Những thức quà của mùa thu Hà Nội
Nhà văn Vũ Bằng, trong tác phẩm “Thương nhớ 12” đã dành đến 2 chương để nói về những cái hay, cái đẹp của mùa thu Hà Nội. Trong đó, có những món ăn ông “thương nhớ” vô cùng khi Hà Nội vào thu, đó là cốm Vòng và chả rươi.
Trong “Tháng tám, ngô đồng nhất diệp lạc thiên hạ cộng tri thu”, nhà văn Vũ Bằng đã miêu tả về ẩm thực đầu thu thế này: “Mùa hồng lúc này đã rộ, bưởi cũng đã nhiều, nhưng thơm ngọt ngào mùi đất nước quê hương, đó có cái gì sánh được với cốm Vòng ăn với chuối trứng cuốc ngon lừ.
Đi trên những con đường nóng bỏng của trời tháng tám miền Nam bây giờ, tôi nhớ đến những buổi sáng mùa thu mẹ mua cho một mẻ cốm giót ăn lót lòng buổi sáng trước khi đi học, rồi đến khi có vợ, có con thì vợ biết tính chồng, thường dặn những người gánh cốm ở Vòng lên bán, thế nào cũng giữ cho những mẻ cốm thật ngon đem nén rồi đơm vào những cái đĩa con vừa ăn vừa nhấm nháp nước trà sen thơm ngát”.
Còn trong “Tháng Chín, gạo mới chim ngói”, có một đoạn nhà văn mô tả món chả rươi, mà ai đọc đến cũng không tránh khỏi thòm thèm: “... nhưng ăn rươi mà dùng vỏ quít phơi khô không sướng bằng dùng vỏ quít tươi mới lột ra, thái như sợi chỉ. Tài thế! Chẳng cần nhiều chỉ một dúm thôi, cho vào rươi tráng trứng, rươi mắm, rươi nấm với củ cải theo kiểu tam xà đại hội hay là rươi xào xâm xấp nước với củ niễng, rắc mấy cọng mùi lên trên, tự nhiên rươi dậy hẳn mùi. Thiếu vỏ quít, nhất định không phi là rươi nữa cũng như non thiếu nước, trăng thiếu hoa, gái thiếu trai, nhất định không có cách gì tạo nên được bài thơ ý nhị”.
Người Hà Nội dường như “nhận diện” mùa thu bằng hương cốm mới. Như bài thơ “Mùa gọi cốm thu về” của nhà thơ Vũ Dung: “Nếp non hạt ngọc trong lành/Đất trời ban tặng cốm xanh mỏng mềm/Đi xa mang nặng nỗi niềm/Nhớ nhung hương cốm nơi miền xa xôi”. Ngày xưa, mùa “cốm về” được nhận ra bằng những cô hàng cốm gánh mẹt rong trên đường, hay trong gói cốm xanh mướt ủ trong lá sen người ta đem cho nhau. Ngày này, mạng xã hội phát triển, một ngày, gió mùa về và bỗng một tấm ảnh thật thơ đăng trên mạng, một gói cốm nhỏ xinh trong lá sen (hoặc lá môn), buộc với dây lạt. Một ít chuối, hồng, một ấm trà thơm. Thế là mùa thu đến.
Có rất nhiều gánh hàng cốm đi dọc phố từ những ngày chớm thu. (Ảnh minh họa) |
Cùng với cốm tươi, các món ăn làm từ cốm khác như chả, chè cốm, xôi cốm… cũng là hương vị mang đậm dấu ấn mùa thu. Người Hà Nội coi thưởng thức cốm vào mùa thu là một truyền thống, một thú ẩm thực tao nhã. Còn khách phương xa đến đây cũng phải tìm đến cốm tươi mà thưởng thức, vì cốm là một phần không thể thiếu của mùa thu Hà Nội.
Hà Nội có hai làng cốm nổi tiếng, là cốm làng Vòng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), ngôi làng cổ nổi tiếng với nghề làm cốm tương truyền có đến cả ngàn năm và làng Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm). Nhiều thực khách phương xa sẵn sàng lặn lội ra các quận ngoại thành để đến thăm các làng cốm, xem người dân làm cốm và mua số lượng nhiều về để làm quà cho người thân, bè bạn. Còn nếu rong ruổi trong phố, ngẫu hứng thôi, thì một gói cốm tươi hai mươi lăm ngàn đồng từ các gánh cốm rong phố cổ cũng đủ để đáp ứng mong muốn rồi. Sáng mùa thu trời trong, mát nhẹ, ngồi ở quán nước ven đường, vừa nhâm nhi gói cốm tươi non, uống chén nước vối ấm nóng, hay ly cà phê trứng béo ngậy, nói dăm ba câu chuyện không đầu, không cuối, nhìn dòng người xe qua lại, thấy cuộc đời sao mà nhẹ tênh. Mà cái dòng cốm cũng lạ lắm, càng ăn sao lại càng ngọt, càng thơm đến thế.
Còn chả rươi không hẳn là “đặc sản” chỉ riêng có ở Hà Nội, mà giờ đây người ta cũng bán chả rươi quanh năm. Nhưng không thể phủ nhận, rươi thơm ngon nhất là ăn vào mùa thu, từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch vì đây là mùa rươi sinh sản. Những thời điểm khác, rươi thường để đông lạnh nên mất đi vị tươi ngon. Người Hà Nội ăn rươi ngon thì không vào nhà hàng đắt tiền. Trải nghiệm tuyệt vời nhất là khi ăn chả rươi ở những hàng quán phố cổ, vừa tĩnh lặng vừa ồn ào. Những hàng chả rươi ngon phải kể đến các hàng ở Ô Quan Chưởng, Lò Đúc, chợ Hàng Bè... Ngồi hè phố, nơi hàng quán lao xao, đông đúc, thậm chí cả nóng bức, bên cạnh là chảo dầu lớn sôi xèo xèo, những mẻ rươi tươi rói mới ra lò. Hay là ra quán bia hơi vỉa hè, nhâm nhi chả rươi cùng những cốc bia mát lạnh. Rươi được ăn kèm với chút ít rau thơm và thứ nước mắm chua ngọt đặc trưng Hà Nội, kèm với ít đu đủ xanh ngâm nữa, đủ làm người Hà Nội hay khách phương xa đến phải say ngất say ngây.
Lang thang phố cổ hàng quà vặt
Nếu nói về ẩm thực Hà thành, ẩm thực phố cổ thì có lẽ kể cả ngày cũng không hết. Có những món ăn đã vượt ra khỏi Hà Nội, vượt khỏi miền Bắc và vượt khỏi cả biên giới Việt Nam, chinh phục trái tim biết bao người sành ăn. Nào phở, nào bánh cuốn, chả giò, bún chả. Nào bún ốc, miến ngan, chả cá, nem chua rán, ốc luộc, miến lươn, cà phê trứng...
Chả rươi, món ăn khiến du khách đến Hà Nội mùa thu phải xuýt xoa. (Ảnh minh họa) |
Đến Hà Nội một vài lần, thực khách khó lòng mà thưởng thức hết được tinh hoa ẩm thực của Hà Nội. Nhưng nếu là một “khách tương tư”, cứ mỗi mùa thu lại đến Hà Nội để thăm, cứ ở lân la trong phố cổ nhiều ngày, thử sống đời sống của một người Hà Nội thì sẽ dần dà, du khách sẽ khám phá ra được phần nào “kho báu” ẩm thực trong lòng phố. Bởi ngoài hàng loạt những món ăn đã vang danh khắp nơi, Hà Nội còn nhiều thức quà nho nhỏ, đơn sơ, không được nhắc đến nhiều trên truyền thông, nhưng dễ làm cho người ta tương tư.
Ấy là một chiều mùa thu hơi se se, du khách lang thang trên phố, đi vào con phố bé tí tẹo và phát hiện ra một hàng bánh rán mà dân địa phương xúm đen xúm đỏ. Ấy là hàng bánh rán danh tiếng gia truyền ở số 5 Lương Ngọc Quyến. Hàng bánh rán nhỏ tí, bày biện cũng đơn sơ, nhưng mùi bánh rán tỏa ra thơm nức. Tò mò, du khách cũng chen vào mua, vì “bánh rán thì có gì mà đông đến thế”, để rồi vỡ òa vì lần đầu trong đời được ăn những chiếc bánh rán nóng hổi với vỏ ngoài giòn rụm, nhân thơm phức, ngọt ngào. Có chiếc bánh vỏ làm từ mật mía ngọt thơm, bánh vỏ vừng giòn rụm, bánh vỏ bằng đường, có chiếc nhân đậu xanh hay nhận mặn từ thịt, nấm băm. Chỉ có 3 ngàn đồng một cái bánh, mà như chứa cả bầu trời tuổi thơ, chứa cả những hương vị thơm lành trong ấy.
Là một buổi sáng mùa thu tươi mát, du khách ghé vào hàng cháo trên hè đường Nguyễn Hữu Huân ăn tô cháo nóng. Hàng cháo gia truyền hơn 30 năm, thế mà vẫn giản dị, bé nhỏ. Cháo trắng hoặc cháo đậu, ăn với 2 món chính là đậu phụ kho và cà pháo muối. Ngày nay, chủ quán bổ sung thêm trứng vịt muối và chà bông vào cho phong phú, nhưng vị nguyên bản vẫn không hề thay đổi. Tô cháo cơ bản chỉ có 12 ngàn, ăn no căng bụng. Nhưng điều thú vị nhất khiến du khách mỗi lần đến Hà Nội đều muốn ghé thăm, vì hàng cháo ấy là nơi tập trung của cả một xóm nhỏ các cô, các bác, với những câu chuyện trò rôm rả, những lời hỏi han thân thương, đậm chất phố cổ làm sao.
Nhâm nhi hàng rong mùa thu Hà Nội không thể không nhắc đến một thức quà giản dị mà ngon lành, đó là sấu chín. Quả sấu chín xuất hiện nhiều trên những mẹt gánh rong khu phố cổ vào cuối hè đầu thu. Khách phương xa vốn đã quen với món sấu xanh ngâm, sấu rim nổi danh trong những hàng quà vặt, nhưng sấu chín, món ăn chỉ riêng có vào thu Hà Nội và không “xuất khẩu” được, thì hầu như chỉ có người Hà Nội mới sành. Những quả sấu chín vàng mang vị ngọt nhẹ, chua thanh được cắt theo vòng tròn, rồi rắc muối ớt lên trên, chỉ nhìn thôi là đã khiến người ta thòm thèm không cưỡng lại. Du khách đến Hà Nội lần đầu mua sấu chín ven đường, ai cũng xuýt xoa, tấm tắc sao mà lạ miệng đến thế.
Hà Nội mùa thu với những tia nắng chiếu xiên, bầu trời trong vắt mà mát rượi, với hương hoa sữa ngạt ngào, với cúc họa mi dọc phố. Hà Nội mùa thu cũng là những ngày lang thang phố cổ, hết sà vào quán này đến hàng khác, để thưởng thức, để làm quen, để lắng nghe. Ăn không chỉ là ăn, mà ăn là một cách để trải nghiệm, để thêm hiểu, thêm yêu văn hóa, tâm hồn người Hà Nội qua những thức quà mùa thu đầy chăm chút, nâng niu.