Mua tài sản đấu giá nhưng không được làm sổ đỏ

Sau khi trúng đấu giá tài sản, người dân nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định để làm thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Gia Lâm, nhưng 7 tháng qua vẫn chưa được giải quyết...

Sau khi trúng đấu giá tài sản, người dân nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định để làm thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Gia Lâm, nhưng 7 tháng qua vẫn chưa được giải quyết...

Cán bộ ngâm hồ sơ

Ông Dương Minh Tâm trú tại Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội có đơn gửi Báo PLVN phản ánh hành vi khó hiểu của cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐK) huyện Gia Lâm khi thụ lý, giải quyết hồ sơ xin đăng ký quyền sử dụng đất đối với tài sản ông trúng đấu giá của cơ quan nhà nước. 

rshhe
Căn nhà ông Dương Minh Tâm trúng đấu giá nhưng không làm được sổ đỏ... 

Theo ông Tâm, rất nhiều lần ông mang hồ sơ theo quy định đến VPĐK huyện này để làm thủ tục xin cấp GCN nhưng không hiểu sao cán bộ ở đây không giải quyết. “Sau nhiều lần “gõ cửa”, tôi được bà Nguyễn Thanh Tuyền là cán bộ văn phòng tiếp và nhận hồ sơ, rồi gửi phiếu hẹn trả kết quả vào ngày 5/1/2011. Nhưng đến hẹn tôi đến lấy kết quả thì được trả lời là chưa giải quyết được?”, ông Tâm bức xúc. 

Hồ sơ mà ông Tâm nộp tại VPĐK huyện Gia Lâm là để làm thủ tục cấp đổi GCN cho thửa đất số 03, tờ bản đồ 08 tại thôn Giang Cao, xã Bát Tràng mà ông trúng đấu giá do Cục Thi hành án (THA) Dân sự  TP. Hà Nội kê biên để thi hành Bản án số 195 ngày 24/12/2008 của TAND TP. Hà Nội. Phần tài sản này vốn là của ông Nguyễn Khắc Anh thế chấp tại Phòng giao dịch Ba Đình, Ngân hàng Cổ phần thương mại Việt Á vào tháng 7/2007. Đến hạn nhưng không trả được nợ nên ngân hàng đã khởi kiện ông Anh và TAND TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử .

Theo bản án, tài sản cầm cố của ông Khắc Anh được tòa quyết định chuyển sang Cục THA Dân sự TP. Hà Nội thực hiện kê biên, đấu giá công khai để thu nợ cho Ngân hàng Việt Á. Tại Biên bản chứng kiến việc tự nguyện thi hành án ngày 5/4/2010 của Cục THA TP. Hà Nội nêu rõ: “Biên bản này là căn cứ để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời là cơ sở để các cơ quan chức năng quản lý nhà, đất trên địa bàn TP Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền”.  

Người dân muốn chấp hành luật cũng khó

Là người trúng đấu giá và có đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật nhưng 7 tháng qua VPĐK huyện Gia Lâm cố tình không giải quyết cho trường hợp ông Dương Minh Tâm. Trong buổi làm vệc với Báo PLVN, ông Tạ Văn Sơn, Giám đốc VPĐK huyện Gia Lâm giải thích, mặc dù hồ sơ của ông Tâm là hợp pháp nhưng sở dĩ để lâu không giải quyết được là do đang có khiếu kiện rất phức tạp và ông đang đứng ra hòa giải cho các bên.

Theo ông Sơn, vướng mắc là do một ngân hàng có Chi nhánh Gia Lâm có văn bản đề nghị VPĐK tạm thời không giải quyết giao dịch về phần tài sản liên quan đến thửa đất của ông Khắc Anh đã bị kê biên, bán đấu giá mà ông Tâm là người trúng đấu giá. “Năm 2003, ông Anh dùng Trích lục bản đồ của thửa đất để cầm cố tại chi nhánh Gia Lâm của ngân hàng này để vay 100 triệu đồng. Tính đến nay, ông Anh còn nợ Ngân hàng này 170.920.000 đồng.

Đến năm 2007, sau khi được cấp GCN ông Anh lại dùng GCN để cầm cố tại Ngân hàng Cổ phần thương mại Việt Á. Việc làm của ông Anh là vi phạm pháp luật khi dùng một tài sản để thế chấp vay vốn tại hai ngân hàng khác nhau. Chính vì phức tạp như vậy mà VPĐK chưa thực hiện giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ cho ông Tâm”, ông Sơn nói.

Còn về ông Tâm: “Tôi mua tài sản thông qua bán đấu giá – là tài sản hợp pháp do Nhà nước đứng ra bán. Vì muốn thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật nên tôi đã đi làm thủ tục sang tên đối với GCN của mảnh đất, nhưng đến nay vẫn không được chấp nhận. Đúng là muốn chấp hành tốt pháp luật cũng không dễ…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy định hiện hành về quyền hạn và chức năng của VPĐK cấp huyện thì không có chức năng, thẩm quyền  giải quyết các tranh chấp về kinh tế, tranh chấp về quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, nếu xác định hồ sơ có tranh chấp phức tạp thì VPĐK cần phải trả lời cho người dân rõ và có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền là Phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Gia Lâm, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm để giải quyết.

Hành vi “ngâm” hồ sơ rồi tự ý đứng ra giải quyết các tranh chấp không đúng chức năng và nhiệm vụ của VPĐK huyện Gia Lâm liệu có đúng pháp luật?. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm sớm chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm nếu có.

Ngày 5/1/2011, Cục THA Dân sự TP Hà Nội đã có công văn 05/THA gửi Phòng TN&MT huyện Gia Lâm với nội dung: Theo quy định của pháp luật, Cục THA Dân sự TP Hà Nội đã cấp đầy đủ các thủ tục có liên quan đến ciệc cấp GCN giữa gia đình ông Nguyễn Khắc Anh và ông Dương Minh Tâm.

Đối với ông Tâm, đã có Giấy hẹn trả kết quả vào ngày 5/1/2011 nhưng đến ngày 5/1/2011, Phòng TN&MY huyện Gia Lâm trả lời do có đơn đề nghị của ngân hàng ngày 12/4/2010 về việc dừng mọi giao dịch đối với việc cấp GCN nói trên. Cụ THA Dân sự Hà Nội nhận định đơn của ngân hàng là không có căn cứ pháp lý, gây khó khăn trong việc làm thủ tục tách GCN đất cho ông Tâm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của công dân.

Để đảm bảo  quyền và lợi ích chính đáng của công dân, theo quy định của pháp luật, Cục THA Dân sự TP Hà Nội đề nghị Phòng TN&MT huyện Gia Lâm xem xét, giải quyết, đảm bảo bản án được thực thi đúng pháp luật.

Gia Khánh

Đọc thêm