Mua nhà ngoại ô, tổn sức còn "dây dưa" kiện tụng

Mua đất ở huyện Sóc Sơn, chủ cũ do điều kiện ở xa nên thỉnh thoảng mới đến thăm nom tài sản của mình. Thế rồi, trong một lần đến thăm đất, người sở hữu hợp pháp phát hiện mảnh đất hơn 500m2 bị chiếm giữ trái luật.

Mua đất ở huyện Sóc Sơn, do điều kiện ở xa nên bà Mai thỉnh thoảng mới đến thăm nom tài sản của mình. Thế rồi, trong một lần đến thăm đất, người sở hữu hợp pháp phát hiện mảnh đất hơn 500 m2 bị chiếm giữ trái luật.

Theo đó, sau khi bà Phạm Tuyết Mai (ở quận Hai Bà Trưng, HN) bỏ tiền mua hơn 550 m2 đất và ngôi nhà cấp 4 ở thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và đã được UBND huyện cấp “sổ đỏ”, thế nhưng con gái của người chủ đất cũ lại ngang nhiên vào chiếm giữ, cư trú.

Khu đất của bà Mai bị chiếm giữ

Cư trú trái phép

Diện tích đất này được  ông Chu Văn Dỏng (xã Thanh Xuân) bán lại cho bà Mai vào năm 2002 . Bà Mai cho hay, sau khi mua bán thành công thì mảnh đất đã được xây hàng rào quây xung quanh nhưng thỉnh thoảng mới đến trông nom vì gia đình ở ở xa. Tuy nhiên, đến năm 2010, con gái ông Dỏng là bà Chu Thị Phương đã dọn đồ về ngôi nhà này và cư trú tại nhà và mảnh đất của bà Mai.

Tiếp đó, vào tháng 4/2011, cụ Nguyễn Thị Chiều (mẹ ông Dỏng) có đơn gửi UBND huyện Sóc Sơn kiến nghị đòi lại mảnh đất hơn 550 m2 mà ông Dỏng đã chuyển nhượng. Theo cụ Chiều, cụ mới chính là người sở hữu của mảnh đất trên, việc chuyển nhượng cụ không được biết và không đồng ý.

Qua xác minh, UBND huyện Sóc Sơn cho biết ông Dỏng là người duy nhất đứng tên mảnh đất trên cho đến thời điểm chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng được thực hiện đúng trình tự pháp lý, thời điểm này cụ Chiều ở với ông Dỏng nhưng không có ý kiến gì. Chính vì thế đơn kiến nghị đã bị bác.

Văn bản số 20 ngày 26/7/2010 của UBND xã Thanh Xuân, cũng “đề nghị ông Dỏng trả lại 552 m2 đất cho bà Phạm Tuyết Mai theo đúng hợp đồng đã chuyển nhượng”. Thế nhưng, việc giải quyết mới chỉ được thực hiện trên giấy tờ.

Đến ngày 14/12/2010, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành công văn (số 1497), yêu cầu “UBND xã Thanh Xuân mà trực tiếp là đồng chí Chủ tịch chưa nghiêm túc trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện để công dân tiếp tục có đơn thư, gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình chung...”.

UBND huyện cũng giao cho Thanh tra huyện đôn đốc UBND xã Thanh Xuân tổ chức thực hiện, nhưng rồi sự việc vẫn nằm im trên giấy.

Căng thẳng đã xảy ra, khi vào giữa năm 2011, chị Mai tiến hành cải tạo lại nhà và mảnh đất nói trên thì bà Phương dùng kéo đâm chị Mai gây thương tích, tổn hại 5% sức khỏe. Qua 2 cấp xét xử, bà Chu Thị Phương bị tòa án tuyên 6 tháng tù cho hưởng án treo.

Lên kế hoạch cưỡng chế

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết, xã đã nhiều lần gặp ông Dỏng yêu cầu ông thực hiện nhưng ông vẫn không làm. Thậm chí xã đã 2 lần mời ông Dỏng và chị Phương ra trụ sở để cùng đại diện các ngành chức năng huyện và tổ chức đoàn thể giải quyết nhưng cả 2 đều vắng mặt không lý do.

Đến ngày 16/1/2012, UBND xã Thanh Xuân đã ra quyết định áp dụng biện pháp hành chính do hành vi vi phạm hành chính về đất đai đối với Chu Thị Phương...

Theo đó, xã này yêu cầu chị Phương phải tự tháo dỡ những vật liệu tự cơi nới xây dựng, di chuyển cư trú, tài sản trả lại nhà đất cho bà Mai sau 10 ngày kể từ ngày 18/1/2012. Thế nhưng đến nay đã quá 6 tháng Quyết định trên của xã Thanh Xuân vẫn không được thực hiện.

Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, mới đây, xã Thanh Xuân đã có báo cáo kế hoạch giải quyết dứt điểm sự việc lên cấp trên. Trong khi đó, mới đây, các phòng ban của huyện này cũng đã họp với lãnh đạo xã Thanh Xuân để lên kế hoạch cưỡng chế, trả lại nhà đất cho người mua là bà Mai.

Như Trang

Đọc thêm