tình cảm trong đó.”
Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô Trần Thị Yến: “Thích lên báo thì tùy…”
“Anh (tức phóng viên) đến đây làm việc, bất kể thời gian chúng tôi tiếp anh nhưng phải trên tinh thần xây dựng. Nói luôn với anh như thế…Tất cả những ý kiến gì liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của chúng tôi, chúng tôi thông tin. Đó là chúng tôi phối hợp chứ không có nghĩa là phối hợp để anh làm cái gì đó. Nói thật với anh là như thế. Chúng tôi chỉ nói lại với anh một câu, chúng tôi đang thực hiện đúng pháp luật. Anh thích ý kiến thế nào thì tùy anh, nhá. Đấy là chúng tôi nói với như thế. Nói gì thì nói, cái gì nói cũng phải rõ ràng. Bất kể thời gian gần 12h, tôi tiếp anh. Nếu cần, chúng tôi cung cấp văn bản đó chứ anh không thể thích hỏi cái gì, anh thích hỏi cái gì hay là anh cứ kết vào những việc như thế. Anh phải tìm hiểu 2 chiều, 3 chiều, 4 chiều chứ không thể nghe 1 phía. Xin lỗi anh là như thế. Còn đây là công trình không phép, lấn chiếm. Chúng tôi chưa xử lý được là trách nhiệm của chúng tôi. Nói như thế cho nó nhanh. Còn tôi không có thời gian tiếp anh nữa. Anh cần thì chúng tôi cung cấp không có nghĩa là anh thế này thế khác đâu. Còn anh thích lên báo thì tùy. Tôi không làm gì sai, chúng tôi không việc gì phải sợ việc đó…." |
Khoa Lâm