Nhìn chung cơ cấu tổ chức của Sở hiện nay đã được sắp xếp cơ bản tuân thủ theo quy định của Nghị định 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV Bộ Tư pháp – Bộ Nội vụ, theo đó, các Sở trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều thực hiện cơ cấu gồm Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và 6 phòng chuyên môn nghiệp vụ và các đơn vị sự nghiệp công.
Tuy nhiên, trong tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể và tên gọi các Phòng chuyên môn vẫn có sự không thống nhất như: Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thì hầu hết các Sở đều lấy tên như vậy, nhưng có Sở vẫn lấy tên là Phòng Văn bản pháp quy. Nhiều Sở còn tồn tại Phòng Tổ chức cán bộ, mặc dù theo quy định thì phù hợp nhưng thực sự thì không cần thiết bởi biên chế của Sở Tư pháp hầu hết là không lớn, không phức tạp.
Về chức năng, nhiệm vụ cũng có sự không thống nhất như: Nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có nơi giao cho Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), có nơi giao Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, có nơi lại giao Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật…
Việc không thống nhất như trên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó việc còn tồn tại nhiều đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả, tốn kém về ngân sách, biên chế, việc tuyển dụng viên chức rồi trưng tập về làm công chức, chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa trợ giúp pháp lý và PBGDPL vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa gây cản trở, giảm hiệu quả hoạt động của các tổ chức thuộc Sở…
Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, theo tôi đã đến lúc Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, UBND cấp tỉnh cần quan tâm thực hiện quyết liệt về sắp xếp tổ chức, bộ máy của Sở để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực chất, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng, theo đó: Chính phủ khi sửa Nghị định 24/2014/NĐ-CP và Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp khi sửa Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV phải thống nhất về số lượng, tên gọi các tổ chức thuộc Sở, không giao cho UBND cấp tỉnh quyết định (trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
Đảm bảo phù hợp với đặc thù địa phương và giảm được đầu mối, biên chế, theo đó: Đối với các tỉnh loại 1 và loại 2 sẽ có tổ chức Văn phòng Sở và Thanh tra Sở riêng cùng với không quá 5 phòng chuyên môn; đối với các tỉnh loại 3 thì hợp nhất Văn phòng và Thanh tra thành một tổ chức cùng với không quá 3 phòng chuyên môn, hợp nhất Phòng Tổ chức cán bộ vào Văn phòng Sở ở những nơi còn tồn tại phòng này.
Bên cạnh đó, yêu cầu các UBND cấp tỉnh khẩn trương điều chuyển chức năng kiểm soát thủ tục hành chính từ Sở về Văn phòng UBND cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ.
Thực hiện ngay, quyết liệt việc chuyển đổi mô hình hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công thuộc Sở, gồm các Phòng công chứng, Trung tâm bán đấu giá tài sản (Nội dung này có thể làm được ngay vì việc xã hội hóa đã được thực hiện thời gian qua và được đánh giá là tốt, là có hiệu quả).
Giải thể ngay các Chi nhánh Trung tâm Trợ giúp pháp lý không đủ điều kiện thành lập theo Luật Trợ giúp pháp lý mới. Chấn chỉnh hoạt động của Trung tâm thực hiện đúng quy định pháp luật tránh chồng chéo với hoạt động PBGDPL.
Về các tổ chức tham mưu tổng hợp và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể, Văn phòng Sở: Đổi tên thành Phòng Hành chính tổng hợp thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Sở hiện nay, công tác tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng…và công tác thanh tra đối với các tỉnh loại 3.
Các phòng có chức năng, nhiệm vụ có liên hệ gần nhau và vốn trước đó từ một phòng tách ra, thì cho sáp nhập lại: Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật sáp nhập và đổi tên thành Phòng Văn bản pháp luật thực hiện nhiệm vụ của hai phòng theo quy định hiện hành.
Phòng hành chính tư pháp và Phòng bổ trợ tư pháp sáp nhập và đổi tên thành Phòng hành chính tư pháp thực hiện nhiệm vụ của hai phòng theo quy định hiện hành.
Theo lộ trình cần xem xét việc sáp nhập Phòng PBGDPL và Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành một thực hiện nhiệm vụ PBGDPL và trợ giúp pháp lý và là phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở.