Mua bán tiền giả qua mạng: Coi chừng tiền mất, tội mang!

(PLO) - Trên mạng xã hội bây giờ, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những lời rao bán, mời gọi mua tiền giả với lượng tiền thật “giá bất ngờ” hấp dẫn.  Tiền giả chủ yếu ở mệnh giá 200.000 và 500.000 đồng. Nhưng phần lớn các đối tượng rao bán như vậy hòng lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin rồi “cao chạy xa bay”…
Một quảng cáo rao bán tiền giả trên mạng
Tiền giả và những lời khuyên “thật”
Chỉ cần vài cái click chuột, mạng xã hội facebook sẽ cho ra ngay rất nhiều trang rao bán tiền giả. Từ nhóm công khai đến nhóm kín, tất cả mọi hoạt động mua bán ở đấy đều diễn ra rất sôi nổi và nhộn nhịp. Theo đó, tiền giả được rao bán với giá khá là “hậu hĩnh”. 
Facebooker Phông Trần quảng cáo: “Mình đang bán tiền giả 3 loại gồm 100k, 200k và 500k. Loại 100k 5 triệu tiền giả bằng 1,5 triệu tiền thật, loại 200 ngàn đồng thì 5 triệu tiền giả bằng 1,7 triệu đồng tiền thật và loại 500k thì 5 triệu tiền giả bằng 1,3 triệu tiền thật nguyên liệu Polyme. Anh em nào cần, nhắn tin mình nhé!”. 
Hay như facebooker Hòa Trần quảng cáo: “Lô tiền mới về hôm nay, in giống đến 91% tiền thật từ polyme đến mực in. Dây bảo hiểm đủ cả, sờ vào ráp như tiền thật, xé thoải mái. Chỉ phát hiện nếu soi qua máy chuyên dụng. Ai có nhu cầu liên hệ”.
Nếu ngỏ ý muốn mua hàng, bạn sẽ được các chủ hàng hướng dẫn cách thức mua hàng rất tinh vi và nhanh gọn. Điểm chung của những đối tượng bán tiền giả là họ đều khẳng định tiền giả của mình thật đến... 100%. Họ cũng sẽ “thành thật khuyên nhủ” những người mua hết sức nhiệt tình như: “Mua mỗi lần một ít thôi, tốt nhất nên dùng ở vùng quê, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đừng cầm một lúc nhiều tiền giả trong người, và đừng tiêu ở các siêu thị, trung tâm thương mại”.
Điểm đáng lo ngại nhất có lẽ là các đối tượng bán tiền giả không chỉ không hề ngần ngại quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội mà bất cứ ai vào bình luận, hỏi han cách mua họ cũng đều có thể thản nhiên trả lời mà không hề mảy may sợ hãi vì những điều mình đang làm là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Coi chừng tiền mất, tội mang
Chiêu trò “rẻ và thật” của các đối tượng bán tiền giả kích thích đúng tâm lí của những người có ít tiền nhưng lại thích tiêu nhiều. Nhiều khách hàng không hề phát hiện ra việc các đối tượng bán tiền giả không bao giờ chụp cận cảnh tiền giả hoặc gửi cho khách hàng mẫu tiền giả được rao bán. Phần lớn hình ảnh chụp trên mạng là hình tiền thật. Các đối tượng lừa đảo chỉ chờ những người nhẹ dạ cả tin giao tiền thật rồi “cao chạy xa bay” chứ không hề có tiền giả để bán.
Thông thường, khi mua hàng trên mạng, phải thanh toán trước 50% rồi sau đó hoặc trong khi nhận hàng thì sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại. Nhưng không ít người đã bị lừa mất cả số tiền đặt cọc này, như anh A. một “khách hàng”  đã chia sẻ với phóng viên: “Tôi bị chủ tài khoản lừa đảo, họ bảo tôi chuyển khoản trước 50% sau đó nhận hàng rồi thanh toán tiếp. Thế nhưng, khi tôi chuyển khoản xong gọi điện giục chuyển hàng thì người ta bảo đang đi đám ma, trưa về gọi. Trưa về gọi thì thuê bao tắt, tối gọi thì kêu lộn số. Thế là mất số tiền đặt cọc”. 
Cũng có những đối tượng bán tiền giả chỉ nhận thanh toán bằng thẻ điện thoại hoặc thẻ game. Và đã rất nhiều người bị lừa qua hình thức này. T.L một người đã từng tham gia trang “Mua bán tiền giả uy tín chất lượng” cho biết: “Họ kêu mua thẻ game gửi qua tin nhắn rồi chiều sẽ có người giao hàng tận nơi. Nhưng vừa mời gửi xong mã thẻ, 15 phút sau gọi đã thấy thuê bao tắt”.  
Tiền giả vẫn được rao bán đầy rẫy trên mạng, người mua vẫn cứ mua, người bị lừa vẫn cứ bị lừa mà chưa hề có dấu hiệu sẽ bị ngăn chặn hoặc giảm đi. Do đó, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn việc làm vi phạm pháp luật này. 
Hoạt động kinh doanh, buôn bán tiền giả là một loại hình tội phạm nghiêm trọng, nguy hiểm, bất chấp lương tâm và luật pháp đã có những mức án thích đáng dành cho loại tội phạm này. Theo quy định tại điều 180 Bộ luật Hình sự về “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả” thì người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Nếu phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị có thể bị tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Không chỉ người bán mà người mua tiền giả với mục đích lưu hành cũng vi phạm pháp luật và có thể bị kết án từ 3 năm tới 7 năm tù theo pháp luật hình sự.

Đọc thêm