Một loạt phim Việt triệu đô rục rịch ra rạp

(PLO) - Sau những thành công vang dội từ những tác phẩm điện ảnh trong năm 2015, các nhà sản xuất đã sẵn sàng “chi hoang” để đầu tư cho các dự án điện ảnh lên đến hàng triệu đô.

“Tấm Cám - Chuyện chưa kể” - một bộ phim “bom tấn” có mức đầu tư “khủng” đang rất được trông đợi.
“Tấm Cám - Chuyện chưa kể” - một bộ phim “bom tấn” có mức đầu tư “khủng” đang rất được trông đợi.
 “Cháy vé” như phim Việt

Thời điểm hiện tại, phim Việt xuất hiện ở các rạp chiếm vị trí áp đảo nhưng khán giả vẫn ùn ùn kéo đến. Kể cả những ngày đầu tuần như thứ Hai (15/2) vừa qua ở các rạp chiếu phim như rạp quốc gia, CGV… đều đông kín khán giả, xếp hàng dài, “cháy vé” tính đến những suất chiếu vào buổi sáng hoặc buổi trưa mà xưa nay rất kén người đến xem. Kể cả như phim Việt “Lộc phát” với dàn diễn viên không mấy “hot” nhưng vẫn “cháy vé”. Hay như “Em là bà nội của anh” mặc dù đã có một thời gian dài tung hoành ở các rạp nhưng đến nay vẫn có người xem. 

Phim Việt đang được hưởng cảm giác “cháy vé” giống phim ngoại và đấy chính là tín hiệu vui cho những nhà làm phim Việt về sự “ưu ái” trong hiện tại của khán giả dành cho sản phẩm điện ảnh nước nhà.

Dàn diễn viên trong "Em là bà nội của anh".
Dàn diễn viên trong "Em là bà nội của anh". 

Khẳng định lại lần nữa những chuyển biến mạnh mẽ của điện ảnh Việt trong thời gian qua về cả chất lẫn lượng khi mà có hơn 40 phim chiếu rạp trong năm vừa rồi và có nhiều phim đạt mức doanh thu chưa từng có, ngay cả khi không chiếu vào thời điểm “vàng” là mùa Tết. 

Việc đạt doanh thu triệu đô như phim “Vẽ đường cho hươu chạy” (25 tỷ đồng), “Để mai tính” (100 tỷ), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (hơn 80 tỷ)… là dấu hiệu khởi sắc của điện ảnh Việt, động viên các nhà làm phim “thừa thắng xông lên” không ngần ngại đầu tư tiền tỷ, hay nói sang hơn là đầu tư cả triệu đô để gửi gắm niềm hi vọng vào bộ môn nghệ thuật thứ 7 này.

Thi nhau làm phim “khủng”
Lượng phim Việt đang công chiếu tại tất cả các rạp nhiều bao nhiêu thì những dự án phim đang trong giai đoạn ấp ủ lẫn đang trong thời kì quay cũng nhiều bấy nhiêu. Điều đáng nói là bộ phim nào càng ra sau thì sức đầu tư càng lớn. Nhiều người hiểu rằng, việc đầu tư kinh phí cao làm phim vô cùng mạo hiểm để thu hồi vốn hoặc có thu lại thì khả năng sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi khán giả Việt đôi khi rất dễ “thất thường” về gu cảm nhận. 

Nổi bật nhất phải kể đến bộ phim “bom tấn”  của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Ngô Thanh Vân đang rất được mong chờ, đó là “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” thể loại giả tưởng thần thoại sẽ được tung ra vào dịp lễ 30/4. 

Một phim đáng chú ý nữa là “Truy sát” của nhà sản xuất kiêm diễn viên chính Trương Ngọc Ánh, do Cường Ngô đạo diễn với kinh phí 20 tỷ đồng. Phim nói về cuộc chiến giữa lực lượng công an với những tội phạm xuyên quốc gia, quy tụ dàn “mỹ nam”: Thiêm Nguyễn, Vĩnh Thụy, Cường Seven. 

Tiếp theo là phim “Bao giờ có yêu nhau” của Dustin Nguyễn, dựa trên câu chuyện cổ tích “Sự tích trầu cau”. Đạo diễn Lý Hải cũng tiếp tục cho ra “Lật mặt 2” với hy vọng cũng sẽ thắng như “Lật mặt” của năm 2015. 

Ngoài ra, một phim được trông đợi đã làm từ năm 2015, đang “chinh chiến” ở các đấu trường quốc tế cũng dự định sẽ ra rạp vào mùa hè năm 2016 của đạo diễn Phan Đăng Di: “Cha, con và…”. 

Đặc biệt, năm 2016 có 4 dự án phim điện ảnh của Nhà nước đặt hàng là: “Xã tắc” - đề tài lịch sử, cổ trang; “Địa đạo” - đề tài chiến tranh cách mạng; “Người yêu ơi” - đề tài đồng bào dân tộc thiểu số; “Không ai bị lãng quên” - đề tài các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô. 

Và dĩ nhiên, để tạo nên được một kì tích như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì ắt hẳn ngoài việc đặt hàng ai, hãng nào thì vấn đề đầu tư “phóng khoáng” để cho sản phẩm không bị “lưu kho” cũng là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Sự đầu tư một cách ồ ạt về lượng phim lẫn lượng tiền vào mỗi tác phẩm điện ảnh cộng hưởng với sự mở rộng các phòng chiếu phim trong thời gian tới giống như một sự hợp tác có chủ ý để sự bền vững cho các phòng vé cũng như vấn đề “sinh lãi” cho những bộ phim vốn “khủng” cũng không còn khó khăn nữa. Ắt hẳn là một sự kết hợp “đôi bên cùng có lợi”.