Mua tài sản đấu giá: Sẽ được kéo dài thời hạn nộp tiền?

(PLVN) - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp soạn thảo đang đưa ra nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc bán đấu giá tài sản thi hành án.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không đấu giá tài sản còn lại nếu đã đủ thi hành nghĩa vụ

Khoản 3 Điều 27 Nghị định 62/CP hiện hành quy định: “Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày đấu giá thành”. 

Tuy nhiên theo Bộ Tư pháp, thực tế, thời hạn 15 ngày là tương đối ngắn, đặc biệt là đối với những tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn, cần có thời gian cho người trúng đấu giá thu xếp tiền. Việc quy định thời hạn dài hơn cũng sẽ giúp hạn chế việc phải huỷ kết quả bán đấu giá tài sản với lý do người mua được tài sản bán đấu giá không nộp tiền đúng thời hạn. Do đó, Dự thảo sửa đổi Nghị định 62/CP quy định tăng thời hạn trên từ “15 ngày” lên “30 ngày”. 

Liên quan đến thủ tục bán đấu giá, Điều 101 Luật thi hành án dân sự quy định: “Thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật bán đấu giá”, Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật”. 

Tuy nhiên, pháp luật bán đấu giá cũng chưa quy định cụ thể trong trường hợp Chấp hành viên kê biên từ 02 tài sản trở lên để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án, tại thời điểm kê biên, thẩm định giá giá trị 02 tài sản này thấp hơn nghĩa vụ phải thi hành án. Nhưng tại thời điểm bán đấu giá thì kết quả bán đấu giá tài sản thứ nhất đã đủ để thanh toán nghĩa vụ phải thi hành án.

Trong trường hợp này có được dừng bán đấu giá tài sản còn lại hay không hay tiếp tục bán đấu giá? Chủ thể nào có thẩm quyền dừng? Chủ thể nào có thẩm quyền yêu cầu dừng? Hậu quả pháp lý đặt ra nếu dừng việc bán đấu giá (bên nào phải chịu các chi phí thi hành án liên quan đến việc kê biên bán đấu giá tài sản thứ hai).

Để giải quyết vướng mắc trên, Dự thảo bổ sung thêm quy định: Trường hợp bán đấu giá nhiều tài sản để thi hành án trong cùng một phiên thì cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tổ chức đấu giá thực hiện việc đấu giá lần lượt theo thứ tự từ tài sản có giá trị lớn nhất. Trường hợp số tiền thu được đã đủ để thi hành nghĩa vụ và các chi phí theo quy định thì không tiếp tục đấu giá các tài sản còn lại. 

Xử lý khoản tiền đặt trước thế nào?

Theo khoản 5 Điều 27 Nghị định quy định: “Trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào thì khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác”.

Trên thực tế, Bộ Tư pháp cho biết nhiều đương sự cho rằng lãi suất chậm thi hành án trong quy định này có thể được hiểu là lãi suất chậm thi hành án của vụ việc đang được tổ chức thi hành chưa đúng với quy định về nội dung này, tại điểm a khoản 8 Điều 12 Thông tư số 200/2016/TT-BTC theo đó: Lãi suất chậm thi hành án của vụ việc liên quan đến bảo đảm tài chính và bồi thường Nhà nước…

Do vậy, sửa đổi Nghị định 62/CP, Bộ Tư pháp đưa ra hai phương án: Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành và bổ sung thêm các mục chi từ số tiền đặt trước, cụ thể: trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào thì khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán các khoản theo thứ tự sau đây: Khoản bồi thường Nhà nước của các cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật. 

Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng thì tiền thanh toán mua tài sản đấu giá được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá và quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán tài sản. 

Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật. 

Phương án 2: Trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc vi phạm thời hạn thanh toán tiền mua tài sản đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều này thì khoản tiền đặt trước sau khi trừ đi các chi phí xử lý tài sản, số tiền còn lại thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán các khoản theo thứ tự tương tự như Phương án 1.

Hiện nay, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 62/CP đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, hy vọng với những quy định mới, sẽ tạo thuận lợi và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án và của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.

Đọc thêm