Sự kiện thứ nhất là cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô khởi đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp năm 1946.
Quân, dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giam chân lực lượng chính quy khoảng 6.500 quân Pháp trong thời gian 2 tháng, gấp đôi thời gian quy định, tạo điều kiện cho cả nước kịp tổ chức, triển khai thế trận kháng chiến lâu dài. Trong cuộc chiến không cân sức đó, Mặt trận Hà Nội đã huy động sức mạnh đoàn kết to lớn của công nhân, các tầng lớp nhân dân, vượt qua gian lao để chiến thắng. Đó là sức mạnh vô địch của thế trận toàn dân đánh giặc, toàn dân kháng chiến… và sau đó với cuộc rút lui thần kì của Trung đoàn Thủ đô, Hà Nội đã thực hiện xuất sắc chủ trương diệt địch đi đôi với giữ gìn lực lượng để kháng chiến lâu dài.
Sự kiện thứ hai là cuộc tiếp quản tưng bừng “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” giải phóng Thủ đô sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Đảng và Chính phủ đã chọn một đơn vị từ Thủ đô ra đi năm xưa hẹn ngày về, nay trở lại. Đó là Đại đoàn 308, trong đó có Trung đoàn 102 Thủ đô, thay mặt cả nước tiếp quản Hà Nội, kéo lá cờ chiến thắng lên đỉnh cột cờ của Thủ đô giải phóng. Trong hai sự kiện lịch sử đó, Trung ướng Vương Thừa Vũ có sự đóng góp quan trọng ở cương vị Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội năm 1946, Chủ tịch Ủy ban quân chính Hà Nội năm 1954. Với những cống hiến ấy, Trung tướng Vương Thừa Vũ - một người con của Hà Nội xứng đáng với quê hương anh hùng, xứng đáng là người con ưu tú của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910 tại làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội. Thuở nhỏ, ông theo cha sang Vân Nam, Trung Quốc sinh sống; lớn lên, làm thợ hỏa xa và năm 1937 học Trường Quân sự Hoàng Phố. Năm 1940 ông về nước, tổ chức hoạt động cách mạng; năm 1941 bị thực dân Pháp bắt giam và năm 1942 bị đày tại Trại giam Bá Vân, Thái Nguyên. Được những người cộng sản vận động, ông tham gia công tác binh vận, phụ trách huấn luyện quân sự trong tù, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản năm 1943.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, đang bị giam tại Nghĩa Lộ, Yên Bái, ông đã cùng các bạn tù phá ngục, dự định tổ chức bạo động cướp chính quyền nhưng không thành, ông về Bắc Ninh xây dựng cơ sở cách mạng, huấn luyện quân sự.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ông được giao nhiệm vụ tiếp quản, phụ trách tổ chức và chỉ huy lực lượng Bảo an binh ở Hà Nội. Trước tình hình quân Pháp liên tiếp khiêu khích, gây xung đột cục bộ, từ tháng 11/1946, Ủy ban Bảo vệ thành phố được thành lập, ông được cử giữ chức Khu trưởng Khu 11 Hà Nội.
Theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Hà Nội nghiên cứu phương án tác chiến. Tư lệnh Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ trình bày cách đánh theo chiến thuật “cài then cửa”. Đó là cách đánh du kích, khi ẩn, khi hiện trong từng căn nhà, từng góc phố, kết hợp phục kích của tổ, đội với bắn tỉa của từng cá nhân, kết hợp trong đánh, ngoài vây, kết hợp tiến công với phòng ngự, tiêu hao, ngăn chặn địch từng bước…
Trung tướng Vương Thừa Vũ. |
Kế hoạch tác chiến và thế trận vô cùng độc đáo, sáng tạo của Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ được Bộ Tổng chỉ huy duyệt, khen ngợi và trong 60 ngày đêm chỉ huy Mặt trận Hà Nội, ông luôn theo dõi sát sao hàng ngày, hàng giờ từng trận chiến đấu của quân, dân ba liên khu để có những quyết định kịp thời, điều động các tiểu đoàn Vệ quốc quân vừa chặn, vừa đánh, vừa tiêu hao địch bằng chiến thuật hết sức sáng tạo, thần diệu “hóa chỉnh vi linh” trên địa bàn các phố cổ, phố tây, các cửa ô, các làng, xã ngoại thành, vừa đánh vừa đàm ngay tại Ô Chợ Dừa, chủ động tấn công địch và chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài...
Năm 1947-1948, ông là Khu phó Khu 4, Phân khu trưởng Phân khu Bình - Trị - Thiên. Năm 1948 ông được phong quân hàm Đại tá. Từ tháng 4/1949 đến năm 1954, ông làm nhiệm vụ tổ chức và là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên Đại đoàn 308 thành lập ngày 28/8/1949; chỉ huy các chiến dịch: Sông Lô, Đường 4; tham gia các chiến dịch: Biên Giới, Trung Du, Đông Bắc, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ năm 1954.
Ngày 28/9/1954, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và được cử làm Chủ tịch ủy ban Quân chính Hà Nội cùng Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô.
Từ 1955-1963, ông là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn; từ năm 1964 -1980, là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Quân chính, kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (1964 -1971). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974; là tác giả một số tác phẩm quân sự. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương khác...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội tài giỏi lời nhận xét: “Bao trùm lên trên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng; một vị tướng dũng, nhân, tín, liêm, trung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy”.