Một làng cổ Hà Nội “thoi thóp” vì dự án “treo”

Làng Hòa Mục (thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tồn tại hơn 1.000 năm nay, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, sự cố kết cộng đồng dân cư độc đáo. Nhưng số phận ngôi làng cổ còn sót lại giữa đất kinh kỳ này vẫn chưa có hồi kết vì sự thờ ơ, vô cảm của chính quyền địa phương.

Làng Hòa Mục (thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tồn tại hơn 1.000 năm nay, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, sự cố kết cộng đồng dân cư độc đáo. Nhưng số phận ngôi làng cổ còn sót lại giữa đất kinh kỳ này vẫn chưa có hồi kết vì sự thờ ơ, vô cảm của chính quyền địa phương.

dgnhfjh
Làng cổ Hòa Mục “thoi thóp” vì dự án “treo”

Người dân khốn khổ chờ… hiệu chỉnh

Gần 10 năm là thời gian mà người dân tổ 31 làng cổ Hòa Mục phải chịu đựng đủ mọi sự khổ sở, cơ cực, vì thái độ vô cảm của chính quyền địa phương trong việc xem xét, hiệu chỉnh lại dự án mà bản thân nó chứa đựng nhiều sai lầm và vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía công luận lâu nay.

Dự án đang nói xuất phát từ Quyết định số 380 ngày 14/1/2003 của UBND TP. Hà Nội thu hồi 250.415 m2 đất (trong đó có 40.000 m2 đất của làng cổ Hòa Mục) để làm Dự án “san nền và xây dựng hạ tầng tuyến đường và hai bên đường Láng Hạ-Thanh Xuân” (nay là đường Lê Văn Lương). Dự án này nếu được tiến hành thì gần 100 hộ dân của làng cổ Hòa Mục phải di dời, kéo theo hàng chục ngôi nhà cổ tồn tại hàng trăm năm sẽ biến mất, ba nhà thờ họ của 3 dòng họ nổi tiếng sẽ bị dời đi khỏi ngôi làng. Nguy hại hơn, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng bao đời sẽ bị mai một và có nguy cơ mất đi vĩnh viễn.

Vì thế, tại thời điểm đó, việc thành phố thu hồi số diện tịch rất lớn của làng cổ Hòa Mục để làm các dự án chung cư cao tầng đã vấp phải sự phản đối rất quyết liệt của người dân. Một cuộc họp giữa dân làng Hòa Mục với Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Cầu Giấy đã diễn ra ngay sau đó. Trong cuộc họp này, nhân dân tổ dân phố số 31 chỉ chấp nhận giao đất làm đường, không đồng ý lấy đất hai bên đường để xây dựng chung cư cao tầng và đề nghị hiệu chỉnh lại dự án.

Hội đồng giải phóng mặt bằng cùng Ban dự án hứa chỉ thu hồi phần đất làm đường còn hai bên đường không lấy nữa. Nhờ vậy, việc giải phóng mặt bằng nhanh chóng hoàn tất, góp phần đưa con đường Láng Hạ – Thanh Xuân hoàn thành đúng tiến độ, kịp sử dụng phục vụ SEA Games 22. Nhưng thực tế 8 năm qua, Quyết định 380 vẫn không được UBND TP. Hà Nội xem xét để chỉnh sửa. “Do không được xây dựng, không tách được khẩu nên hầu như mọi gia đình phải sống chui lủi bẩn thỉu trong những căn nhà cấp 4. Mùa hè thì nóng nực, trời mưa thì lụt lội, mùa đông thì rét thấu thịt, thấu xương. Các cụ già, trẻ em ốm đau bệnh tật ngày càng nhiều vì cái dự án tréo ngoe này” – ông Nguyễn Văn Sơn, một người dân địa phương cho biết.

“Bắn” vào quá khứ, tương lai sẽ lãnh đủ

Từ thế kỷ thứ 5, làng Hòa Mục có tên gọi là Trang Nhân Mục, thuộc tổng Dịch Vọng. Đến thế kỷ thứ 8, nơi đây đã chứng kiến sự hi sinh bất khuất của người cháu gái Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là vợ của Mai Thúc Loan, hoàng hậu Phạm Thị Uyển trong cuộc chiến với giặc Đường ven sông Tô Lịch. Theo gương chị gái của mình, hai người em trai Phạm Miễn và Phạm Huy đã gia nhập đạo quân của cậu ruột Phùng Hưng đánh tan giặc Đường. 

Cố GS Trần Quốc Vượng từng nói: “Tôi khẳng định Hòa Mục là một trong bảy làng nổi tiếng của Hà Nội cổ. Không chỉ có công trong việc giúp Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng bao vây diệt trọn thành Tống Bình mà còn là làng nghề nổi tiếng làm giấy thời Lý. Với tư cách là ủy viên tư vấn của UBND thành phố Hà Nội về các di tích, khảo cổ Thăng Long, tôi kiến nghị: phải giữ gìn và bảo vệ làng Hòa Mục và các làng Láng, làng Khương trong khu làng cổ Hà Nội. Ai đó nói rằng Hòa Mục không phải là làng cổ, là làng “nhảy dù” thì không biết gì về lịch sử”.
Khi đất nước thanh bình, Bố Cái Đại Vương trở về chiến trường xưa và nhận thấy nơi đây là mảnh đất lành, ông ra lệnh xây dựng hành cung và đền thờ cho những đứa cháu của mình và hướng dẫn dân làng cách làm ăn. Đình làng hiện nay là nơi dân làng Hòa Mục đã bao đời nay phong Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là thành hoàng làng để tưởng nhớ công ơn trời biển của ông.

Đến đời nhà Lê, đây là trận địa vững chắc để mở ra những hướng quan trọng đánh tan giặc Minh. Đến cuối thế kỷ 19, người anh hùng áo vải Quang Trung khi tiến quân từ Đàng Trong ra cũng chọn mảnh đất của làng để thọc sâu vào lòng địch, diệt trọn gần 20 vạn giặc Thanh. Những sự kiện lich sử ấy đã gắn liền với sự phát triển của làng. Nhiều câu chuyện dân gian khác mà đến nay dân làng vẫn còn truyền tụng đã khắc ghi công trạng của con em dân làng phò vua, giúp nước.

Làng Hòa Mục hiện nay cũng được xem là làng còn giữ gìn khá đầy đủ hệ thống thiết chế văn hóa cổ xưa nhất. Có bảy di tích các loại như đình, đền, chùa, miếu, giếng cổ, cổng làng; trong đó có di tích đã được Nhà nước xếp hạng quốc gia như đình ngoài, đình trong (chính là hành cung thờ ba chị em họ Phạm) và đền thờ Dục Anh. Làng Hòa Mục còn có bốn nhà thờ họ nổi tiếng và hàng chục ngôi nhà cổ trên dưới 200 tuổi. Bởi vậy, có nhà sử học khi được hỏi đã ví von rằng: “Nơi khác không có giá trị cổ, người ta đã phải giả cổ để thu hút du khách và răn dạy người nay. Thủ đô ngàn năm văn hiến có làng cổ lại đem xóa bỏ - chuyện này chắc chỉ có ở Hà Nội. Đừng bắn vào quá khứ, kẻo tương lai sẽ lãnh đủ”

Làng Hòa Mục chứa đựng những giá trị văn hóa, sự cố kết cộng đồng dân cư độc đáo. Rất nhiều đoàn du khách nước ngoài đã từng về thăm làng cổ Hòa Mục như một làng truyền thống tiêu biểu của đồng bằng Bắc bộ. Vậy nhưng, số phận ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại vẫn chưa có hồi kết vì sự vô cảm của chính quyền địa phương. 

Nhà sử học Bùi Thiết (chuyên gia về địa danh Việt Nam): “Dám nói không ngoa rằng đi khắp Hà Nội khó tìm thấy làng nào như Hòa Mục vì có đầy đủ hệ thống thiết chế văn hóa cổ xưa nhất. Xin nhớ rằng Hòa Mục còn có tên nôm là Kẻ Đáy, điều ấy chứng tỏ rất có giá trị về lịch sử văn hóa, bởi lẽ làng nào có tên nôm bắt đầu từ từ “kẻ” đều thể hiện nền văn hiến và bản sắc của làng trong 1.000 năm Thăng Long. Phá làng cổ Hòa Mục là phá đi giá trị kết tinh hàng nghìn năm nay của cư dân nông nghiệp chung quanh Hà Nội, vi phạm nghiêm trọng Luật di sản văn hóa...”.

Gia Khánh

Đọc thêm