Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm của Tây Bắc. Khác với nhiều địa danh khắp mọi miền Tổ quốc, Mùa xuân ở vùng cao này đón xuân với những vẻ đẹp khác biệt, những vẻ đẹp thơ mộng đến nao lòng. Đó là vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt, đậm chất hoang sơ của thiên nhiên, núi rừng và con người.
Nằm lọt thỏm giữa cảnh sắc núi non trùng điệp, giữa những thửa ruộng bậc thang hay những cánh đồng hoa cải cuối mùa vàng óng, xen giữa những rừng mơ, rừng mận, giữa mây sương là những ngôi nhà vách đất hay vách gỗ đơn sơ của đồng bào các dân tộc. Trong nhà, những căn bếp đỏ lửa tỏa ra hơi ấm xua tan giá rét và chào đón mùa mới, hứa hẹn những ấm no.
Trên các bản vùng cao, các chàng trai, cô gái gửi tâm tình qua tiếng khèn du dương, qua tiếng đàn môi ngọt lịm, qua tiếng sáo thiết tha và qua giọng ca trong trẻo, thánh thót. Đâu đó trong không gian là tiếng cười khúc khích của các cô thôn nữ, tiếng vui đùa hồn nhiên của lũ trẻ vùng cao xua tan không khí ảm đạm của mùa cũ.
Khi xuân về trên khắp các bản làng cũng là lúc đồng bào các dân tộc vùng cao nơi này rộn ràng đón Tết. Mỗi dân tộc có một phong tục riêng tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc, đặc trưng, hòa cùng dòng chảy văn hóa đa dạng của các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc.
Tết nơi đây rộn ràng với tết của dân tộc Hmông tại tỉnh Hòa Bình, tết của dân tộc Mường tại Sơn La, tết của dân tộc Hà Nhì tại Điện Biên, tết của dân tộc Thái tại Lai Châu, tết của dân tộc Phù Lá ở Lào Cai, tết của dân tộc Dao ở Yên Bái.
Tết của mỗi dân tộc mang những đặc trưng khác nhau nhưng tựu chung lại tết là dịp gia đình sum vầy bên nhau, cùng cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu mong một năm mới hạnh phúc, một tương lai tươi sáng.
Xuân Tây Bắc đẹp bình dị mà khiến lòng người rạo rực tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên, đất nước. Đón xuân, đón tuổi mới, bên hương rượu cần và bếp hồng ấm lửa, lòng người chợt bâng khuâng suy nghĩ về quá khứ, về hiện tại, và về tương lai với tràn trề những ước mơ và hy vọng.
Xuân Tây Bắc không lấp lánh ánh đèn cũng không ồn ào, náo nhiệt như các thành phố lớn, mùa xuân nơi vùng cao Tây Bắc đến lặng lẽ, yên bình và đẹp cuốn hút với khói mờ sương tỏa, với màu trắng tinh khôi của hoa ban, hoa mai, hoa mận, với từng chồi non lộc biếc nhú lên trên những thân cây xù xì, với rực rỡ sắc áo của trẻ em vùng đồng bào dân tộc, và vẻ đẹp ngây ngất của các cô sơn nữ… Tất cả đều nguyên sơ, mộc mạc nhưng sâu sắc và đi vào tâm can đến lạ.
Xuân miền sơn cước cũng rộn rã với những trò chơi và phong tục, nghi lễ truyền thống, nào là nhảy sạp, bắt lợn, đẩy gậy, leo cột mỡ… rộn rã với những điệu múa, lời ca như hát ví, mo, múa Lạp Lì Lò Sất Sảy, múa khèn, múa kiếm, múa dạo, múa nhảy rùa, múa nhảy lửa… và những trò chơi dân gian đặc sắc như chơi cù, ném pao, bắn nỏ, đua ngựa, chọi chim, đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ…
Nào là lễ nghi độc đáo như đám cưới người Dao hay cấp sắc của người Dao Đỏ. Với đàn ông người Dao Đỏ, lễ cấp sắc chính là “lễ trưởng thành”. Phải trải qua lễ cấp sắc, các chàng trai Dao Đỏ mới đích thực là con cháu Bàn Vương, đủ khả năng tham gia những công việc quan trọng của cộng đồng…
Mùa xuân Tây Bắc để lại trong bất kể ai khi lên vùng cao này, đến các lễ hội dân tộc, không thể không đắm mình vào những điệu hát ấp ủ một tình yêu đẹp, để rồi từ đó là những chuyện tình đâm chồi non, nảy lộc biếc, ra hoa thơm, kết trái ngọt…
Lễ hội mùa xuân ở vùng cao Tây Bắc không chỉ mang giá trị văn hóa tâm linh mà còn là dịp để đồng bào gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc của dân tộc mình, giáo dục thế hệ trẻ biết yêu quý những gì cha ông để lại, gắng sức xây dựng một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.