Một số điểm mới giúp hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghị định số 95/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời đã có nhiều điểm mới nổi bật hơn so với Nghị định 162/2017, góp phần hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian tới...
Ảnh minh họa!
Ảnh minh họa!

Sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định 162/2017 của Chính phủ; bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Ngày 29/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2023 nhằm tiếp tục tăng cường bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, Nghị định cũng giúp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định có 13 điểm mới trong đó có 2 điểm được đặc biệt quan tâm:

Quy định mới về cơ sở sinh hoạt tôn giáo

Theo Nghị định 95/2023 đã sửa đổi và giải thích các từ ngữ này như sau: Công trình tín ngưỡng là công trình xây dựng theo quy định của pháp luật do: Cộng đồng cư dân đầu tư xây dựng để làm cơ sở tín ngưỡng; Cộng đồng cư dân đầu tư xây dựng để làm tượng đài, bia và tháp thuộc cơ sở tín ngưỡng; Dòng họ đầu tư để làm nhà thờ dòng họ.

Một lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tại TP Hồ Chí Minh.

Một lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tại TP Hồ Chí Minh.

Công trình tôn giáo là công trình xây dựng theo quy định của pháp luật do: Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đầu tư để làm cơ sở tôn giáo; Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đầu tư xây dựng để làm tượng đài, bia và tháp để làm cơ sở tôn giáo. Công trình phụ trợ là công trình xây dựng không sử dụng cho việc thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo gồm nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tường rào và các công trình tương tự khác trong khuôn viên cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp là văn bản, tài liệu về quyền sử dụng hợp pháp đối với đất đai, nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở và dân sự. Như vậy, theo quy định tại Nghị định 95/2023, cơ sở sinh hoạt tôn giáo không nhất thiết phải là của tôn giáo mà có thể là cơ sở, địa điểm mà tôn giáo thuê, mượn của người dân, tổ chức nào đó. Quy định về đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo Điều 12 Nghị định 95/2023 quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo khi vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể, những hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo bị cấm gồm: Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. Nghị định số 95/2023 cũng quy định căn cứ tính chất, mức độ vi phạm và khả năng khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ quan ra quyết định xác định thời hạn đình chỉ nhưng không quá 24 tháng. Quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên tổ chức, người đại diện, trụ sở tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; nguyên nhân đình chỉ; thời hạn đình chỉ; trách nhiệm khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc, bị đình chỉ. Thẩm quyền đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc là UBND cấp tỉnh đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh; Cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc khi nhận được quyết định đình chỉ phải dừng tất cả hoạt động tôn giáo và có trách nhiệm khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ trong thời gian bị đình chỉ.

Không được lợi dụng cơ sở tín ngưỡng để quyên góp trục lợi

Theo Điều 25 Nghị định 95/2023, hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc do Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức quyên góp để thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức quyên góp, trong đó nêu rõ mục đích, địa bàn, cách thức, thời gian quyên góp; phương thức quản lý và sử dụng tài sản được quyên góp.

Một buổi đi nghiên cứu tôn giáo tại An Giang của tác giả.

Một buổi đi nghiên cứu tôn giáo tại An Giang của tác giả.

Đối với trường hợp quyên góp trên địa bàn một xã, người đại diện hoặc bản quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo đến UBND cấp xã trước khi tổ chức quyên góp 5 ngày làm việc. Đối với trường hợp quyên góp trên địa bàn một huyện thông báo bằng văn bản trước 10 ngày làm việc đối với UBND cấp huyện. Đối với trường hợp quyên góp trên địa bàn một tỉnh, thông báo bằng văn bản trước 15 ngày làm việc đến UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Nghị định 95/2023 cũng quy định hoạt động quyên góp của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và không được lợi dụng danh nghĩa cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để quyên góp nhằm trục lợi hoặc trái mục đích quyên góp.