Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan. Thi hành án Hành chính là một trong những nội dung hoạt động của các cơ quan THADS. Trong các bản án, quyết định Hành chính của Tòa án có nhiều nội dung mà Tòa án có thể phán quyết theo thẩm quyền, chẳng hạn: Giữ nguyên hoặc hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính. Tuy nhiên không phải tất cả các nội dung phán quyết đều thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan THADS.
Điều 315 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án (về vụ án hành chính), bảo đảm việc thi hành bản án, quyết định kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật…”. Theo quy định này, khi kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (trừ trường hợp thi hành phần về tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính), VKSND có quyền kiến nghị mà không có quyền kháng nghị.
Tuy nhiên, do chưa có các quy định pháp luật hướng dẫn về nội dung này nên việc triển khai thực hiện trên thực tế gặp không ít khó khăn. Một số viện kiểm sát còn nhận thức chưa rõ về nhiệm vụ của cơ quan THADS trong thi hành án hành chính. Một số Viện kiểm sát vẫn nhầm lẫn giữa đôn đốc thi hành án hành chính và theo dõi thi hành án hành chính, có đơn vị đã ban hành kháng nghị khi cơ quan THADS không đôn đốc thi hành án hành chính.
Tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC quy định ủy quyền tham gia tố tụng hành chính như sau: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, quy định về thi hành án hành chính lại không quy định cụ thể về đối tượng được ủy quyền. Thực tế cho thấy, sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính, Chấp hành viên được phân công tiến hành làm việc với người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, nhưng thông thường Chủ tịch UBND ủy quyền cho lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thay mặt làm việc với Chấp hành viên. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng việc ủy quyền như vậy là chưa hợp lý, làm hạn chế hiệu quả thi hành án hành chính.
Từ những bất cập, vướng mắc nêu trên, cần bổ sung quy định tại Điều 309 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Điều 1 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định thêm thủ tục THAHC áp dụng đối với cả bản án dân sự, hình sự có nội dung tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật. Theo đó, phần hành chính trong các bản án, quyết định dân sự, hình sự cũng cần được thi hành theo thủ tục THAHC để đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả cho công tác thi hành án.
Cần phải sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ ràng hơn về công tác kiểm sát thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhằm bảo đảm hiệu quả của hoạt động này, ngăn chặn những hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích họp pháp của người được thi hành án trong hoạt động THAHC
Bên cạnh đó, cầnquy định rõ trách nhiệm của người không thi hành án, chậm thi hành án và có biện pháp xử lý nghiêm để đảm bảo kỷ cương trong bộ máy nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Đề nghị bổ sung các chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi không chấp hành án, cản trở việc thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định Hành chính. Có thể xem xét việc mở rộng các hình thức chế tài như: Đối với tổ chức, pháp nhân thương mại áp dụng biện pháp phạt tiền, tạm đình chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định hoặc tước giấy phép hoạt động của các cơ quan này. Đối với pháp nhân phi thương mại, quy định hình phạt tiền đối với tổ chức phạm tội và người đứng đầu tổ chức này sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong một khoảng thời gian nhất định…..