Một vụ xô xát xảy ra từ tháng 9/2009 nhưng 5 tháng sau mới trưng cầu giám định thương tích, trong khi không có biên bản xác định dấu vết thân thể ngay sau khi xô xát. Dấu vết của hung khí không được xác định, nhưng cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát huyện Mê Linh vẫn buộc tội với nhiều dấu hiệu bị suy diễn.
Những chứng cứ gượng ép
VKSND huyện Mê Linh vừa có Cáo trạng số 93 ngày 14/9/2010 truy tố các bị can Hồ Văn Chanh và Hồ Văn Hải (thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh, Mê Linh) về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự (BLHS). Nhiều dấu hiệu cho thấy, từ một vụ việc rất đơn giản, nhưng các cơ quan tố tụng của huyện Mê Linh đã phức tạp hóa thành một vụ án với căn cứ buộc tội là những chứng cứ gián tiếp được “cột” lại bằng sự suy luận thiếu logic.
Vụ xô xát xảy ra ngày 11/9/2009 giữa gia đình ông Hồ Văn Chanh và gia đình ông Hoàng Văn Dũng, khiến cả ông Dũng và ông Hồ Văn Hải (em ông Chanh) đều bị thương. Tuy nhiên, đến đầu tháng 2/2010, tức là gần 5 tháng sau, việc giám định mới được tiến hành khi các vết thương đã lành, sẹo cũ và sẹo mới không còn phân biệt được.
Ngày 7/4/2010, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện Mê Linh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và bắt giam bị can. Trong đơn kiến nghị gửi VKSND huyện Mê Linh, Luật sư Lâm Vương Sơn - Trưởng VPLS Lâm Vương Sơn (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) cho rằng, quyết định khởi tố này là không có căn cứ bởi “Mặc dù kết quả giám định thương tích của ông Dũng là 27%, nhưng không xác định được vết sẹo mới hay cũ và có phải do các bị cáo gây nên hay do tác động nào khác, bởi thời gian xảy ra đã quá lâu, lại không có biên bản xem xét dấu vết thân thể của bị hại ngay sau khi xảy ra xô xát”.
Về tang vật được cho là hung khí gây thương tích, (CQĐT) thu nhận được 4 mẩu gạch có dính máu, nhưng lại không giám định kịp thời để xác định vết máu trên viên gạch là của ai, của Hoàng Văn Dũng hay của Hồ Văn Hải (Hải cũng bị chảy máu). Đó là còn chưa nói đến việc không có chứng cứ rằng ai cầm viên gạch nào ném hay đập vào ai.
Ngoài ra, theo kết luận điều tra và cáo trạng thì thương tích của bị hại Hoàng Văn Dũng là chấn thương đa điểm tại hơn chục vị trí, nhưng tại Sổ trực Y tế xã Tiến Thịnh ghi nhận tình trạng của nạn nhân ngay sau khi xô xát ngày 11/9/2009 thì ông Dũng chỉ bị chấn thương 2 điểm là “rách góc trán phải” và “khoảng 1cm mũi xây xát có chảy máu đường mũi”. Việc này dẫn đến nghi ngờ rằng kết quả thương tích đã giám định không hoàn toàn do vụ xô xát này gây ra…
Bắt giam thiếu căn cứ?
Một vấn đề khác về tố tụng trong vụ án này cũng cần được đề cập, đó là việc bắt giam các bị can. Theo Điều 79 và Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì các bị can trong vụ án này chỉ bị bắt giam khi có căn cứ rõ ràng cho thấy các bị can “có thể trốn hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội”.
Về vấn đề này, Luật sư Sơn cho biết: Quá trình từ khi xảy ra xô xát đến khi có đơn tố cáo của bị hại thì ông Chanh và gia đình không hề hay biết, không hề được thông báo về nội dung tố cáo theo đúng quy định. Viện kiểm sát huyện cũng không hề được Công an huyện báo cáo về việc xác minh tố cáo theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. “Bản thân Hồ Văn Chanh không biết mình đang bị “lặng lẽ” điều tra nên không thể có chuyện “có thể trốn, hoặc gây cản trở điều tra hoặc có thể tiếp tục phạm tội”.
Đột nhiên ngày 5/4/2010, CQĐT Công an huyện Mê Linh ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam Chanh trong khi bản thân Chanh không biết mình bị bắt vì cái gì. Ngày 25/6/2010, ông Hải cũng bị bắt”, LS Sơn nói. Như vậy, một vụ án không có tính chất nghiêm trọng, không có căn cứ để bắt giam nhưng hai anh em bị can Chanh, Hải vẫn bị bắt giam.
Được biết, cáo trạng đã được chuyển sang TAND huyện Mê Linh. Với những dấu hiệu bất thường trên, thiết nghĩ các cơ quan tố tụng cấp trên cần sớm vào cuộc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Tuấn Đinh