Lập chiến lũy trên đường phố Thủ đô
Lập chiến lũy trên đường phố Thủ đô

Mùa đông năm 1946: Thời khắc lịch sử toàn quốc kháng chiến

(PLO) - Hà Nội được coi là chiến trường trung tâm của cả nước khi nổ ra kháng chiến, lại ở gần Bộ trong suốt quá trình chuẩn bị chiến đấu nên có điều kiện tiếp thu sự chỉ đạo trực tiếp của trên. 
Những ngày sôi sục căm thù
Qua hai tháng, Hà Nội cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị theo tinh thần không để bị bất ngờ, nếu địch đánh trước có thể quật lại ngay và phát huy được cả hai lực lượng Vệ quốc đoàn và Tự vệ thành, tiêu hao và giam chân địch càng lâu càng tốt, không cho chúng đánh rộng ra ngay từ những ngày đầu, đồng thời phải bảo toàn và phát triển lực lượng để đánh lâu dài.
Ngày 14/12, Tổng Chỉ huy và Tổng Tham mưu trưởng cùng một số cán bộ tham mưu làm việc với Bộ Chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội. Đồng chí Vương Thừa Vũ báo cáo kế hoạch sử dụng lực lượng tiến công, bao vây của 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn và lực lượng Tự vệ thành; tiếp đó, Khu trưởng Khu 11 Vương Thừa Vũ báo cáo kế hoạch tổ chức đánh lâu dài ở Liên khu 1, kế hoạch bảo đảm vật chất, trang bị, việc tổ chức mạng thông tin và kế hoạch lui quân ra khỏi thành phố khi có lệnh... Khu trưởng cũng giới thiệu những biện pháp cụ thể được áp dụng để ngăn chặn địch trong thành phố như lập chướng ngại, đục tường, ngả cây, lật tàu điện, tàu hoả...
Tổng Chỉ huy và Tổng Tham mưu trưởng căn dặn Bộ Chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội việc động viên và bảo vệ tính mạng của nhân dân tản cư ra khỏi thành phố; đồng thời tìm mọi biện pháp bảo vệ tính mạng cho những người vì lý do nào đó mà còn ở lại. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chuyển lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Đảng ủy Khu Hà Nội và Bộ Tư lệnh Đặc khu 11 cố gắng lãnh đạo và chỉ huy quân dân Thủ đô cố giữ vững trong một tháng. Nhưng nếu đánh tốt, tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, phát triển được lực lượng ta thì giữ được càng lâu càng tốt. Đây không chỉ là mục đích quân sự mà còn là yêu cầu chính trị, tinh thần rất lớn, rất quan trọng đối với toàn quân, toàn dân từ Nam chí Bắc.
Trung tuần tháng 12, quân Pháp liên tục có những vụ vi phạm trắng trợn có chủ định. Chúng thảm sát đồng bào ta ở Yên Ninh - Hàng Bún; cho xe tăng, xe bọc thép siết bánh trên đường phố Thủ đô để uy hiếp ta; Moóc-lie và Xanh-tơ-ni đưa ra những bức tối hậu thư đầy giọng ngạo mạn... Những sự việc liên tiếp xảy ra như đang thử thách lòng kiên trì của ta cố gắng tranh thủ từng ngày để hoàn tất công tác chuẩn bị kháng chiến với khả năng cao nhất. Những hành động khiêu khích gây chiến của quân Pháp khiến mọi người trong cơ quan Tham mưu Cục biết rằng thời điểm lịch sử tất yếu sắp đến. Mọi người bình tĩnh chờ đợi và bộ máy chỉ huy, từ tác chiến, tình báo đến thông tin, mật mã đã hoạt động với nhịp độ khẩn trương nhất.
Trước khi xảy ra những vụ khiêu khích của quân Pháp ở Hà Nội, bộ phận mật mã cùng cơ quan Tham mưu Cục đã chuyển xuống ấp Thái Hà. Phòng Thông tin liên lạc chuyển tổng đài nhỏ và dây, máy về địa điểm trên, lập mạng điện thoại nội bộ của các cơ quan quân sự; đồng thời cử người đến Trung tâm bưu điện Hà Nội, đặt đường dây cho Tham mưu Cục qua tổng đài Bờ Hồ... để Bộ có thể theo dõi, nắm tình hình hàng ngày của các chiến khu và các tỉnh...
Tiếp đó, Bộ Quốc phòng quyết định cho thành lập ngay Ban liên lạc đặc biệt với nhiệm vụ chuyển công văn hoả tốc từ các cơ quan Trung ương của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy về các chiến khu, các tỉnh. Mỗi chiến sĩ hoả tốc của Ban được cấp một “thẻ bài cấp tốc” in hình mũi tên vàng trên nền đỏ. Anh em có thể đi lại trên mọi tuyến đường, sử dụng mọi phương tiện xe cộ, thuyền bè phục vụ khi làm nhiệm vụ.
Trong hai ngày 17 và 18/12, tại Vạn Phúc - Hà Đông, Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên quy mô cả nước. Đây là quyết định sáng suốt, kịp thời của Đảng ta...
Thường vụ Trung ương Đảng cũng chỉ thị kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu lần cuối... Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang... Sáng 19, thực dân Pháp gửi tiếp cho ta một tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ, đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến và để chúng giữ trật tự trong thành phố... 
Được lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, Phòng Thông tin liên lạc báo cho điện đài các chiến khu từ giờ phút này liên tục mở máy, sẵn sàng chờ lệnh! Chấp hành nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng Chỉ huy đã ra lệnh nổ súng đồng loạt tiến công quân Pháp vào tối 19. Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị cho bộ phận mật mã và thông tin bố trí người, phương tiện sẵn sàng nhận điện và chuyển điện đi bất cứ lúc nào. 
Hà Nội mùa đông 1946
Hà Nội mùa đông 1946
Cả nước chuẩn bị 
kháng chiến
Sáng ngày 19/12, hai nhân viên mật mã được lệnh mang hết tài liệu và đồ đạc cá nhân đến một căn phòng nhỏ trong ấp Thái Hà sẵn sàng nhận lệnh. Hai người ăn nghỉ tại chỗ, bên ngoài có hai chiến sĩ bảo vệ. Khoảng 8 giờ sáng, đồng chí Hồ Tôn Vinh, tổ trưởng đảng bộ phận mật mã đến trao cho hai đồng chí một bức điện có chữ kí của Tổng Tham mưu trưởng ghi bên lề phía trên bên trái: “Cần điện gấp”. 
Bức điện được mã hóa với tốc độ nhanh nhất và chuyển ngay đến đài thông tin vô tuyến điện ở gần đấy. Bức điện có nội dung như sau: “Gửi các mặt trận và các khu.Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ và công an ta. Chính phủ đã bác bức tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: Tất cả hãy sẵn sàng”. 
Tiếp theo là bức điện thứ hai gửi các khu 1, 2, 3, 4, 11, Đà Nẵng nội dung như sau: “Chuyến hàng sẽ đến 18 giờ ngày 21/12. Hàng mang mã hiệu A+2 và B-2. Chú ý theo dõi đón hàng đúng giờ”. Bức điện không có người ký tên. Mọi điều quy ước đã được thống nhất giữa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng với các chỉ huy trưởng các chiến khu. 
Sau này được biết, theo quy ước đó thì A là giờ, B là ngày. A+2 tức là 18 giờ + 2 = 20 giờ. B-2 là ngày 21/2, tức là ngày19. Như vậy theo bức điện, lệnh nổ súng vào 20 giờ ngày 19/12. Giờ đó và ngày đó sau này đã đi vào lịch sử dân tộc ta, đánh dấu bước ngoặt mới trong công cuộc giải phóng dân tộc, bước ngoặt chuyển từ tạm thời hoà hoãn sang kháng chiến lâu dài.
Cả nước nhất tề hướng về Hà Nội, cùng sẵn sàng với Hà Nội. Những công việc chuẩn bị kháng chiến cuối cùng được gấp rút hoàn thành. Tất cả chỉ còn chờ một tín hiệu, một mệnh lệnh phát ra.
Đúng 18 giờ ngày 19/12/1946,  cả guồng máy thông tin chuyển động mạnh. Khu Trung tâm thu phát vô tuyến điện, tất cả các ma níp đều nhịp nhàng nhả tín hiệu... Cùng thời gian, chiếc ô tô con màu vàng đưa đồng chí Nguyễn Doanh Lộc, liên lạc viên của Tham mưu Cục từ ấp Thái Hà vào nội thành. Lúc này, anh chị em điện tín và điện thính của Sở vẫn nghiêm chỉnh ngồi tại vị trí, sẵn sàng đợi nhiệm vụ. Đây đó, tiếng súng từ trong các vị trí của Pháp bắn ra, dội lên trên bầu trời Hà Nội vắng lặng. 
Không khí đã căng như sợi dây đàn. Nhận phong bì công văn có dấu niêm phong của Bộ Quốc phòng từ tay Nguyễn Danh Lộc, linh tính báo cho đồng chí trưởng ca biết: Giờ phút vô cùng hệ trọng đã điểm. Anh cố giữ cho khỏi xúc động, bóc phong bì, rồi ra lệnh cho kíp phát tín: “Đánh cùng một lúc cho tất cả các đơn vị”. Theo bàn tay ma níp thành thạo, những tín hiệu truyền trong dây đến các chiến khu, các tỉnh trên toàn quốc. 
Và từ những tín hiệu đó, qua những ngòi bút chì mã dịch, hiện dần trên trang giấy bức điện của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến! Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc và dân quân tự vệ Trung, Nam, Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận, giết giặc cứu nước. Hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng! Tiêu diệt bọn thực dân Pháp. Quyết chiến ! ”... 
Ngoài ra, để bảo đảm các nơi có thể kịp thời nhận lệnh nổ súng, ta quy ước khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát câu: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Xin trân trọng mời đồng bào cả nước nghe lời Hồ Chủ tịch” là tín hiệu tổng tiến công. Đúng 20 giờ ngày 19/12, Đài Tiếng nói Việt Nam phát tín hiệu trên. 
Gần 20 giờ ngày 19/12, chiếc xe Pho Vê-uýt (Ford V8) qua sông Mai Lĩnh đã lên tới bờ. Một cán bộ dáng người tầm thước nghiêm trang ra khỏi xe, vẫy tay ra hiệu cho cả đoàn dừng theo. Đó là đồng chí Tổng Chỉ huy và đoàn cán bộ của Tham mưu Cục đang di chuyển tới Sở chỉ huy mới, lúc này đã chuyển về Chương Mỹ (Hà Đông). Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đứng trên núi Trầm bên dòng sông Mai Lĩnh (sông Đáy) nhìn về phía Hà Nội chờ tín hiệu nổ súng của quân và dân ta. 
Các đồng chí cán bộ, chiến sĩ các cơ quan tác chiến, thông tin, mật mã nóng lòng chờ đợi kết quả của mình trong việc phục vụ truyền đạt mệnh lệnh chỉ huy nổ súng đánh địch. Tất cả đều im lặng quay hướng Thủ đô. Đúng 20 giờ, ánh sáng đèn điện trên bầu trời Hà Nội vụt tắt. Hàng loạt đạn vang lên từ các pháo đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo... giội vào đầu giặc Pháp ở các điểm chiếm đóng của chúng trong thành phố. 
Hà Nội mở màn nổ súng kháng chiến, toàn quốc nổ súng kháng chiến. Lúc ấy là 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946. Nhìn đồng hồ, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp không khỏi xúc động nói với đồng chí liên lạc đứng bên cạnh: “Rất đúng giờ! chính xác, kịp thời.”…

Đọc thêm