Một phút tội lỗi, một đời day dứt: Bài 4: Nữ cán bộ ngân hàng “ảo tưởng” sức mạnh bản thân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước phút nông nổi chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng của ngân hàng nơi mình từng công tác, phạm nhân Lê Thị Phương (tên nhân vật trong bài đã thay đổi, SN 1984, quê Hà Nội, hiện đang chấp hành bản án 11 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” tại Trại giam Phú Sơn 4) đã từng có thời gian dài “ảo tưởng” sức mạnh bản thân, mang quan niệm lệch lạc “mình vất vả làm việc nên phải xứng đáng có nhiều tiền”.
Phạm nhân Lê Thị Phương.
Phạm nhân Lê Thị Phương.

Sai lầm không biết trân quý hiện tại

Phương bộc bạch: “Khi vào đây rồi, tôi mới thấy cuộc sống ngoài kia quý giá nhường nào. Tôi từng có một gia đình hạnh phúc, một công việc ổn định, thu nhập tốt... nhưng tôi lại không biết trân quý những điều đó, chỉ vì một phút nông nổi, tôi đã tự tay phá nát cuộc đời mình”.

Phương kể, sinh ra trong một gia đình trí thức, mẹ làm kế toán trưởng một doanh nghiệp, cha là kỹ sư máy điện cơ, chị gái hiện đang công tác tại một trường Đại Học danh tiếng tại Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp ĐH loại khá chuyên ngành Tài chính ngân hàng, Phương được nhận vào làm tại một ngân hàng ở Hà Nội.

Không chỉ con đường công việc rộng mở, ngay cả chuyện tình cảm gia đình của Phương cũng hạnh phúc. Chồng Phương là cán bộ nhà nước, vợ chồng có 2 con cả trai lẫn gái ngoan ngoãn, học giỏi.

Kể từ khi bước chân vào ngành ngân hàng, từ vị trí giao dịch viên, với sự nỗ lực, Phương thăng tiến dần lên vị trí kiểm soát viên, chuyển nhiều chi nhánh. Những năm 2017, thu nhập của Phương đã khoảng hơn 30 triệu đồng/tháng; là niềm mơ ước của bao người. Nhưng với quan niệm lệch lạc của Phương, mức thu nhập đó “chẳng đáng là bao so với công sức bỏ ra”.

“Hàng ngày đi làm từ 7h sáng, có khi hơn 22h đêm mới về, thời gian dành cho gia đình không nhiều. Có hôm tới đêm vẫn phải ra khỏi nhà do hệ thống bị lỗi. Có năm, thậm chí đêm giao thừa việc còn chưa xong... Đối với tôi khi đó thì mức lương ấy chẳng là gì so với công sức mà mình bỏ ra”, Phương nói.

Sau một thời gian “ảo tưởng” về sức mạnh bản thân, lại bị “đầu độc” bởi những quan niệm ngu ngơ trên mạng về “tự do tài chính”, “làm ít mà vẫn nhiều tiền”, giữa năm 2019, Phương quyết định viết đơn xin nghỉ việc, với ý định sẽ thử sức mình trong một lĩnh vực khác, đầu tư các kênh sinh lời khác. Nhưng trong thời gian nghỉ việc khoảng 1 tuần, Phương mới bàng hoàng nhận ra “tay làm hàm nhai”. Nếu không làm thì tiền đâu ra mà sinh sống, chứ chưa nói vốn đâu để mà “đầu tư vào các kênh sinh lời”, mà “tự do tài chính”… Giây phút chới với đó, Phương nảy sinh ý định đen tối chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Người phụ nữ từng làm việc ở một ngân hàng 11 năm cho hay, tại mỗi chi nhánh ngân hàng này đều có tài khoản tạm ứng nội bộ, có thể sử dụng tài khoản cá nhân truy cập vào hệ thống để rút tiền từ tài khoản tạm ứng nội bộ. Phương đến một chi nhánh ngân hàng, bịa chuyện khởi động lại mật khẩu internet banking tài khoản của mình, sau đó dùng điện thoại ghi lại thao tác trên máy tính của nhân viên ngân hàng, lấy trộm mật khẩu tài khoản tạm ứng nội bộ của chi nhánh đó, rồi chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng, chuyển một phần tiền cho một người chưa xác định rõ nhân thân lai lịch để “đầu tư bất động sản”.

Bản án 11 năm tù và gây hệ lụy cho cả gia đình

Hỏi Phương khi sảy ra vụ việc, bao lâu thì gia đình Phương biết chuyện? Phương bảo, khi sự việc vỡ lở bị kiểm toán ngân hàng phát hiện, Phương đã gọi điện về cho chị gái thông báo sự việc. “Khi đó, chị gái chấn an tôi: đừng lo lắng gì chị và gia đình sẽ cố gắng xoay tiền để khắc phục hậu quả".

Sau đó, cả hai gia đình nội, ngoại xúm vào lo, bán nhà cửa, có bao nhiêu tiền tích lũy của bố mẹ, chị gái và của vợ chồng Phương gom được 6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Chỉ vì “ảo tưởng” của Phương dẫn đến một phút gây án, đã không chỉ khiến Phương lĩnh bản án 11 năm tù, mà còn gây hệ lụy cho cả gia đình.

Do có trình độ nên từ khi về Phân trại số 2 cải tạo, Phương được các cán bộ trại giam phân về Đội 34, công việc cụ thể là viết các bài phát thanh tuyên truyền cho các phạm nhân và làm phát thanh viên một tuần 2 buổi vào tối thứ Hai và tối thứ Năm trên hệ thống phát thanh nội bộ, truyền thông đến các chị em về những tấm gương người tốt, việc tốt, hay những kiến thức về sức khỏe…

Phương bảo, khi vừa vào trại, đối mặt với cuộc sống hoàn toàn khác biệt, Phương đã rất sốc, nhiều đêm không ngủ được, nằm mơ thấy ác mộng, giật mình tỉnh giấc, ân hận, giày vò khiến cô chỉ biết khóc… Nhưng nhờ sự động viên của các cán bộ trại giam cô đã lấy lại được tinh thần, quyết tâm cải tạo tốt để sớm được trở về.

“Tôi thật sự rất biết ơn Ban Giám thị và các cán bộ nơi đây, đã luôn động viên tôi, giúp đỡ tôi để tôi lấy lại được niềm tin, để tôi có thể lao động, học tập và thấy mình vẫn là người có ích. Các cán bộ đã tạo điều kiện cho chúng tôi có một môi trường cải tạo lành mạnh. Để chúng tôi phấn đấu làm lại cuộc đời” – nữ phạm nhân chia sẻ.

Nói về gia đình, Phương bảo Phương là người may mắn: “So với các chị em cùng buồng giam, tôi may mắn hơn vì chuyện học hành, chăm sóc các con đã có bố cháu kèm cặp và bà ngoại phụ giúp”.

Niềm vui lớn nhất với Phương là hàng tháng gọi điện về nhà được nghe giọng các con, biết bố mẹ vẫn khỏe mạnh. Phương nói luôn biết ơn và yêu thương chồng rất nhiều vì trong lúc Phương tù tội, chồng Phương vẫn luôn đồng hành. Cứ 2 - 3 tháng/lần, chồng Phương lại lên thăm vợ, kể chuyện về gia đình, con cái khiến cô có cảm giác gia đình lúc nào cũng bên cạnh.

Xong, có một nỗi buồn vẫn cắn xé, dai dẳng trong tâm trí Phương chính là khiến cha mẹ tuổi già phải lo nghĩ, bận lòng vì mình; khiến chồng và các con phải sống trong mặc cảm, điều tiếng.

Gần 5 năm kể từ khi vào trại, Phương chưa một lần được gặp mặt các con. Mỗi lần gọi điện, nghe các con nói “chúng con nhớ mẹ lắm, bao giờ mẹ về?”, Phương lại càng day dứt hơn giá như ngày xưa mình đừng “ảo tưởng” bản thân; đừng “nhiễm độc” bởi những hình ảnh giàu sang, xa hoa trên mạng, bởi những quan niệm lệch lạc “tự do tài chính”, “làm ít mà vẫn nhiều tiền”, thì đã không cay đắng như ngày hôm nay.

Đọc thêm