Mua cổ phần DNNN: Phải duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu ít nhất 3 năm

(PLO) - Thay vì ràng buộc không được bán cổ phiếu trong vòng 05 năm, theo Nghị định  126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và Công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (CTCP) có hiệu lực từ 1/1/2018, thời hạn này là 3 năm nhưng bù lại nhà đầu tư chiến lược (NĐTCL) phải cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN cổ phần hóa (CPH) trong thời gian ít nhất 3 năm.
NĐTCL quan tâm đển mảnh đất “vàng” của Hãng phim truyện Việt Nam hơn là lĩnh vực hoạt động và thương hiệu của hãng phim này

Nghị định  126/2017/NĐ-CP được Chính phủ  ban hành ngày 16/11/2017 thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015). Nghị định gồm 07 Chương và 50 Điều, 02 Phụ lục  có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định này căn cứ các chủ trương của Đảng, văn bản QPPL mới được ban hành (Luật DN năm 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN), và qua tổng kết tình hình triển khai công tác CPH thời gian qua và để chuẩn bị cho các DNNN CPH trong giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg sẽ có 137 DNNN thuộc các ngành, lĩnh vực khác thực hiện CPH). Theo đó, Nghị định  126/2017/NĐ-CP có nhiều nội dung mới tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến CPH DNNN trong thời gian vừa qua.

Liên quan đến NĐTCL mà nổi lên là câu chuyện CPH Hãng Phim truyện Việt Nam trong năm vừa qua, Nghị định  126/2017/NĐ-CP đã điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với DN CPH.. 

Cụ thể, theo quy định cũ, NĐTCL mua cổ phần tại DN CPH có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho DN nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 05 năm dẫn tới quyền lợi của các NĐTCL bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện. Việc bán cổ phần cho NĐTCL có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng với tiêu chí lựa chọn NĐTCL do Ban chỉ đạo CPH trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án CPH  phê duyệt chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước. 

Để khắc phục hạn chế trên, Nghị định mới quy định rõ tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Theo đó, nhà đầu tư đăng ký trở thành NĐTCL phải có các điều kiện như:  Có đủ tư cách pháp nhân; Có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động SXKD 02 năm gần nhất phải có lãi, không có lỗ lũy kế; Có cam kết bằng văn bản khi đăng ký trở thành NĐTCL trong việc: tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất 3năm; Không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm; có phương án hỗ trợ DN sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, ...; các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký. 

Nghị định  cũng quy định rõ quy trình bán cổ phần cho NĐTCL, việc bán cổ phần cho NĐTCL phải thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai và phải  hoàn thành trước thời điểm Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển DN thành CTCP và. Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho NĐTCL chỉ áp dụng đối với các DN thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi CPH theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Những quy định mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc liên quan đến việc DN thu hút NĐTCL để phát triển tốt hơn sau CPH. 

Đọc thêm