Nơi gìn giữ và phát huy giá trị Di chúc Hồ Chí Minh

(PLO) - Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, theo nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng về Người. 
Toàn cảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội
Toàn cảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội
Bảo tàng Hồ Chí Minh được thành lập có chức năng gìn giữ, bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghiên cứu và giáo dục tuyên truyền thông qua hiện vật, di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di chúc Bác Hồ - tài liệu đặc biệt
Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc vô cùng quý giá. Sau khi được công bố, Di chúc của Bác tạo nên niềm xúc động và cảm phục sâu sắc chưa từng có đối với toàn thể nhân dân Việt Nam và bạn bè khắp năm châu, trở thành nguồn cổ vũ lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa đất nước ta vượt qua những khó khăn, thử thách để vững bước tiến lên. 
Với ý nghĩa lớn lao ấy, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị nội dung trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di chúc Bác Hồ đã được các nhà khoa học và các nhà bảo tàng học xác định là một trong những tài liệu trọng tâm, cần được nghiên cứu sâu cả về nội dung và hình thức văn bản để có giải pháp trưng bày phù hợp. Khảo sát thực tế trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy, Di chúc Bác Hồ hiện đang được trưng bày tại nhiều vị trí trang trọng, với những ý tưởng trưng bày độc đáo, trong đó có 3 vị trí trên đai trưng bày (2 vị trí ở Chủ đề VII, 1 vị trí ở Chủ đề VIII) và một vị trí trưng bày trong tuốcníckê (cuối Chủ đề VII). 
Dưới góc độ bảo tàng học, bản Di chúc của Bác Hồ được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh lại thêm một minh chứng chứng minh rằng, chính bản thân hiện vật bảo tàng là “ngôn ngữ”, là tiếng nói của bảo tàng, còn những yếu tố khác sẽ góp phần làm cho “tiếng nói” ấy được truyền tốt hơn đến khách tham quan. 
Ưu điểm lớn nhất của Bảo tàng Hồ Chí Minh khi trưng bày Di chúc Bác Hồ là mặc dù không trưng bày bản gốc (hiện lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng) nhưng các nhà xây dựng bảo tàng đã đưa ra được những bản trưng bày hợp lý, ở những vị trí trưng bày thích hợp, nhờ đó khách tham quan không những thấy được nội dung mà cả hình ảnh chân thực bút tích của Bác Hồ trong bản Di chúc. 
Đặc biệt, ở vị trí trưng bày những ngày cuối đời của Bác Hồ, Di chúc được trưng bày là bản Bác viết bổ sung năm 1968, tuy không phải là bản gốc nhưng nhờ kỹ thuật photo màu, khách tham quan cũng thấy được hình ảnh xác thực bút tích của Bác Hồ - yếu tố gây một ấn tượng lớn thu hút khách tham quan. 
Ưu điểm thứ hai của trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là giải pháp mỹ thuật để trưng bày Di chúc Bác Hồ không những không lấn át hình thức và nội dung của bản Di chúc mà còn làm tăng thêm giá trị ý nghĩa của Di chúc. 
Ưu điểm thứ ba của trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là Di chúc Bác Hồ được trưng bày ở nhiều vị trí khác nhau, tạo điều kiện để nhiều khách tham quan có thể cùng một lúc nghiên cứu, tìm hiểu Di chúc của Người. Nhờ đó, công tác tuyên truyền giáo dục ở Bảo tàng Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả nhanh hơn. Điều đó cũng thể hiện sự nhận thức đúng đắn của những người làm công tác trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Có thể nói, giải pháp trưng bày bản Di chúc của Bác ở bảo tàng hiện nay là kết quả của sự tìm tòi, sáng tạo thể hiện ý nghĩa bất hủ của tài liệu này. Bản Di chúc đã kết nối giữa phần trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sự kiện lịch sử đang diễn ra trên đất nước ta, với công cuộc đổi mới của nhân dân ta phấn đấu thực hiện Di chúc Bác Hồ. 
Được tận mắt nhìn thấy từng nét chữ, từng lời dặn trong Di chúc, tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Bác được nhân lên gấp bội. Cùng với các tài liệu, hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, bản Di chúc đã góp phần quan trọng làm cho khách tới tham quan bảo tàng ngày một đông hơn. Càng hiểu thêm về Bác, chúng ta càng thêm tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng mà Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. 
Phát huy giá trị Di chúc Hồ Chí Minh
45 năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc Bác Hồ, các thế hệ cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh rất vinh dự được làm nhiệm vụ trực tiếp gìn giữ, bảo quản di sản của Bác, nghiên cứu, giới thiệu tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Người tới nhân dân và bạn bè quốc tế. Trong công việc hàng ngày, các cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn tìm thấy trong di sản Bác Hồ để lại những tư tưởng lớn lao, những tình cảm thiết tha và niềm tin sâu sắc của Người gửi lại cho chúng ta. Từ những ngày đầu chuẩn bị mọi mặt để xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu để giới thiệu ý nghĩa và nội dung sâu sắc của bản Di chúc luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng. 
24 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón bao lượt đồng bào trong nước và khách quốc tế tới tham quan và nghiên cứu, đảm bảo hiệu quả cao trong nghiên cứu và tuyên truyền tiểu sử, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng năm, nhiều triển lãm chuyên đề được trưng bày phục vụ việc tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh và những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đạt được trong việc học tập và làm theo Di chúc của Người. 
24 năm qua, hàng triệu lượt người đã được đọc Di chúc, suy ngẫm những lời Bác dặn cho Đảng, cho đất nước và cũng là cho chính mỗi người. Những trang bút tích ấy, dù Người đã đi xa mà vẫn ngày ngày có sức động viên, định hướng cho hành động của mỗi người đọc, thật gần gũi và thiêng liêng. 
Những người bạn quốc tế đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới Di chúc. Nhiều khách nước ngoài rất xúc động khi được nghe giới thiệu nội dung Di chúc và những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong những năm tháng thực hiện di huấn của Hồ Chí Minh. Các bạn nhận thức rõ giá trị của tác phẩm bất hủ này và bày tỏ niềm tin nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi những ước nguyện thiêng liêng của Bác Hồ. 
Tuyên truyền thực hiện Di chúc của Bác Hồ là tuyên truyền tư tưởng của Người được thể hiện trong Di chúc và tuyên truyền tư tưởng của Người về mỗi vấn đề Người nêu trong Di chúc kết hợp với việc tuyên truyền về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Bởi vì, những vấn đề lớn mà Người dặn trong Di chúc là những vấn đề mấu chốt của cách mạng Việt Nam mà Người đã phấn đấu thực hiện trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Qua tuyên truyền, mỗi người hiểu được cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, soi vào tấm gương của Bác, họ không thể không tự liên hệ về mình, nhận thấy trách nhiệm của mình. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ tin cậy trong giảng dạy, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thiết thực và hiệu quả. 
Công tác tuyên truyền thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm qua tại Bảo tàng đã gắn được nhiệm vụ tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; những chủ đề được lựa chọn để tuyên truyền đều cập nhật và bám sát với tình hình thời sự và nhiệm vụ chính trị tại các thời điểm quan trọng; những hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhất là những cuộc triển lãm, hội thảo mang ý nghĩa lớn. 
Gần đây nhất, Bảo tàng đã tổ chức triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý trong đợt vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bảo tàng đã ba lần tổ chức Hội thảo khoa học về thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh vào các năm 1999, 2009 và mới đây ngày 29/8/2014, Hội thảo khoa học và triển lãm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Để phục vụ công tác tuyên truyền Di chúc đạt hiệu quả cao, chất lượng tốt, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chú ý tiến hành các khâu công tác nghiệp vụ khác và đã đạt được những kết quả đáng kể. Bảo tàng đã tổ chức sưu tầm tiếp nhận hàng trăm tài liệu, hiện vật bổ sung thường xuyên cho các phần trưng bày với nội dung cả nước thực hiện Di chúc Bác Hồ. 
Qua đó, Bảo tàng tiến hành chỉnh lý, nâng cao chất lượng về nội dung và mỹ thuật các phần trưng bày tăng tính sinh động, hấp dẫn trên trưng bày, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về sự cảm nhận văn hóa của người tham quan, nghiên cứu. Kết quả của những hoạt động trên đã tạo cho công tác tuyên truyền thực hiện Di chúc Bác Hồ tại Bảo tàng những cơ sở vững chắc để tổ chức phong phú các hình thức, mở rộng đối tượng tuyên truyền và đạt hiệu quả thiết thực. 
Trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh có nhiều ưu điểm, nhưng cũng còn những hạn chế nhất định, trong đó có việc trưng bày Di chúc Bác Hồ. Trong thời gian sắp tới, Bảo tàng xây dựng kế hoạch cho việc bổ sung không gian Bác Hồ viết Di chúc trong hệ thống trưng bày. Đó cũng là một cách thiết thực để Bảo tàng Hồ Chí Minh góp phần tuyên truyền và thực hiện tốt Di chúc của Người. 

Đọc thêm