- Thưa luật sư, xin luật sư cho biết quy trình thực hiện việc cắm mốc giới được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ theo Quyết định số 592/1999 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ngày 12 tháng 3 năm 1999 thì: Việc cắm mốc giới giải phóng mặt bằng phải đáp ứng những quy định pháp luật như: đối với các công trình đi qua khu vực đông dân cư thì khoảng cách tổi thiểu là 1,5 m; 3,0 – 7,0 m đối với công trình cầu. Đi qua đất nông lâm, ngư nghiệp là 7 m đối với công trình cầu.
Mặt khác, căn cứ theo quy định tại Điều 40 Nghị định 08/2005 của Chính phủ về việc quy hoạch xây dựng ngày 24/01/2005 thì việc thực hiện cắm mốc giới xây dựng ngoài thực địa sẽ được căn cứ vào hồ sơ mốc giới được duyệt. Việc cắm mốc giới xây dựng ngoài thực địa bao gồm: chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, ranh giới các vùng cấm xây dựng. Chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày quy hoạch xây dựng được công bố thì việc cắm mốc giới phải được hoàn thành.
Như vậy, chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày quy hoạch xây dựng được công bố, thì việc cắm mốc giới phải được hoàn thành. Các yếu tố kỹ thuật như chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, các vùng cấm xây dựng cũng phải được công bố.
Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình kỹ thuật hạ tầng, không gian công cộng khác.
Căn cứ vào bản thiết kế kỹ thuật cầu Văn Phương được phê duyệt kèm theo quyết định 427/2006 của UBND huyện Chương Mỹ, thì gia đình ông Lợi chỉ bị thu hồi một phần diện tích đất từ mép vườn phía tây tới chân tường nhà cấp 4. Tuy nhiên, theo bản đồ thu hồi đất do Ban giải phóng mặt bằng huyện Chương Mỹ cung cấp thì phần diện tích đất gia đình ông Lợi bị thu hồi đi thẳng vào giữa căn nhà cấp 4, chia đôi phần diện tích nhà ông đang sử dụng làm 2 phần. Vì vậy mới dẫn tới những khiếu nại của gia đình ông từ trước cho tới nay. Hành vi làm sai lệch chỉ giới đường đỏ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống gia đình ông Lợi, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.
Luật sư Trương Quốc Hòe. |
-Không có chỉ giới đường đỏ trong dự án xây dựng cầu là vi phạm pháp luật?
Căn cứ vào Điều 40 Nghị định 08/2005 của Chính phủ về việc quy hoạch xây dựng ngày 24/01/2005, thì chỉ giới đường đỏ là một trong những yếu tố cần thiết của dự án xây dựng. Cụ thể ở đây theo tôi biết thì dự án xây dựng Cầu Văn Phương không có chỉ giới đường đỏ, như vậy là vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về xây dựng.
Trong trường hợp người dân nghi ngờ có dấu hiện sai phạm trong việc cắm mốc giới, thì họ có thể tìm đến cơ quan nào để được cung cấp hồ sơ làm rõ vụ việc?
Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Nghị định 08/2005 thì người dân có thể gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp huyện. UBND cấp huyện phải có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, yêu cầu cơ quan xây dựng có thẩm quyền xử lý và cung cấp các thông tin trong vòng 20 ngày làm việc cho người dân.
Đối với trường hợp của gia đình ông Lợi, khi nghi ngờ có dấu hiệu sai phạm trong việc cắm mốc giới, gia đình ông sẽ gửi đơn đến Ủy ban dân huyện Chương Mỹ. Sau đó, Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ phải có yêu cầu tới Ban quản lý dự án giao thông 1 cung cấp thông tin liên quan tới chỉ giới đường đỏ của công trình xây dựng Cầu Văn Phương.
Tuy nhiên, trên thực tế tôi được biết, gia đình ông Lợi đã nhiều lần làm đơn yêu cầu UBND huyện Chương Mỹ cung cấp các số liệu liên quan tới chỉ giới đường đỏ của dự án Cầu Văn Phương nhưng gia đình ông vẫn chưa nhận được phản hồi nào. Mặt khác, sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần hai Quyết định 2748/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, gia đình ông đang hoàn thành hồ sơ để khởi kiện quyết định 2748 và các số liệu liên quan tới chỉ giới đường đỏ là một trong những dữ liệu quan trọng. Việc không cung cấp số liệu trên ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.
- Xin luật sư cho biết hành vi cắm mốc giới sai với thiết kế đã được phê duyệt sẽ bị xử lý như thế nào?
Nếu có hành vi cố tình cắm mốc giới sai so với thiết kế thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã vi phạm nghiệm trọng các quy định về pháp luật đất đai và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 140, Điều 141 Luật đất đai năm 2003.
Mặt khác, căn cứ theo khoản 5 Điều 40 Nghị định 08/2005: người có hành vi cắm mốc giới sai với bản vẽ thiết kế kỹ thuật thì căn cứ theo tính chất, mức độ vi phạm thì sẽ bị xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật.
Việc cắm mốc giới giải phóng mặt bằng sai so với bản thiết kế kỹ thuật công trình gây ảnh hưởng tới gia đình ông Lợi cũng như các gia đình xung quanh. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích chính đáng của gia đình ông Lợi theo đúng quy định pháp luật, tôi kiến nghị: Tạm dừng việc cưỡng chế để xem xét giải quyết trường hợp của nhà ông Lợi theo đúng các quy định của pháp luật. Hành vi cắm mốc giới trên đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự do đó tôi kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật./.