Báo Pháp luật Thường thức – những ngày đầu bỡ ngỡ
Nhớ lại thuở ban đầu của năm 1985 - ngày Báo Pháp luật Thường thức ra số đầu tiên phục vụ độc giả. Khi đó, báo chí nước ta đang sôi động và thu hút sự quan tâm của bạn đọc, với sự hiện diện của các “anh cả đỏ” như Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Báo Lao động… Báo ngành khi đó rất ít, báo thông tin về pháp luật thì lại càng hiếm hoi.
Với người dân những năm ấy, ngôn từ “pháp luật” gần như một “thánh địa” xa lạ với họ. Vì vậy, làm một tờ báo mang tính thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân quả thực là một điều khó và cũng là ước vọng của những người làm công tác tuyên truyền pháp luật.
Tôi năm đó mới từ Đài Tiếng nói Việt Nam sang, là thành viên của Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật và rất may mắn được ông Lê Sĩ - Vụ trưởng - giao nhiệm vụ viết đề cương thành lập báo.
Mở đầu bản đề cương, chúng tôi đề cập ngay mục đích, tôn chỉ và xác định đối tượng độc giả của báo. Chúng tôi bàn bạc rất kỹ và cuối cùng thống nhất với nhau lấy tên báo là “Pháp luật và Đời sống”, với 8 trang gồm các chuyên mục như: Tìm hiểu pháp luật; Giải đáp pháp luật; Văn học pháp lý (chủ yếu là câu chuyện vụ án)...
Với bản đề cương đó, chúng tôi đã trình ông Phan Hiền – Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc đó, rồi chúng tôi chuyển hồ sơ lên Ban Tuyên huấn Trung ương về việc Bộ Tư pháp xin ra tờ báo “Pháp luật và Đời sống”.
Ban Tuyên huấn Trung ương thì chấp thuận và cấp ngay giấy phép, nhưng lại phát sinh việc Bộ trưởng không nhất trí lấy tên báo là “Pháp luật và Đời sống” với lý do là “Pháp luật và Đời sống” quá rộng e rằng không kham nổi, vì lúc đó bộ phận được “cơ cấu” để làm báo thực ra chỉ có mấy người.
Bộ trưởng gợi ý: “Hay là ta lấy tên “Pháp luật Thường thức”. Chúng tôi lại làm công văn lần thứ hai xin đổi tên là “Pháp luật Thường thức”. Bộ trưởng lại nhắc: “Không được ghi địa chỉ trụ sở của Bộ” (lúc đó số 5 Ông Ích Khiêm). Nhưng dù sao khi nhận được quyết định lần thứ hai, chúng tôi ai nấy đều mừng, nhất là ông Lê Sĩ - lúc đó là Vụ trưởng kiêm Tổng Biên tập. Mừng nhiều, nhưng lo lắng cũng không ít…
Đầu tháng 4/1985, sau buổi giao ban cấp Bộ về (sau này chúng tôi được biết, buổi giao ban hôm ấy rất căng thẳng, nhiều ý kiến cho rằng Vụ Tuyên truyền không được ra báo, có người còn lấy mạng sống của mình để làm bằng chứng), ông Lê Sĩ gọi tôi vào phòng rồi trao đổi việc ra báo. Ông nói: “Anh tính toán xem ta có thể ra báo sớm hơn được không, hay là ta ra báo vào dịp 30/4 Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước…”.
Tôi suy ngẫm một lúc, sau đó nói quan điểm của mình: Chúng ta nên thận trọng để tôi chuẩn bị nội dung của 5 số báo, sau đó ta ra số 1 vào ngày 10/7, tôi tin rằng số đầu tiên ra mắt bạn đọc, bạn đọc ngỡ rằng Báo Pháp luật của ta chững chạc như đã có từ 3-5 tuổi. Ông Lê Sĩ nghiêm nét mặt: “Nhớ đấy nhé, tôi sẽ báo cáo ngay với lãnh đạo Bộ. Anh chuẩn bị nội dung 5 số báo để tôi trình Bộ duyệt”. Lúc đó, người duyệt nội dung 5 số báo là ông Phùng Văn Tửu – Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Nguyên do để có tờ báo Pháp luật Thường thức ra số đầu tiên vào ngày 10 tháng 7 năm 1985 là thế. Khi đã xác định được nội dung, chúng tôi nghĩ tới việc làm ma két. Nhờ ai đây? Cuối cùng chúng tôi tìm gặp ông Mai Anh ở Báo Tổ quốc, trao đổi về tính chất của Báo Pháp luật Thường thức phải có nét riêng, không giống bất kỳ tờ báo nào. Ông Mai Anh nhận lời và sau đó ít ngày hoàn tất việc làm ma két, chúng tôi chuyển qua Nhà in Báo Nhân dân.
Hôm báo in xong, cả tòa soạn tới cổng nhà in đón nhận số báo đầu tiên. Thế rồi, không phân biệt phóng viên hay biên tập viên, mỗi người nhận một vài trăm tờ báo đi giao cho các đại lý. Vừa làm báo, vừa bán báo là một kỷ niệm không thể nào quên đối với phóng viên, biên tập viên trong những ngày ban đầu của Báo Pháp luật Thường thức.
Chuyện về Báo Pháp luật Thường thức ra số đầu năm ấy thật khó khăn và vất vả. Nhưng quy tụ lại ai cũng thấy đó là một tập thể biết đoàn kết vì mục tiêu làm cho tờ báo sống được và đi vào lòng độc giả. Từ năm 1988-1989, báo đã hạch toán được và tờ báo bắt đầu mở rộng, in và phát hành trên toàn quốc, đặc biệt đã mở rộng phát hành ở TP.HCM. Thời điểm đó cũng là lúc tòa soạn quyết định nâng thành tuần báo và đổi măng séc Pháp luật Thường thức thành Pháp luật.
Báo Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam – tự tin khẳng định vị thế
Vào những năm tháng đó đã đổi mới về nội dung cũng như hình thức hay hơn và đẹp hơn, phù hợp với bạn đọc cả hai miền. Tôi còn nhớ, để có được măng séc Báo Pháp luật, tòa soạn đã mở một cuộc trưng cầu ý kiến, đưa ra 10 mẫu măng séc của các họa sĩ… Cuối cùng, măng séc Pháp luật do họa sĩ - giáo viên Trường Mỹ thuật Võ Tá Hùng thiết kế đã được lựa chọn sử dụng.
Cùng với sự đổi mới của cả nước, Báo Pháp luật đã cung cấp cho độc giả nói chung và những người làm công tác pháp lý nói riêng về những chủ trương, chính sách mới nhất của Đảng, những văn bản pháp luật của Nhà nước.
Nội dung nhiều bài viết đã phân tích, giải thích thấu đáo và chính xác, hướng dẫn và cổ động cán bộ, nhân dân sống và làm theo pháp luật. Bên cạnh đó, Báo cũng dành thời lượng thích đáng để đấu tranh, phê phán những hiện tượng vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng chống tham nhũng, hối lộ cũng như những hành vi tiêu cực khác.
Bám sát tôn chỉ, mục đích ban đầu, Báo Pháp luật đã không phụ lòng tin cậy, không để xảy ra hiện tượng chạy theo vụ việc giật gân câu khách hay thương mại hóa. Trên Báo Pháp luật, không chỉ bạn đọc tìm đọc những thông tin mới nhất về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa xã hội, mà đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật cũng tìm thấy những bài học kinh nghiệm hay trong việc thực thi pháp luật.
Sau đó, Báo Pháp luật đổi tên thành Báo Pháp luật Việt Nam. Đây là một mốc son đáng ghi nhận, một chặng đường mới không chỉ đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Pháp luật Việt Nam mà cả những cán bộ đã nghỉ hưu và cả những cán bộ đã đi xa… Ai nấy đều tự hào khi thấy đội ngũ những người làm Báo Pháp luật Việt Nam đông đảo hơn, trẻ trung, năng động, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị.
Báo Pháp luật Việt Nam giờ đây đã xuất bản hàng ngày trong tuần, đã cập nhật những sự kiện để phân tích, đánh giá mang tính pháp lý của vấn đề và có nhiều bài viết nêu thành bài học để cùng độc giả suy ngẫm. Đây cũng là nét đổi mới, nét đặc trưng của Báo Pháp luật Việt Nam.
Pháp luật Thường thức, Pháp luật và Pháp luật Việt Nam đó là 3 mốc son, 3 thời kỳ, 3 giai đoạn của 34 năm Báo Pháp luật Việt Nam trưởng thành và phát triển.
Nhà báo Vũ Duy Thiệu, nguyên là Trưởng Ban Thư ký Báo Pháp luật – tiền thân của Báo Pháp luật Việt Nam. Ông là người tham gia viết Đề cương thành lập Báo Pháp luật Thường thức – tên gọi đầu tiên của Báo thời điểm mới thành lập năm 1985.